Bộ Công an vừa có công điện khẩn yêu cầu lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) không được “vẫy xe” xem qua loa giấy tờ rồi cho đi; phải thực hiện phương thức tuần tra cơ động là chính. Công điện cũng nghiêm cấm CSGT lập các chốt kiểm tra cố định hoặc thường xuyên đến một địa điểm tổ chức dừng xe để kiểm tra (trừ địa điểm là điểm đen giao thông). Việc dừng phương tiện để kiểm tra phải thực hiện đúng quy trình công tác và điều lệnh Công an nhân dân.
Đây được xem là một động thái thể hiện quyết tâm của Bộ Công an trong việc chống tiêu cực, chống mãi lộ trong một bộ phận lực lượng CSGT khi thi hành công vụ. Cùng với việc thành lập các tổ giám sát, Bộ Công an cũng lập đường dây nóng để nhân dân phản ánh những biểu hiện tiêu cực của lực lượng này.
Thực tế cho thấy, hiện nay trên rất nhiều tuyến đường, kể cả quốc lộ và đường đô thị, nơi thì có quá nhiều lực lượng CSGT, nơi thì để trống địa bàn; lực lượng CSGT ít tuần tra cơ động. Nhiều nơi có biểu hiện lập chốt cố định tại đường quốc lộ dẫn đến nhiều lái xe chỉ chấp hành luật lệ giao thông mang tính đối phó. Ở một số đơn vị, địa phương, việc phối hợp với thanh tra giao thông trong kiểm tra, xử lý xe quá tải, quá khổ chưa đúng với chức năng, nhiệm vụ được giao, gây hiểu lầm, thiếu xây dựng với lực lượng cảnh sát giao thông khi thi hành công vụ.
Có lẽ xuất phát từ thực trạng trên mà cách làm của Bộ Công an bước đầu đã nhận được sự đồng tình của dư luận.
Dẫu vậy, nhiều ý kiến cho đây chỉ là giải pháp “bề ngoài”, mang tính tình thế. Đã có nhiều biện pháp, chỉ đạo được ngành công an đưa ra để chống tiêu cực trên đường, nhưng những kêu ca về tình trạng làm luật trên đường vẫn chưa dứt, nạn chở quá tải... vẫn diễn ra phổ biến. Lâu nay, dư luận vẫn ám ảnh nhiều với hình ảnh những CSGT nhận mãi lộ, CSGT chỉ chú trọng xử phạt mà coi nhẹ việc điều tiết, hướng dẫn giao thông… Những hình ảnh như vậy đã phần nào làm giảm lòng tin của nhân dân đối với lực lượng này.
Cuối năm ngoái, trong một điều tra có quy mô lớn do Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chủ trì đã cho kết quả, trong con mắt người dân, doanh nghiệp và chính cán bộ công chức, thì lực lượng CSGT (cùng với lĩnh vực đất đai) có tỷ lệ tham nhũng lớn nhất. Kết quả này dù chỉ ở mức độ một cuộc điều tra trên một phương diện, nhưng nó như một sự cảnh tỉnh, cũng là sức ép để Bộ Công an thực hiện một cuộc cải cách với sự quyết tâm cao nhất nhằm tạo ra hình ảnh người CSGT không chỉ giỏi về nghiệp vụ, mà còn thân thiện, tận tụy với dân.
Chính vì vậy, việc ngăn chặn những tiêu cực trong lực lượng CSGT không chỉ dừng ở những đợt ra quân rầm rộ, mà quan trọng hơn là chấn chỉnh ý thức liêm khiết, tinh thần thượng tôn pháp luật khi thi hành công vụ của lực lượng này. Bên cạnh đó, cần phải có biện pháp xử lý mạnh tay, kiên quyết với cả người thi hành công vụ, đặc biệt là với hành vi nhũng nhiễu, mãi lộ.
Dư luận kỳ vọng việc ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực trong lực lượng CSGT sẽ mang lại hiệu quả khi có sự nỗ lực và sự quyết tâm của chính người trong cuộc.
Yến Nhi