Trước nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân tăng đột biến vào thời điểm cuối năm, các loại hàng giả, hàng kém chất lượng lại được dịp tung hoành. Trong lúc ngành chức năng loay hoay với các biện pháp phòng chống thì hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn đang lấn lướt hàng thật và “sống khỏe”.
Ngày càng tinh vi
Sau nhiều tháng tiết kiệm chi tiêu mua sắm, chị Hiền, nhà ở đường Trần Quang Diệu, quận 3, TP Hồ Chí Minh, quyết định tự thưởng cho mình một chiếc váy hàng hiệu có giá khá đắt ở trung tâm thương mại khá lớn ở quận 1. Chưa kịp khoe với bạn bè, chỉ qua vài lần giặt, chiếc váy đã có dấu hiệu phai màu, các chi tiết trên thân váy vốn là điểm nhấn giờ trở nên xơ xác… Còn anh Ngọc (nhà ở đường Lý Chính Thắng, quận 3) cũng mua một chai nước hoa “hàng hiệu”, được người bán cho biết là hàng chính hãng, xách tay từ Pháp về. Tuy nhiên, khi sử dụng anh “tá hỏa” vì phát hiện mùi thơm không lâu và hương cũng gắt nồng chứ không thoang thoảng như khi thử. Theo nhận định của Hội Bảo vệ người tiêu dùng, cả chị Hiền và anh Ngọc đều mua phải hàng giả, hàng nhái “đội lốt” hàng thật.
Người tiêu dùng cần thận trọng trong việc lựa chọn sản phẩm nhằm tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. |
Theo khảo sát của các ngành chức năng, thủ đoạn sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường hiện nay khá tinh vi. Hiện có gần 80% hàng giả, hàng kém chất lượng được nhập lậu từ nước ngoài về. Số còn lại được sản xuất từ chính trong nước, do một số cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ và không ít doanh nghiệp làm ăn phi pháp sản xuất. “Hàng giả, hàng kém chất lượng không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe của người tiêu dùng mà còn tác động không nhỏ đến uy tín, thương hiệu, thiệt hại về kinh tế đối với những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Đặc biệt, đáng lo ngại là thủ đoạn buôn bán, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng tinh vi”, ông Phan Tấn Quốc, Trưởng phòng Chống hàng giả thuộc Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (Vatap), nhận định.
Kinh nghiệm nhiều năm theo dõi các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, luật sư Bùi Minh Tâm (Văn phòng luật sư Phạm & liên danh) cho biết, hiện bất kỳ loại hàng hóa nào bán chạy trên thị trường đều có hàng giả, hàng nhái vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Từ những sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng thế giới và trong nước, những sản phẩm có giá trị lớn và công nghệ cao như xe máy, điện thoại di động cho đến những sản phẩm bình dân giá rẻ như bao diêm, sợi chỉ đều xuất hiện hàng giả, hàng nhái. Hàng giả, hàng nhái không chỉ được bán ở các cửa hàng, các chợ trên khắp cả nước, mà còn len lỏi vào trong các siêu thị lớn, những cửa hàng chuyên doanh “hàng hiệu”. Thời gian gần đây, cùng với việc bùng nổ của hình thức kinh doanh trên mạng thì hàng giả, hàng nhái càng khó kiểm soát. Càng những địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi thường thiếu thốn hàng hóa, bị hạn chế về thông tin và dân trí, thì hàng giả, hàng nhái càng lộng hành.
Tại hội thảo “Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu” được tổ chức mới đây tại TP Hồ Chí Minh, các đại biểu cho rằng dù ngành chức năng đã cố gắng ngăn chặn nhưng đến nay, công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái vẫn còn nhiều bất cập. Nguyên nhân là do lực lượng cán bộ quản lý thị trường đã quá mỏng; trình độ, nghiệp vụ nhiều hạn chế lại kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau. Trong khi đó, thủ đoạn của những đối tượng, doanh nghiệp làm ăn phi pháp ngày càng tinh vi. Việc gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, hàng nhái sử dụng thiết bị công nghệ cao, có dấu hiệu móc nối với nước ngoài ngày càng tăng mạnh. Nhiều sản phẩm được làm giả giống như hàng thật, nếu không được đào tạo bài bản về khả năng nghiệp vụ rất khó phát hiện…
Theo kết quả điều tra của Vatap, hàng giả, hàng kém chất lượng thường có những dấu hiệu nhận biết như sai về cách sử dụng nhãn hiệu/lô gô trên sản phẩm, ký hiệu sản phẩm, tên sản phẩm trên tem nhãn, quy cách đóng gói sản phẩm… Ngoài ra có dấu hiệu nhập nhằng về màu sắc, nguyên liệu, bao bì, thậm chí không có hóa đơn, chứng từ… Mặc dù hàng giả được làm tinh vi nhưng công cụ nhận biết được trang bị sơ sài, gây nhiều khó khăn khi ngành chức năng chỉ kiểm tra bằng “cảm quan”. Trong khi đó, để xác định chắc chắn chất lượng một mặt hàng nào đó, ngành chức năng phải gửi mẫu đi Hà Nội để kiểm định, vừa tốn kinh phí vừa mất nhiều thời gian chờ đợi lâu, vừa gây khó khăn trong công tác đấu tranh.
