Chính quyền hai cấp: Bước chuyển lớn vì một nền hành chính gần dân, hiệu quả hơn

Từ ngày 1/7/2025, Hà Nội cùng nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp – thay thế cho mô hình ba cấp đã tồn tại hàng chục năm qua. Đây được đánh giá là bước chuyển có tính lịch sử, phù hợp với yêu cầu đổi mới tổ chức bộ máy hành chính trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Để hiểu rõ hơn về điểm mới cũng như những thách thức khi triển khai mô hình chính quyền hai cấp, Báo Tin tức và Dân tộc đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ – chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về tổ chức bộ máy nhà nước và công vụ.

Thưa ông, việc chuyển đổi mô hình chính quyền địa phương từ ba cấp sang hai cấp là một bước đi lớn. Theo ông, tính ưu việt của mô hình hai cấp được thể hiện ở những điểm nào?

Trước hết, cần khẳng định rằng mô hình chính quyền ba cấp (xã – huyện – tỉnh) đã đóng vai trò rất quan trọng trong suốt chiều dài lịch sử đất nước. Nhưng trong giai đoạn hiện nay, khi đất nước chuyển mình mạnh mẽ theo hướng hiện đại, bộ máy quản lý nhà nước cũng cần được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Chú thích ảnh
Tiến sĩ Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Mô hình hai cấp là một bước tiến phù hợp, tạo điều kiện để phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn, theo đúng tinh thần "việc gì của địa phương thì để địa phương quyết định, tổ chức và chịu trách nhiệm". Đồng thời, mô hình này xóa bỏ sự phân biệt giữa cán bộ, công chức cấp xã và cấp tỉnh, qua đó thống nhất chế độ công vụ, tạo ra một hệ thống hành chính thông suốt, minh bạch hơn.

Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0, chính quyền hai cấp mở ra cơ hội để ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo vào quản lý, điều hành, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ công, cải cách thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí cho cả bộ máy và người dân.

Một số ý kiến lo ngại rằng tinh gọn bộ máy sẽ khiến cán bộ cơ sở phải phụ trách quá nhiều lĩnh vực, dẫn tới quá tải. Ông nhìn nhận như thế nào về ý kiến này?

Đây là một quan điểm cần lắng nghe, nhưng tôi cho rằng điều quan trọng nằm ở tư duy tiếp cận mô hình mới. Khi chúng ta đặt mục tiêu xây dựng bộ máy hành chính “tinh – gọn – mạnh – hiệu quả”, tất yếu sẽ có những thách thức, nhất là tâm lý ngại thay đổi, lo lắng về năng lực thích nghi.

Tuy nhiên, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay đã được cải thiện đáng kể. Rất nhiều người đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, làm việc ngoài giờ, kể cả ngày nghỉ. Nếu được đào tạo tốt, có công nghệ hỗ trợ, tôi tin rằng cán bộ sẽ không bị quá tải mà ngược lại, làm việc hiệu quả hơn, có động lực hơn.

Việc ứng dụng công nghệ cũng góp phần giảm tải đáng kể cho bộ máy. Người dân có thể tương tác với chính quyền qua các nền tảng số, tra cứu, nộp hồ sơ, nhận kết quả mà không cần đến trực tiếp. Từ đó, công chức có thể tập trung xử lý công việc chuyên sâu, giảm áp lực hành chính vụn vặt.

Hà Nội dự kiến có khoảng 11.000 người dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính. Thành phố đang tính đến phương án đào tạo nghề để hỗ trợ nhóm lao động này. Theo ông, chính sách này nên triển khai như thế nào để hiệu quả?

Tôi hoàn toàn ủng hộ sáng kiến này. Đây là một chính sách nhân văn, thể hiện trách nhiệm của chính quyền Hà Nội với đội ngũ từng tham gia bộ máy công vụ.

Tuy nhiên, để đạt hiệu quả thực chất, việc đào tạo phải xuất phát từ khảo sát cung – cầu lao động. Cần xác định rõ thị trường đang cần những ngành nghề nào, kỹ năng nào, để từ đó thiết kế chương trình đào tạo phù hợp, tránh tình trạng học xong không xin được việc.

Trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, chương trình đào tạo cũng cần bám sát xu thế phát triển khoa học công nghệ. Những người rời khỏi công vụ vẫn hoàn toàn có thể trở thành nguồn nhân lực có giá trị nếu được trang bị kỹ năng số, kỹ thuật công nghệ, quản lý doanh nghiệp, v.v...

Nếu làm tốt, không chỉ giải quyết được vấn đề việc làm cho người dôi dư mà còn góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thành phố, phục vụ chiến lược phát triển dài hạn.

Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Trung Nguyên/Báo Tin tức và Dân tộc
Sẵn sàng vận hành mô hình chính quyền hai cấp từ 1/7
Sẵn sàng vận hành mô hình chính quyền hai cấp từ 1/7

Từ ngày 1/7/2025, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sẽ chính thức được triển khai trên cả nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN