Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài 21 năm, đã sản sinh cho dân tộc biết bao người con ưu tú. Đến nay, 40 năm chiến tranh đã qua, những con người tiên phong cho cách mạng năm xưa, người mất, người còn. Người mất đã đi vào lòng đất để “Tổ quốc bay lên bát ngát những mùa xuân” (Lê Anh Xuân). Người còn, họ lặng lẽ sống và truyền lại cho con cháu những phẩm chất của con người cách mạng, như những “hạt bụi vàng” lấp lánh khiêm nhường (Nguyễn Khải).
Chiến sĩ Cách mạng Ngô Ngọc Dũng chụp tại Côn Đảo sau khi Côn Đảo được giải phóng (ngoài cùng bên trái) |
Trên con ngõ nhỏ yên bình nơi Chợ Cầu Muối của TP Hồ Chí Minh, có một người cựu tù Côn Đảo đang sống những ngày gồng mình chống lại những cơn đau khủng khiếp của căn bệnh nan y, nhưng vẫn thanh thản và ý nghĩa như những “hạt bụi vàng” ấy. Ông là nhà cách mạng Ngô Ngọc Dũng, người con của một dòng họ có truyền thống cách mạng lâu đời, trưởng thành từ phong trào học sinh, sinh viên của Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) và sớm trở thành một trong những thủ lĩnh của phong trào gây được tiếng vang rộng rãi này.
“Thất hiền Đà Lạt”
Những năm 1960 - 1965, phong trào đấu tranh chống Mỹ Ngụy, đòi quyền dân sinh, dân chủ của sinh viên, học sinh, trí thức Đà Lạt sớm đoàn kết được rộng rãi các tầng lớp nhân dân; nổ ra khi âm ỉ, khi bùng nổ, khiến chính quyền Đà Lạt và chính quyền Sài Gòn vô cùng lúng túng. Lãnh đạo phong trào là nhóm AQ (Ái Quốc) là “Thất hiền Đà Lạt”, gồm Phạm Xuân Ái, Ngô Ngọc Dũng, Hồ Đắc Dung, Trần Ngọc Thọ, Thái Ngô Cư, Hoàng Mạnh Tiến và Hiếu.
Nhóm nhiều lần rải truyền đơn khắp các phố phường, căng khẩu hiệu, dán pa-no với nội dung “Đả đảo nội các Thiệu – Kỳ”, tranh thủ dân chủ… tổ chức biểu tình, kêu gọi nhân dân chống lại chính quyền Đà Lạt và chính quyền ngụy quyền Sài Gòn. Để tập hợp lực lượng, nhóm đã thành lập Đoàn “Thanh niên ái quốc Việt Nam” với mục tiêu đòi quyền lợi cho sinh viên, học sinh, đồng thời tìm cách liên hệ với Mặt trận Dân tộc Giải phóng.
Các hoạt động ban đầu mang tính tự phát, sau chuyển dần sang tự giác nhờ sự móc nối và chỉ đạo kịp thời của đồng chí Mười Hải (tức Lê Thanh Hải) – Bí thư Khu đoàn Sài Gòn và Gia Định. Từ đây, nhóm “Thất hiền” được chỉ đạo ở lại Đà Lạt học tập rồi trở về bám cơ sở, bám địa bàn.
Sau một khóa học ngắn ngày tại chiến khu, nhóm “Thất hiền” đã hoạt động bài bản hơn. Họ tổ chức tổ chức “Thanh niên, sinh viên, học sinh Đà Lạt phục vụ xã hội”, ra tờ báo “Đà Lạt thức”. Đặc biệt, họ sớm thành lập “Thanh niên học sinh sinh viên Đà Lạt tranh thủ dân chủ”. Tổ chức này do sinh viên Hồ Quang Nhựt – một thanh niên theo đạo Thiên chúa chịu tham gia đấu tranh - làm chủ tịch, Ngô Ngọc Dũng làm Phó Chủ tịch và các thành viên khác của nhóm đảm đương những vai trò khác như phụ trách thông tin – phát thanh, an ninh – bảo vệ, vận động quần chúng…
Các tổ chức của phong trào nhanh chóng tập hợp quần chúng, con số ủng hộ lên tới hàng trăm người. Họ thường xuyên tổ chức diễn thuyết, hội thảo về tình hình đất nước, bày tỏ nguyện vọng của quần chúng nói chung và học sinh, sinh viên nói riêng. Nhóm đưa ra các yêu sách được quần chúng ủng hộ đông đảo: Lực lượng thanh niên, học sinh, sinh viên phải có trụ sở; Có giờ phát thanh tiếng nói của học sinh, sinh viên trên đài Đà Lạt; Mỹ rút khỏi khách sạn Modern (gần chợ Đà Lạt). Đồng thơi, đưa ra 10 điểm muốn và không muốn của thanh niên như: muốn độc lập, muốn dân chủ, muốn hòa bình, muốn học hành…; Không muốn đi lính, giết hại đồng bào…
Sáng 1/4/1966, một đoàn biểu tình với số lượng cả ngàn người do tổ chức “Thanh niên học sinh sinh viên Đà Lạt tranh thủ dân chủ” lãnh đạo kéo đến dinh tỉnh trưởng đưa yêu sách. Sau hàng giờ vây dinh tỉnh trưởng và hô vang “Đả đảo!”, đoàn biểu tình đã chờ gặp được bà thị trưởng. Bà thị trưởng buộc phải xuống xe đi bộ để tiếp với dân. Bà đưa ý kiến:
- Chính quyền chỉ nói chuyện với đại diện chính thức của sinh viên.
Ngô Ngọc Dũng hướng về phía quần chúng hỏi lớn:
- Tôi có phải là đại diện của sinh viên không?