Bảo vệ người tiêu dùng
Hàng giả, hàng kém chất lượng bán tràn lan trên thị trường không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Tâm, hiện không ít doanh nghiệp mặc dù bị thiệt hại, nhưng cũng không chịu hợp tác, đấu tranh với hàng giả, hàng kém chất lượng. “Dù có quy định các doanh nghiệp có quyền gửi các văn bản yêu cầu cơ quan chức năng thực hiện giám sát sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm của mình nhưng nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm. Có trường hợp sau khi phát hiện hàng nhái, các cơ quan chức năng đã thông tin đến doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp cũng không chịu hợp tác. Vì thế, ngành chức năng rất khó có cơ sở để thu hồi và tiêu hủy sản phẩm. Đối với người tiêu dùng, ngoài một bộ phận không “đủ sức” để nhận biết hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thì vẫn còn không ít trường hợp quá dễ dãi trong mua sắm, thích mua hàng rẻ... nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho hàng giả, hàng kém chất lượng phát triển”, ông Tâm nói thêm.
Để công tác phòng chống hiệu quả, theo ý kiến của nhiều người trong cuộc, cần tập trung củng cố cả về con người, phương tiện kiểm tra và kinh phí. Cùng với đó, ngành chức năng phải khẩn trương hoàn thiện những quy định pháp luật, tăng cường công tác tuyên truyền đến người tiêu dùng từ đó tiến tới xã hội “tẩy chay” hàng giả, hàng kém chất lượng. Các doanh nghiệp phải chủ động hơn nữa trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu của mình; cũng như không được buông lỏng trong quản lý, giám sát tiêu thụ hàng hóa, đồng thời cần chủ động cung cấp cho người tiêu dùng những thông tin nhằm phân biệt hàng thật của doanh nghiệp với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Đặc biệt, lực lượng thực thi pháp luật phải tăng cường phối hợp, quyết liệt hơn nữa trong việc ngăn chặn, xử lý vi phạm trong lĩnh vực này để bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn chân chính và đông đảo người tiêu dùng.
Mới đây, Ban Chỉ đạo Trung ương về chống buôn lậu và gian lận thương mại (Ban 127 Trung ương) vừa yêu cầu Ban Chỉ đạo 127 các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại dịp cuối năm 2013 và Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014. Theo đó, các ngành chức năng sẽ phối hợp tăng cường kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; đặc biệt chú ý đến những mặt hàng thiết yếu và tiêu thụ nhiều như: Rượu ngoại, bánh mứt kẹo, thực phẩm các loại; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; mũ bảo hiểm, quần áo, đồ gia dụng. |
Ông Trấn Hùng, Cục phó Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương): Kiên quyết đấu tranh Thống kê của ngành chức năng, chỉ tính 8 tháng đầu năm 2013, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã xử lý gần 90.000 vụ buôn lậu, hàng giả… xấp xỉ bằng cả năm 2012. Để đấu tranh với tình trạng này, chúng tôi đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao hiểu biết của người dân trong việc nhận biết hàng thật, hàng giả, hàng kém chất lượng; xử lý nghiêm những vụ việc điển hình nhằm mang tính răn đe cho các hành vi cố tình vi phạm. Ông Phan Thiện Minh, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH M.V Liên Minh: Doanh nghiệp phải ý thức tự bảo vệ mình Kinh nghiệm từ các nước cho thấy vai trò tham gia của doanh nghiệp - chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ trong thực thi là rất quan trọng. Theo tôi, sự liên minh giữa các nhà sản xuất với ngành chức năng trong đấu tranh chống hàng giả cần tích cực hơn nữa. Doanh nghiệp không được buông lỏng trong quản lý, giám sát tiêu thụ hàng hóa của mình và không nên coi việc chống hàng giả là của các cơ quan thực thi pháp luật. Để hạn chế tình trạng bị xâm phạm nhãn hiệu ảnh hưởng đến thương hiệu, doanh thu… doanh nghiệp cần chủ động trong công tác phòng chống như sử dụng tem chống hàng giả, cải tiến mẫu mã… Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Vatap: Tăng cường phối hợp Hiện nay có 5 cơ quan hành chính có chức năng và thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính về sở hữu trí tuệ, gồm: Quản lý thị trường; Thanh tra chuyên ngành Khoa học - Công nghệ và Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Công an kinh tế, UBND các cấp và cơ quan Hải quan kiểm soát hàng nhập khẩu. Theo tôi, thời gian tới các cơ quan này phải có chương trình hành động cụ thể, đồng thời kết hợp chặt chẽ hơn trong công tác phòng chống nạn hàng giả, hàng kém chất lượng. |
Lê Nghĩa thực hiện