Kết quả được lựa chọn là những sự kiện có ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng, xã hội và sự phát triển của ngành môi trường trong nước, được sắp xếp theo thứ tự thời gian như sau:
Ngang nhiên "xóa sổ" bãi đá 7 màu độc nhất Việt Nam ở Bình Thuận
Chiều 26/1/2019, ông Huỳnh Văn Điển, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong (Bình Thuận) đã ký văn bản báo cáo UBND tỉnh Bình Thuận liên quan đến thông tin bãi đá bảy màu mà báo đã phản ảnh. Nội dung báo cáo cho biết ngày 9/1, UBND xã Bình Thạnh phát hiện ông Cao Văn Cư, hộ dân có đất nông nghiệp tại khu vực này tự ý san lấp đất nông nghiệp không xin phép.
Cụ thể, tại trước bãi đá Bà Khòm (bãi rêu) đã bị cát phủ ra tới mép nước biển, hiện đã không còn nhìn thấy bãi đá con phía trước; bãi đá bảy màu cũng bị cát phủ lấp một phần. Việc san ủi trái phép nêu trên đã phá hủy toàn bộ thảm thực vật trên mặt đất và dải phân cách tự nhiên (cây bụi, xương rồng) kéo dài khoảng 100m ngăn cách giữa bãi biển với thửa đất liền kề bị san ủi trái phép.
Đáng ngạc nhiên là ông Cư đưa cơ giới vào san lấp rầm rộ, ngày đêm, tác động đến một địa chỉ du lịch nổi tiếng và độc đáo nhất Việt Nam nhưng không hề bị chính quyền ngăn chặn mà chỉ lập biên bản rồi để đó.
Cồn cát dài hơn 3 km xuất hiện giữa biển Hội An
Ngày 29/3, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND TP Hội An (Quảng Nam) cho biết khoảng 1 tháng nay xuất hiện một cồn cát nổi giữa vùng biển Cửa Đại (TP Hội An) và có xu hướng lớn dần. Theo ông Hùng, hiện cồn cát đã dài hơn 3 km, rộng gần 200 m, giống như một đảo nhỏ nhìn từ trên cao. Sự xuất hiện của cồn cát là nguy cơ làm mất lối lưu thông của tàu thuyền khi ra vào cảng Cửa Đại.
Trước đó, ngày 23/3, Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, kiểm tra sự xuất hiện của cồn cát này để có giải pháp phù hợp.
Liên quan đến việc cồn cát lộ thiên ở vùng biển Cửa Đại, ông Ngô Tấn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Nam, cho hay: "Hiện tượng bồi lấp, xói lở ở khu vực Cửa Đại thực chất đã kéo dài từ nhiều năm nay. Việc cồn cát xuất hiện ở ngoài khơi biển Cửa Đại thời gian gần đây thực chất đã từng xuất hiện như một doi cát với kích thước nhỏ cách đây vài năm và bây giờ lớn dần. UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã tổ chức rất nhiều hội thảo để tìm hiểu nguyên nhân về vấn đề này".
Ông Dũng "lò vôi" rút dự án môi trường Đà Nẵng
Ngày 20/3, Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng đã nghe Công ty Hằng Hữu Huỳnh của ông Dũng “lò vôi” trình bày phương án tài trợ cho Đà Nẵng nhằm thí điểm biến hồ Vĩnh Trung sau vài tháng thành hồ nước sạch để nuôi cá Koi.
Qua khảo sát hiện trạng 3 hồ thông nhau nêu trên, ông Dũng “lò vôi” đề xuất chọn hồ Vĩnh Trung xử lý theo công nghệ vi sinh làm sạch nước, vì đây là nơi tiếp nhận nước thải sinh hoạt. Sau đó, đưa vi sinh theo dòng chảy từ hồ Vĩnh Trung sang hồ Thạc Gián, hồ công viên 29-3 để tiếp tục xử lý.
Tuy nhiên, ông Đặng Việt Dũng đề xuất ông Dũng “lò vôi” thí điểm ở hồ Bàu Trảng. Cuộc họp không đạt được thống nhất nên ông Dũng “lò vôi” chưa thực hiện dự án.
Nhà máy Long Mỹ Phát xả thải gây ô nhiễm sông Cái Lớn - Hậu Giang
Sáng 14/5, UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành thông cáo báo chí chỉ rõ nguyên nhân nước sông Cái Lớn và các kênh nhánh ở huyện Long Mỹ và thị xã Long Mỹ bị ô nhiễm làm nước đen kịt thời gian qua.
UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: Qua phản ánh của người dân và theo dõi, khảo sát của các cơ quan bảo vệ môi trường, từ ngày 22/3/2019 đến 2/5/2019, sông Cái Lớn và các kênh nhánh đã xảy ra 4 đợt ô nhiễm môi trường nước mặt (ô nhiễm hữu cơ làm nước có màu đen và phát sinh mùi hôi).
Kết quả xác minh bước đầu cho thấy, nguồn nước sông Cái Lớn và các kênh nhánh bị ô nhiễm hữu cơ bởi các nguồn thải dọc sông Cái Lớn. Trong đó nguyên nhân chính là từ hoạt động xả thải của nhà máy thuộc Công ty TNHH Mía đường, cồn Long Mỹ Phát.
Cháy Công ty Rạng Đông: Thủy ngân quanh kho Rạng Đông vượt ngưỡng 10-30 lần
Vào khoảng 18 giờ 30 phút ngày 28/8, vụ cháy lớn bùng phát và khói đen bao trùm khu xưởng gần 6.000m2 của Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông tại phố Hạ Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội). Ngọn lửa lan sang khu dân cư, nhiều hộ dân phải sơ tán khỏi khu vực cháy.
Tại cuộc họp báo chiều 4/9, Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường Võ Tuấn Nhân cho hay, Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông báo cáo nguồn thủy ngân có thể phát tán ra môi trường sau vụ cháy là hơn 15 kg, nhưng theo tính toán của các nhà khoa học thì khối lượng khoảng trên 27 kg.
Tổng cục Môi trường cũng đã bố trí 4 vị trí lấy mẫu hấp phụ thuỷ ngân theo hướng phát tán của dòng khí tại khoảng cách 200 m, 500 m và 1.000 m tính từ hàng rào kho bị cháy.
Với khoảng cách 200 m, các mẫu hấp phụ thủy ngân đều có giá trị nằm trong ngưỡng khuyến cáo của WHO và châu Âu (ngưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe con người tại khu vực đô thị). Các điểm quan trắc không khí phía trước khu cháy và trong nhà kho bị cháy có giá trị thủy ngân cao, vượt ngưỡng khuyến cáo của WHO từ 10-30 lần (ngưỡng ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe con người tại khu vực đô thị).
Ngôi nhà xây trái phép trên đèo Mã Pì Lèng gây ồn ào dư luận
Ngày 3/10, một số cơ quan báo chí đưa tin về tòa nhà bê tông 6 tầng với chức năng nhà nghỉ, nhà hàng, quán cà phê... xây dựng trên đèo Mã Pì Lèng, huyện Mèo Vạc. Công trình được cho là xây dựng trên đất trồng cây lâu năm, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất và xâm phạm danh thắng quốc gia.
Nhà nghỉ Panorama do bà Vũ Ngọc Ánh (người địa phương) làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, sau khi công trình hoàn thành, tháng 7/2019 Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) yêu cầu tỉnh Hà Giang kiểm tra quy trình, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ xây dựng công trình.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang, công trình này có 4 “chưa”: chưa có giấy chứng nhận đầu tư, dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bà Ánh chưa được cấp giấy chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm sang đất thổ cư, xây dựng. Công trình cũng chưa có giấy phép xây dựng.
Tuy nằm ngoài vùng bảo vệ II của danh thắng Mã Pì Lèng, nhưng theo Luật Di sản văn hóa, công trình ảnh hưởng xấu đến cảnh quan và môi trường thì phải có ý kiến thẩm định của cơ quan quản lý văn hóa. Tuy nhiên, nhà nghỉ này chưa có ý kiến của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang và Bộ.
Nước sông Đà đầy dầu thải khiến nguồn nước sạch Hà Nội ô nhiễm
Sáng 14/10, ông Hoàng Văn Thức, Tổng cục phó Môi trường, Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết: Người dân phản ánh phát hiện xe tải 2,5 tấn đổ trộm dầu ra khe núi thuộc xã Phúc Tiến tối 8/10. Sau đó địa bàn có mưa to dẫn đến dầu từ khe núi chảy xuống suối Trâm, xã Phú Minh và lan đến kênh dẫn nước vào nhà máy nước sạch sông Đà.
Theo đó, từ ngày 9-10/10, Nhà máy nước sông Đà phát hiện ra dầu loang trên kênh dẫn nước nên huy động người vớt dầu. "Doanh nghiệp biết nguồn nước ô nhiễm mà vẫn cấp cho người dân thì phải chịu trách nhiệm", ông Thức khẳng định.
Ngày 14/10, 5 ngày sau khi phát hiện nước đầu nguồn cung cấp cho Hà Nội nổi váng, Công ty cổ phần nước sạch sông Đà (Viwasupco) mới báo cáo Sở Xây dựng Hà Nội.
Hơn 73 ha rừng Cần Giờ bất ngờ… biến mất
Rừng Cần Giờ được ví là "lá phổi xanh" của TP Hồ Chí Minh và được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, nhưng có hơn 73 ha đang bị loại khỏi khu vực rừng phòng hộ một cách khó hiểu.
Cụ thể, từ năm 2016 trở về trước, rừng ở xã đảo Thạnh An luôn thuộc diện rừng phòng hộ, được bảo vệ nghiêm ngặt. Nhưng đến năm 2016, tổ kiểm kê rừng (do một lãnh đạo UBND huyện Cần Giờ làm tổ trưởng) không đưa hơn 30 ha rừng ở đây vào hồ sơ kiểm kê mà đề xuất đưa ra khỏi quy hoạch rừng tự nhiên - phòng hộ. Ngoài xã đảo Thạnh An, có hơn 43 ha rừng ở xã An Thới Đông cũng được tổ kiểm kê rừng huyện Cần Giờ đề xuất loại khỏi quy hoạch rừng phòng hộ. Theo kế hoạch điều tra, kiểm kê rừng lúc đó, ngân sách TP Hồ Chí Minh chi hơn 1,9 tỷ đồng để các đơn vị tổ chức thực hiện. Tổ kiểm kê rừng ở huyện Cần Giờ được giao cho ông Trương Tiến Triển, Phó chủ tịch UBND huyện làm tổ trưởng.
