Ngay cuối tháng 5 này, một số loại sữa lại thông báo tăng giá 10% với đủ lý do các yếu tố đầu vào tăng. Bà Vũ Thị Bạch Nga, Trưởng Ban bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, giá sữa tăng thường gắn với mác ngoại và với lời quảng cáo “có cánh” như: “Cao hơn - thông minh hơn”. Vậy chất lượng sữa liệu có thực sự như quảng cáo? Đây là vấn đề người tiêu dùng rất quan tâm.
Quảng cáo rầm rộ
“Các hãng sữa ngoại rất mạnh tay chi cho quảng cáo, có những nhãn hàng chi tới 30% tổng chi phí cho quảng cáo”, đại diện Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết. Nội dung quảng cáo thường được “cường điệu hóa”, đánh đúng tâm lý các bà mẹ đang nuôi con như muốn con thông minh, phát triển chiều cao, tăng cường sức đề kháng, củng cố hệ miễn dịch...
Các bà mẹ lúng túng lựa chọn sữa cho con khi có quá nhiều thông tin quảng cáo phóng đại về chất lượng của sản phẩm. Ảnh: CTV |
Trên thị trường, các doanh nghiệp, cũng sử dụng một số hành vi cạnh tranh không lành mạnh như: Tiếp thị sữa qua bác sĩ, y tá, trường học; nói xấu, chê bai sản phẩm của nhau... Chị Thanh Mai (Cầu Giấy) cho biết: “Mỗi cửa hàng lại tư vấn một kiểu. Mỗi hãng sữa đều cài cắm nhân viên hoặc mỗi cửa hàng chọn đại diện cho một hãng sữa nên đều quảng cáo có lợi cho sữa mình bán và “dìm” hàng đối thủ như: Sữa đó không có chứa dầu thực vật thì làm sao trẻ hấp thu được?... Không ít khách hàng bỏ sữa đang dùng sau khi nghe lời tư vấn của nhân viên bán hàng”.
Bà Nguyễn Thị Hiền, thành viên CLB người tiêu dùng cho biết: Một loại sữa mới ra đời gần đây, trên bao bì có in những câu từ rất kêu về đàn bò cho sữa như được tắm mát, nghe nhạc... . Ở Việt Nam, đàn bò “được nghe nhạc” chắc chỉ có trong mơ và không hiểu ngành chức năng có kiểm tra ngôn từ quảng cáo này thực tế đến đâu? Trả lời thắc mắc này, ông Phạm Xuân Đà, Viện trưởng Viện kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm cho rằng: Câu từ trong quảng cáo về chất lượng sản phẩm do doanh nghiệp tự công bố và cơ quan chức năng sẽ hậu kiểm. Nếu sai phạm sẽ bị phạt.
Bà Vũ Thị Bạch Nga cho biết, liên quan đến quảng cáo sai sự thật, Cục Quản lý cạnh tranh đã kiểm tra quảng cáo mang tính cạnh tranh không lành mạnh thuộc một số lĩnh vực như sản phẩm tiết kiệm 60% điện năng; điều hòa diệt vi trùng 90%... Riêng với sữa, Cục xác định là có sai phạm trong quảng cáo và trong thời gian tới sẽ tiến hành kiểm tra, nếu sai phạm sẽ xử lý nghiêm.
Sữa đắt liệu có tốt?
Bà Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết, với loại sữa bột, nguyên liệu và công đoạn pha chế - khử trùng - cô đặc - sấy khô là như nhau. Sau đó, mỗi hãng cho thêm các vitamin và khoáng chất với hàm lượng nhất định.
Chưa bao giờ, sữa nhiều chất đến thế - mỗi nhãn sữa có công thức riêng với những dưỡng chất đặc biệt như DHA, FOS và Probiotic giúp tiêu hoá tốt hơn, có A+ giúp trẻ thông minh... Mỗi lần thêm dưỡng chất, sữa lại thêm mác “New”, “Mới”, Gold” và thêm lần nhảy giá. Hãng sữa này bổ sung, hãng khác cũng đua nhau thêm dưỡng chất. Các bà mẹ vẫn mua bởi quan niệm sữa ngoại mới tốt, con mới thông minh, bụ bẫm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng, thêm bớt kiểu gì thì nhà sản xuất vẫn phải lấy sữa mẹ làm chuẩn.
Phân tích về xu hướng tiêu dùng sữa, bà Vũ Thị Bạch Nga cũng cho biết: Người tiêu dùng thích mua những sản phẩm trong hộp thiếc vì cho rằng sẽ bảo đảm hơn. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, việc lựa chọn sữa đóng trong hộp giấy cũng là cách tiết kiệm. Tuy nhiên, theo bà Nga, sữa được đóng bằng hộp giấy, hộp thiếc, nhập khẩu nguyên hộp hoặc từ những nước phát triển thực chất đều giống nhau ở nguồn nhập. Vì thế khi mua sữa, người tiêu dùng nên so sánh các thành phần đăng ký, công bố trên sản phẩm sữa và chất lượng các loại sữa. Có thể thành phần như nhau nhưng được đóng vào thương hiệu sữa có tiếng trên thế giới thì giá sẽ đắt hơn. Một tâm lý nữa của người tiêu dùng Việt Nam là coi giá đắt đồng nghĩa với sữa tốt, đặc biệt là những loại dành cho người già và trẻ em. Do vậy, nhiều công ty đã lợi dụng điểm này để quảng cáo “vống lên”, rồi tăng giá sữa tràn lan.
Theo thống kê, hiện ngành sữa có 73 doanh nghiệp sản xuất với tổng năng lực sản xuất là 796,2 triệu hộp sữa đặc có đường, 101.500 tấn sữa bột, 778.300 tấn sữa thanh trùng và tiệt trùng và 150.800 tấn sữa chua/năm. Việt Nam mới chỉ có khoảng 10% người dân uống sữa và khoảng 70% sữa được tiêu thụ tại các thành phố lớn, khoảng 30% tiêu thụ tại các thành phố nhỏ và nông thôn.
Xuân Minh