“Chẩn bệnh” cho “xương sống” của ngành y

Dù đã được quan tâm xây dựng hàng chục năm qua nhưng tới nay, mạng lưới y tế cơ sở (gồm y tế tuyến quận/huyện, xã/phường và thôn, bản, ấp) vẫn còn khá nhiều bất cập về tổ chức, nhân lực, trang thiết bị. Một loạt giải pháp đang được ngành y nước ta xem xét, chuẩn bị áp dụng nhằm “nâng đỡ” cho hệ thống vốn được coi là “xương sống” của ngành này.

 

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 06-CT/TƯ của Ban Bí thư về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở do Bộ Y tế tổ chức ngày 30/6, tại Hà Nội, hàng loạt bất cập của mạng lưới y tế cơ sở đã được chỉ ra.

 

Cơ sở than “khó”


“Mặc dù mạng lưới y tế cơ sở (YTCS) đã được củng cố, mạnh hơn so với 10 năm trước nhưng thực tế hiện nay còn không ít khó khăn cần được giải quyết”, BS Nguyễn Thị Bút, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, chia sẻ.


Theo BS Bút, nhiều cán bộ YTCS đang phải làm việc trong diện tích chật hẹp, đời sống khó khăn. Trang thiết bị tại nhiều trạm y tế (TYT) nhìn chung không đồng bộ nếu không nói là lạc hậu vì chủ yếu chỉ có tai nghe và máy đo huyết áp. Về nhân lực, mỗi TYT chỉ có 5 cán bộ trong khi nhiều chương trình y tế quốc gia với nhiệm vụ nặng nề nên rất thiếu về nhân lực. Theo quy định, mỗi TYT ít nhất được đầu tư chi phí thường xuyên với mức 10 triệu đồng/năm. Lạng Sơn được cấp thêm 10 triệu đồng nữa là 20 triệu đồng, song với tình hình giá cả leo thang như hiện nay thì các TYT thực sự đang rất khó khăn.


 

Nhân viên y tế tuyên truyền cách phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân xã Đakrông, huyện miền núi Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN

 

BS Lý Thị Hồng Hải, Trạm trưởng Trạm y tế Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn, cho hay: “Từ đầu năm tới nay, TYT Đồng Đăng vẫn chưa nhận được nguồn kinh phí hỗ trợ từ các chương trình quốc gia. Thuốc cho công tác điều trị cũng rất thiếu, suốt từ giữa tháng 11/2011 đến nay. Không đủ thuốc điều trị (tăng huyết áp, xương khớp, tiêu hóa), nên chúng tôi buộc phải chuyển tuyến cho khá nhiều bệnh nhân lên tuyến trên hoặc hướng dẫn người bệnh mua thêm thuốc ngoài thị trường”.


“Việc phát triển mô hình Bác sĩ gia đình là rất cần thiết, vì tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân và giảm được quá tải BV. Tuy nhiên, do ngành y tế chưa thực sự chú trọng đến Bác sĩ gia đình, chưa đưa ra những chỉ đạo riêng về việc hình thành mô hình này nên chính cán bộ ngành y cũng chưa “mặn mà” theo học.


“Tại Lạng Sơn, có 2 cán bộ đã tham gia khóa học đào tạo về Bác sĩ gia đình nhưng như tôi được biết hiện họ vẫn làm công việc như trước đây, chưa phát huy được vai trò là một Bác sĩ gia đình”, BS Hải cho biết.


Còn tại Trung tâm y tế huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, trang thiết bị rất đơn giản, nếu không nói là hầu như không có gì vì máy móc chỉ có mỗi chiếc kính hiển vi là đáng giá. Hoạt động kiểm tra, xét nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm cũng chỉ giới hạn trong việc thử bằng giấy quỳ kiểm tra hàn the trong giò, chả. Việc làm các xét nghiệm khác thì phải chuyển về tỉnh. Bên cạnh đó, do không có nguồn thu thêm như hệ điều trị nên thu nhập của các cán bộ y tế dự phòng chủ yếu chỉ trông chờ vào đồng lương. Vậy nên, dù cần ít nhất 3 bác sỹ (BS) nữa nhưng từ năm 2007 đến nay, Trung tâm y tế huyện Chiêm Hóa vẫn chưa tuyển nổi một BS nào.

 

Và “gỡ rối” của ngành y


Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng mạng lưới YTCS cần được củng cố ở cả 4 lĩnh vực gồm: tổ chức, nhân lực, trang thiết bị và chính sách.


Về mạng lưới tổ chức, ngoài trạm y tế, y tế thôn, bản thì ngành y còn phải “để mắt” các BV tuyến huyện, trung tâm y tế dự phòng và cả phòng y tế.


Sau khi có các quyết định liên quan đến việc thay đổi tổ chức của mạng lưới YTCS, nhất là việc tách các trung tâm y tế dự phòng ra khỏi hệ điều trị thì các địa phương lại càng lâm vào tình trạng thiếu BS một cách trầm trọng.


Sắp tới Bộ Y tế sẽ kiến nghị, đề nghị sửa một số chính sách để thống nhất thực hiện quản lý theo ngành dọc, nghĩa là các trung tâm y tế huyện sẽ là đơn vị trực thuộc Sở y tế; TYT xã, phường, thị trấn là đơn vị chuyên môn, kỹ thuật trực thuộc trung tâm y tế huyện, quận, thị xã. Riêng các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… có thể vẫn duy trì phòng y tế.


Bên cạnh đó, ngành y tế sẽ xem xét và cân nhắc về việc biên chế BS về các TYT vì không thể đồng nhất số BS tại TYT xã như TYT phường. Thực tế, các TYT phường ở HN và TP Hồ Chí Minh không thể thực hiện khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế vì người dân thường tới BV luôn. Ngay tại nhiều trạm y tế ở nông thôn, trừ trạm y tế có khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế thì mới có khoảng 20 - 30 người tới khám/ngày, còn không mỗi ngày chỉ 2 - 3 bệnh nhân. Vì vậy, ngành y tế sẽ xem xét việc tại TYT có nhất thiết phải có BS hay không? Kinh nghiệm một số nước là các TYT có cán bộ điều dưỡng thực hành, chủ yếu làm công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, tiêm chủng mở rộng, phòng chống bệnh không nhiễm trùng, vệ sinh môi trường…


“Một bất cập nữa là vấn đề quy hoạch phân bố BV huyện và TYT theo địa bàn hành chính. Thực tế, hiện chúng ta chưa có quy hoạch này, lỗi một phần là do Bộ Y tế, địa phương. Đây cũng là một vấn đề cần được nghiên cứu trong thời gian tới”, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định.


Tới đây, Bộ Y tế sẽ tổ chức hai hội nghị lớn để phổ biến và đẩy mạnh việc xây dựng mô hình Bác sĩ gia đình, trước mắt là làm thí điểm tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Đồng thời, cũng sẽ tập trung triển khai đề án BV vệ tinh. Bộ Y tế cũng sẽ nghiên cứu và đề xuất những chính sách khuyến khích trong đào tạo và thu hút cán bộ, nhất là những cán bộ ở vùng sâu, vùng xa...

 

Phương Liên

“Chú trọng đào tạo lại và luân chuyển cán bộ… ”
“Chú trọng đào tạo lại và luân chuyển cán bộ… ”

Ngành y tế cần phải tiếp tục khắc phục sự thiếu và yếu về nguồn nhân lực của mạng lưới y tế cơ sở (YTCS). Cần xác định rõ chức danh của từng tuyến y tế, từ đó đặt ra vấn đề đào tạo sao cho phù hợp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN