Chi 2.000 tỷ đồng khơi lại kênh Hàng Bàng

Một trong những tồn tại lớn nhất trong công tác chống ngập chính là “tư duy chống ngập” theo kiểu chắp vá, biết đến đâu, làm đến đó mà thiếu hẳn một cái nhìn tổng thể cũng như đánh giá đúng căn nguyên của vấn đề. Hệ lụy của vấn đề này là thành phố lại phải chi hàng nghìn tỷ đồng để đào lại một con kênh đã bị lấp. Nhưng cũng có thể xem đây chính là những tín hiệu của sự cầu thị trong quy hoạch, phát triển đô thị của thành phố.


2.000 tỷ… khơi lại một dòng kênh

Từ nhiều năm trước, tất cả các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường đô thị, từ TS Hồ Long Phi, GS Lê Huy Bá cho đến TS Phạm Sanh và nhiều chuyên gia khác, khi phát biểu về vấn đề chống ngập của Thành phố Hồ Chí Minh đều luôn đưa ra cảnh báo về việc lấp kênh rạch, thay dòng chảy tự nhiên bằng hệ thống cống hộp là việc làm hết sức sai lầm, vừa tốn tiền vừa gây hậu quả nghiêm trọng. Dù vậy, nhiều năm qua, thành phố vẫn tiếp tục “tốn tiền” cho hệ thống cống hộp và vẫn cứ chấp nhận việc lấp kênh rạch để xây dựng các dự án nhà ở đô thị, ven sông, ven kênh…

Lấp kênh, rạch là một trong những nguyên nhân gây ngập lụt ở TP Hồ Chí Minh.

Hai nghìn tỷ đồng là số tiền mà thành phố phải bỏ ra cho một quyết định sai lầm trước đó. Tại thời điểm năm 2000, đoạn kênh Hàng Bàng từ đường Bình Tiên đến Phạm Đình Hổ bị ô nhiễm nghiêm trọng, thay vì cần được nạo vét, cải tạo khơi thông dòng chảy, thành phố đã chọn giải pháp lấp kênh và lắp đặt hệ thống cống hộp. Sau đó, người dân sinh sống dọc kênh tiếp tục xây nhà, làm đường, con kênh chỉ còn là con đường bằng xi măng rộng chừng 3 m nằm giữa hai dãy nhà, là lối đi cửa sau và sân sau cho những hộ dân sinh sống tại đây.

Việc lấp kênh Hàng Bàng đã tạo ra hậu quả nhãn tiền là tình trạng ngập úng nặng ở nhiều điểm thuộc khu vực quận 6 và nhiều vùng lân cận, trong khi các giải pháp về chống ngập khác đều không phát huy tác dụng. Trước thực trạng này, thành phố đã quyết định khơi lại dòng kênh Hàng Bàng nhằm giải quyết tình trạng ngập úng. Tuy nhiên, để khơi lại dòng kênh có chiều dài hơn 1.800 m này, thành phố sẽ phải bỏ ra khoảng 2.000 tỷ đồng để khôi phục nguyên trạng như hơn 15 năm trước đây và phải tiến hành giải tỏa trắng hơn 3.000 căn nhà đang nằm trên dòng kênh. Trước mắt, giai đoạn 1 của dự án, sẽ tiến hành khôi phục khoảng 400 m, gồm 2 đoạn đầu và cuối kênh, với khối lượng nạo vét 24.000 m3 bùn, đất, giải tỏa 160 hộ dân, với tổng chi phí đền bù 280 tỉ đồng và chi phí xây dựng là 20 tỉ đồng.

Đánh giá về vấn đề này, GS. TS Lê Huy Bá, Nguyên Viện trưởng Viện khoa học công nghệ và quản lý môi trường (Trường ĐH Công nghiệp) cho rằng, việc thành phố quyết định khơi lại kênh Hàng Bàng là một việc làm rất tiến bộ, tuy nhiên, hiện vẫn còn rất nhiều dòng kênh bị lấp, cần được khơi thông trở lại, và đặc biệt là phải cần chấm dứt ngay tình trạng tiếp tục lấp kênh rạch để làm dự án nhà ở, khu đô thị… Vì rằng, một mặt thành phố cho khơi thông lại các dòng kênh bị lấp, nhưng vẫn còn nhiều “đại gia” có thể lập các dự án nhà ở đô thị lớn để lấn chiếm cả sông Sài Gòn…

Hàng trăm con kênh đã và đang bị lấp

Con số thống kê của Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường, tại TP Hồ Chí Minh cho thấy, tính đến thời điểm hiện nay, đã có hơn 30% kênh, rạch trên địa bàn thành phố bị lấp. Một khảo sát của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cũng cho thấy, chỉ tính riêng từ năm 1996 - 2008, toàn thành phố đã có trên 100 kênh rạch lớn, nhỏ bị san lấp và lấn chiếm với tổng diện tích khoảng 4.000 ha.

Hệ lụy của việc lấp kênh, rạch đến thời điểm hiện nay, có thể các ngành chức năng đã hình dung được một cách tương đối. Dù vậy, điều đáng nói là, trong khi thành phố phải bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng cho những sai lầm từ việc lấp kênh, rạch thì vẫn còn rất nhiều kênh rạch trên địa bàn đang trong tình trạng… chờ lấp.

Một trong những dự án mà nhiều nhà khoa học lên tiếng phản đối đó là việc chuẩn bị lấp rạch Xuyên Tâm. Đây là một con rạch thuộc địa bàn quận Bình Thạnh. Do tình trạng người dân sống dọc hai bên bờ rạch Xuyên Tâm và các hộ dân sống gần khu vực đều xả thẳng nước - rác thải của sinh hoạt ra rạch gây nên hiện tượng tắc nghẽn ở nhiều vị trí, bề mặt rạch đầy ắp rác thải và lục bình. Dòng chảy bị tắc nghẽn là nguyên nhân ngập nặng trên diện rộng tại nhiều khu vực tại quận Bình Thạnh. Tuy nhiên, thay vì cần đầu tư, giải tỏa, nạo vét, nhà đầu tư lại đề xuất phương án cải tạo dòng kênh dài hơn 8,15 km này bằng việc chia làm 3 đoạn chính, trong đó chia nhỏ thành nhiều nút (đoạn ngắn) để lắp cống hộp, chỉ một vài đoạn để mương hở.

TS Hồ Long Phi, giám đốc Trung tâm nước và biến đổi khí hậu Đại học Quốc gia TP.HCM: Trả lại một đoạn rạch, chính là trả lại hiện trạng cho tự nhiên, trả lại nơi mà trước đây chúng ta chiếm chỗ của nước. Hiện nay nếu còn kênh rạch nào thì nên giữ lại thay vì lấp kênh, làm cống hộp, rất trái tự nhiên. Việc trả lại không gian cho nước, chủ động trong vấn đề điều tiết nước thông qua việc khơi thông, mở rộng kênh rạch, xây hồ chứa nước là hết sức cần thiết.

Tương tự, Dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Phạm Huy Thông nằm trên địa bàn các phường 5, 6, 7, 17 (quận Gò Vấp) cũng được chia làm hai đoạn, trong đó đoạn rạch từ đường Phan Văn Trị đến đường Dương Quảng Hàm đã bị lấp để thay bằng hệ thống cống hộp, mặt đất làm hoa viên. Ngoài ra còn nhiều dự án khác như Dự án lấp rạch Phan Văn Hân đặt cống hộp đã được UBND thành phố đồng ý chủ trương cách đây nhiều năm, hoặc Dự án lấp kênh Hiệp Tân (phường Hiệp Tân, quận Tân Phú) dài khoảng 1.500 m cũng đã được UBND thành phố phê duyệt và đang chờ vốn để thực hiện.

Trao đổi về vấn đề này, GS.TS Lê Huy Bá cho rằng: việc lấp rạch đặt cống hộp là phương án bất đắc dĩ, khi không còn cách nào khác để cải thiện môi trường của khu vực thì mới nghĩ đến. Vì rằng, tiết diện cống hộp không bao giờ bằng tiết diện kênh hở nên lượng nước thoát qua cống hộp bao giờ cũng hạn chế hơn. Ngoài ra, cống hộp chỉ có chức năng thoát nước, không thể trữ được nước, cũng không có chức năng thẩm thấu để cung cấp nước ngầm cho đất. Chúng ta không thể chỉ chạy theo lợi nhuận của việc khai thác quỹ đất hai bên kênh rạch hay ngại phải bỏ ra nhiều tiền mà chấp nhận việc lấp kênh, rạch. Làm như vậy thì sau này sẽ phải trả giá gấp nhiều lần. Việc cải tạo mương có thể tốn nhiều tiền của nhưng đổi lại bảo đảm được lưu lượng thoát nước, đô thị không bị ngập, thuận với tự nhiên. Nếu chưa có tiền cải tạo kênh rạch thì cứ để nguyên, thế hệ sau sẽ làm. Còn nếu trước đây, chúng ta nhận thức chưa đúng, cho phép lấp rạch hoặc đã đồng ý chủ trương lấp rạch thì nay nên xem xét lại những dự án này.

Lê Hiền
Chống ngập... quá nhiều bất cập
Chống ngập... quá nhiều bất cập

Tiêu chuẩn chống ngập đô thị lạc hậu, số liệu sai, dự án không sát thực tế; hiệu quả của dự án không được giám sát, đánh giá nghiêm túc sau khi hoàn thành… là những nguyên nhân dẫn đến việc thành phố đã chi rất nhiều tiền nhưng ngập vẫn hoàn ngập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN