Trung tâm Quan trắc và Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ) đã có kết quả phân tích mẫu nước trên sông Chảy.
So sánh với Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước mặt (QCVN 08:2008/BTNMT), thông số ô nhiễm chất hữu cơ (BOD) trên sông Chảy vượt từ 6,67 - 7 lần; COD vượt từ 6,1 - 6,4 lần, Amoni vượt từ 2,01 - 7,7 lần.
Đặc biệt, nước mặt hồ Hang Luồn (xã Vũ Linh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) thuộc khu vực thượng lưu của sông Chảy bị ô nhiễm nghiêm trọng. Thông số ô nhiễm chất hữu cơ BOD vượt tới 134,7 lần, COD vượt 116 lần, Amoni vượt 13,55 lần.
Ông Nguyễn Đình Cúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, đoạn sông Chảy qua địa bàn 8 xã của huyện Đoan Hùng không có cơ sở sản xuất xả nước thải ra môi trường. Do đó, có thể nguồn ô nhiễm từ khu vực thượng lưu chảy xuống gây chết cá, tôm trên sông Chảy đoạn qua địa phương này. Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Phú Thọ (Sở Tài nguyên Môi trường Phú Thọ) sẽ báo cáo UBND tỉnh Phú Thọ và Bộ Tài nguyên Môi trường đề nghị Bộ chỉ đạo hai tỉnh Phú Thọ và Yên Bái phối hợp xác định nguyên nhân gây ô nhiễm nước sông Chảy.
Ngày 31/3, chúng tôi trở lại xã Nghinh Xuyên (huyện Đoan Hùng) thì thấy nước sông Chảy xuống rất thấp, nước đã trong hơn. Ông Cao Trung Kiên, Trưởng thôn 1, cho biết, qua quan sát cho thấy, nguồn nước đã trở lại bình thường, nhưng chưa thể khẳng định đã hết ô nhiễm. Người dân trong khu vực vẫn chưa nuôi cá trở lại bởi lo ngại cá tiếp tục chết. Hiện tại, tất cả lồng nuôi cá của các gia đình vẫn đang bỏ trống, thậm chí có gia đình không có ý định tiếp tục theo nghề này.
Về chất lượng nước trên sông Hồng đoạn chảy qua địa bàn tỉnh Phú Thọ, ông Trần Xuân Hải, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Phú Thọ khẳng định chưa có biến đổi bất thường.
Trương Văn Quân