Qua đợt kiểm tra nói trên, có hơn 30ha rừng ở xã đảo Thạnh An và hơn 43ha rừng ở xã An Thới Đông được tổ kiểm kê nhất trí đưa ra khỏi quy hoạch rừng tự nhiên - phòng hộ.
Ồn ào dự án thí điểm làm sạch sông Tô Lịch
Dự án thí điểm làm sạch sông Tô Lịch được triển khai từ ngày 16/5/2019. Theo kế hoạch, dự án thí điểm được kéo dài trong 2 tháng, Công ty JVE sẽ báo cáo kết quả cho Thủ tướng và UBND Hà Nội vào tháng 7.
Ngày 9-10/7, khoảng 1 tuần trước khi Công ty JVE hoàn thành quá trình thí điểm làm sạch Tô Lịch, Công ty Thoát nước Hà Nội cho mở 2 cửa xả nước từ Hồ Tây, dẫn hơn 1 triệu m3 nước vào sông Tô Lịch. Việc này đã khiến toàn bộ kết quả thí điểm trong 2 tháng bị cuốn trôi.
Trong văn bản gửi tới báo chí thông báo về việc gia hạn thí điểm, Công ty JVE cho biết hệ vi sinh vật có lợi sau quá trình xả nước bị khuếch tán ra cả đoạn sông khiến việc đánh giá kết quả thí điểm không khả thi. Vì vậy công ty này xin triển khai lại và vừa kết thúc đợt thí điểm thứ 2 ngày 17/10. Toàn bộ hệ thống máy móc phục vụ thí điểm của đơn vị này cũng đã được tháo dỡ khỏi sông Tô Lịch.
Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm sau kỳ họp 11 của HĐND TP Hà Nội khoá XV ngày 6/12, giải thích với cử tri về đề án xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng dự án chưa xin phép. Sau đó, Tổ chức Xúc tiến thương mại - môi trường Việt Nhật (JEBO) đã ra thông cáo báo chí phản bác phát biểu của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung về việc tổ chức này "chưa xin phép thí điểm làm sạch sông Tô Lịch và góc Hồ Tây bằng công nghệ Nhật Bản". Nhưng sau đó tổ chức này lại ra văn bản xin lỗi Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và thừa nhận chưa xin phép.
Nhiều đợt ô nhiễm bụi mịn ở Hà Nội trong năm 2019
Năm 2019, Tổng cục Môi trường thống kê thành phố Hà Nội trải qua ít nhất 5 đợt ô nhiễm không khí.
Đợt ô nhiễm không khí đầu tiên diễn ra trong 16 ngày của tháng 1, từ 11 đến 26/1. Trong đó, ngày 25/1, trạm quan trắc tại đường Phạm Văn Đồng và Hàng Đậu có giá trị trung bình 24 giờ của bụi mịn PM 2.5 là trên 140 μg/m3, cao nhất trong 10 trạm đo của Chi cục bảo vệ môi trường Hà Nội. Kết quả quan trắc này vượt gần 3 lần so với quy chuẩn Việt Nam là 50 μg/m3.
Đợt ô nhiễm không khí thứ hai, kéo dài từ ngày 11 đến 27/3 (17 ngày). Chỉ số trung bình 24 giờ của bụi mịn PM 2.5 đạt đỉnh trên 140 μg/m3 tại trạm đo Phạm Văn Đồng, Hàng Đậu trong hai ngày 13 và 14/3. Sau khi đạt đỉnh, chất lượng không khí ở Hà Nội duy trì ở mức thấp với chỉ số trung bình của bụi mịn PM 2.5 từ 80 đến 100 μg/m3 cho đến đầu tháng tư.
Đợt ô nhiễm không khí thứ 3 của Hà Nội diễn ra từ 12/9 đến 3/10 (18 ngày); chỉ số bụi PM 2.5 liên tục cao hơn 50 μg/m3.
Tháng 11/2019, Hà Nội bước vào đợt ô nhiễm không khí thứ tư, kéo dài từ ngày 5 đến 12/11. Trong thời gian này, nồng độ trung bình 24 giờ của thông số PM 2.5 tại tất cả các trạm quan trắc đều vượt quy chuẩn; trong đó các trạm Minh Khai (Bắc Từ Liêm), Đại sứ quán Mỹ có lúc gấp hơn 2 lần so với quy chuẩn Việt Nam.
Những ngày đầu tháng 12/2019, chất lượng không khí Hà Nội tương đối tốt trước khi bước vào đợt ô nhiễm không khí thứ 5. Từ ngày 7 đến 16/12, chỉ số trung bình 24h của bụi PM 2.5 bắt đầu vượt quy chuẩn cho phép.