Các nhà làm luật đang cân nhắc khả năng không cấm việc chung sống của những người đồng giới tính nhưng cũng không thừa nhận bằng giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.
Bước đi phù hợp
Hôn nhân đồng giới là vấn đề “nóng” nhất được các đại biểu đặc biệt quan tâm tại Hội nghị tham vấn công chúng về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, diễn ra hôm qua (1/10) tại Hà Nội.
Trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đang thi hành có điều khoản: Cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính. Trong dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình mới có quy định: Nhà nước không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
Theo giải thích của TS Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp, không thừa nhận việc hôn nhân đồng tính đã là một bước tiến lớn trên con đường công nhận những người đồng tính. Không thừa nhận nhưng tôn trọng quyền được chung sống và các quyền khác của người đồng tính.
Các chuyên gia làm luật cho rằng, Nhà nước không cấm là bước đi phù hợp trong giai đoạn hiện nay. “Ví dụ, nước Pháp mới công nhận cho hôn nhân đồng tính, nhưng vấn đề này đã được họ chuẩn bị và thảo luận từ những năm 80 của thế kỷ trước. Hơn nữa, việc hiểu biết về giới tính của người dân còn chưa đầy đủ. Do vậy, chúng ta cũng cần có lộ trình phù hợp”, luật sư Nguyễn Văn Cừ, Trưởng khoa Pháp luật dân sự, Đại học Luật Hà Nội nhấn mạnh.
Cùng quan điểm trên, TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp cho rằng: “Sau khi cân nhắc kỹ tới các khía cạnh lịch sử, phong tục tập quán và có tham vấn các bộ luật của nước ngoài, chúng tôi thấy rằng việc không cấm nhưng không thừa nhận hôn nhân đồng giới là một bước tiến đáng kể trong giai đoạn hiện nay”.
Theo TS Thảo, hiện cũng mới có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ công nhận hôn nhân đồng giới. Dự thảo đưa ra là không thừa nhận, tức là không cho đăng ký kết hôn nhưng có thể đăng ký hộ khẩu sống chung, chứng nhận về việc có mối liên quan với nhau về tài sản, con cái, các quyền lợi và nghĩa vụ khác.
Giảm sự kỳ thị
Thực tế trong đời sống xã hội 13 năm qua, việc cấm hôn nhân đồng tính đã không có hiệu lực với nhóm người này. Những người đồng tính vẫn chung sống với nhau. Đó là một hiện tượng của xã hội mà “chúng ta cần thay đổi quan niệm để hướng tới làm luật theo hướng nhân đạo, có biện pháp chống kỳ thị”, ông Huệ cho biết.
Về vấn đề mang thai hộ, đa số các ý kiến đều đồng ý rằng, đây là việc làm mang tính nhân đạo nên có quy định cụ thể trong luật. Việc này sẽ giúp những gia đình hiếm muộn, những bà mẹ không thể có con có được hạnh phúc gia đình. Nhưng luật phải quy định cụ thể điều kiện và trách nhiềm của các bên. Tránh lạm dụng để trở thành tệ nạn xã hội, bóc lột phụ nữ. |
Đối với những người đồng tính, họ vẫn luôn khát khao có một cuộc hôn nhân được xã hội và pháp luật thừa nhận. “Tôi cho rằng, không thừa nhận tức là chối bỏ chúng tôi, gây cảm giác chúng tôi bị kỳ thị”, chị Ly, một người đồng tính cho biết.
Theo chị Ly, vì không có luật nên bản thân chị cũng chưa dám công khai giới tính thực sự của mình. Nhiều gia đình chịu áp lực từ xã hội khi biết con mình đồng tính, nhiều người đồng tính bị gia đình cấm đoán trong hôn nhân, kỳ thị tới hàng chục năm không được sống chung với nhau.
“Tôi cho rằng, việc công nhận hôn nhân đồng giới không quá ảnh hưởng tới xã hội. Việc mọi người lo sợ sẽ làm lây lan, phẫu thuật chuyển giới tràn lan là suy nghĩ chưa đầy đủ, vì bản thân chúng tôi sinh ra đã là như vậy”, chị Hương, một người đồng tính chia sẻ.
Với người đồng tính, việc được xã hội công nhận sẽ giúp họ được sống an toàn hơn, được gia đình, bạn bè và người thân đón nhận, giảm đi sự kỳ thị. “Hơn nữa, những người đồng tình không phải khổ sở bị gia đình gò ép vào những cuộc hôn nhân có thể sẽ gây bất hạnh cho họ sau này”, chị Hương tâm sự.
Phi Sơn