Để khắc phục hậu quả trên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu Giám đốc Công an thành phố chủ trì, phối hợp với Chủ tịch UBND quận Đống Đa và các đơn vị liên quan tập trung khắc phục hậu quả, khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ cháy, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và xử lý theo quy định của pháp luật.
Nếu không có lối thoát nạn khẩn cấp thì có thể hậu quả sẽ nặng nề hơn con số 2 người tử vong.
Lãnh đạo Hà Nội cũng giao Giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch UBND quận Đống Đa và các đơn vị có liên quan, tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ vật chất, tinh thần gia đình người bị nạn theo quy định; căn cứ theo chức năng nhiệm vụ được giao, đảm bảo vệ sinh môi trường tại khu vực xảy ra vụ cháy; báo cáo Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo những nội dung vượt thẩm quyền.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị các địa phương khác làm tốt công tác phân tích, dự báo tình hình; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC; hướng dẫn kiến thức, các biện phòng ngừa, kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm khi xảy ra sự cố cháy, nổ; rà soát, bổ sung, kiện toàn các lực lượng PCCC tại chỗ (lực lượng dân phòng; lực lượng PCCC cơ sở; lực lượng PCCC chuyên ngành), mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” “Điểm chữa cháy công cộng” đáp ứng phương châm “04 tại chỗ”.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tuyên truyền, vận động 100% hộ gia đình kết hợp kinh doanh, sản xuất có từ 2 tầng trở lên chưa có lối thoát nạn thứ 2 tự mở lối thoát nạn thứ 2, trang bị hệ thống báo cháy tự động, dụng cụ, phương tiện cứu nạn, cứu hộ tại gia đình; tập trung kiểm tra các điều kiện về đường, lối thoát nạn, hệ thống, thiết bị PCCC, hệ thống điện; quản lý, sử dụng điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt, chất dễ cháy, nổ, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt (trong đó lưu ý kiểm tra các thiết bị điện, các thiết bị bảo vệ điện, đường dây điện trong nhà...).