Ngàn người cùng hô to: “Đúng! Phải đó!”.
Bà thị trưởng cãi lý:
- Tôi chỉ nói chuyện với đại biểu chính thức của sinh viên do đại hội bầu ra!
Ngô Ngọc Dũng vặn lại:
- Vậy xin hỏi, bà thị trưởng do ai bầu ra hay chỉ do ông Tổng thống Thiệu chỉ định?
Cả biển người vỗ tay rầm rầm.
Bà thị trưởng miễn cưỡng xem bản yêu sách rồi nói: “Tôi không có quyền quyết định”.
Ngô Ngọc Dũng chớp thời cơ: “Đài phát thanh là tiếng nói của nhân dân, bà không có quyền thì nhân dân có quyền!”.
Rồi anh hướng về phía quần chúng, nói như một mệnh lệnh:
- Chiếm đài phát thanh!
Biển người ào lên. Lính bảo vệ bỏ chạy. Đài phát thanh về tay lực lượng thanh niên, học sinh, sinh viên.
Sau khi chiếm được đài phát thanh, lực lượng sinh viên tiến sang chiếm Ty Thông tin chiêu hồi, đốt hết các hồ sơ, giấy tờ, thu 10 xe thông tin. Tiếp đó, tiến chiếm trụ sở Hợp tác xã rau Đà Lạt.
Có Đài phát thanh, lực lượng sinh viên mở rộng và tổ chức hiệu quả hơn việc tuyên truyền, hướng tới mục tiêu hòa bình – thống nhất – dân sinh dân chủ. Từ đó, giác ngộ quần chúng yêu nước, hiểu về cách mạng; đoàn kết và tập hợp được đông đảo quần chúng đồng tính ủng hộ cách mạng chống chế độ Mỹ ngụy. Thực tế Đà Lạt lúc đó tồn tại hai chính quyền song song: một của chính quyền Sài Gòn, một của lực lượng thanh niên, học sinh, sinh viên Đà Lạt. Điều này đã gây ra những tổn thất nặng nề về uy thế chính trị cho chính quyền Sài Gòn.
Sau 77 ngày đêm làm chủ phân nửa Đà Lạt, từ giữa tháng 2/1966 đến cuối tháng 6/1966, phong trào thanh niên, học sinh, sinh viên bị chính quyền ngụy Sài Gòn đàn áp dã man. Tài liệu của ngụy quyền Sài Gòn về cuộc nổi dậy của học sinh, sinh viên Đà Lạt năm 1966 được lưu tại Tỉnh ủy Lâm Đồng cho thấy chính quyền Sài Gòn gọi đây là “Giai đoạn xung đột đổ máu”. Và để đàn áp phong trào thanh niên, chính quyền Đà Lạt đã huy động nhiều Đại đội quân sự (301/ĐPQ, 409/ĐPQ), đại đội cảnh sát dã chiến… sục sạo, tấn công chiếm lại đài phát thanh, Hợp tác xã rau, Ty Thông tin…
Cuộc đàn áp của ngụy quyền Sài Gòn đã gây tổn hại lớn cho phong trào. 5 thành viên trong Ban lãnh đạo đã hi sinh, nhiều người khác bị thương. Để bảo toàn lực lượng, theo chỉ đạo của cấp trên, phần lớn các thành viên cốt cán của nhóm “Thất hiền” rút ra ngoài, những hoạt động tại Đà Lạt dần rút vào bí mật.
Ký ức không phai mờ
Tiếp tôi tại nhà riêng trên con ngõ Chợ Cầu Muối, TP. Hồ Chí Minh, ông Ngô Ngọc Dũng vẫn chưa nguôi xúc động khi nhắc đến những ngày tháng sôi nổi của phong trào thanh niên, học sinh, sinh viên Đà Lạt năm 1966. Ông sinh năm 1944 tại Đà Lạt, tức là khi đó ông 22 tuổi, Đà Lạt với ông là mảnh đất gắn bó máu thịt. Ông cùng những đồng chí của mình, mỗi người đến với Đà Lạt từ một miền quê khác nhau: Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng… cùng khơi lên phong trào chống Mĩ – ngụy bởi chung một tình yêu quê hương, đất nước. “Khi đó chúng tôi đều còn rất trẻ, được học hành cẩn thận, tấm lòng chỉ sục sôi một khát vọng tự do, dân chủ, không cam chịu sự kìm kẹp, giọng điệu mị dân của chính quyền”, ông Dũng bộc bạch.
Sau 77 ngày đêm làm chủ phân nửa Đà Lạt, tổn thất chính quyền Đà Lạt gây ra cho phong trào thanh niên, học sinh, sinh viên vô cùng to lớn. Có không ít máu đã đổ nhưng anh em nhóm “Thất hiền” vẫn một lòng theo cách mạng. Ông Ngô Ngọc Dũng cho biết: rời Đà Lạt, anh em tôi lại hòa mình vào nhiều cuộc chiến khác của đất nước. Trước và sau chiến dịch Mậu Thân 1968, bảy anh em chúng tôi ngày đó lần lượt bị địch bắt và lại cùng tiếp tục đấu tranh trong nhà tù Mĩ – ngụy. Riêng tôi, năm 1968 bị bắt giam tại nhà tù Côn Đảo. Đó là một sự trùng lặp đặc biệt vì đúng 60 năm trước, ông ngoại tôi là chí sĩ yêu nước Lê Văn Tiến vì tham gia phong trào yêu nước của cụ Phan Châu Trinh nên bị thực dân Pháp đày đi Côn Đảo. Nơi đây, tôi như thấy lại hình ảnh của ông ngoại năm xưa kiên cường giữa đất trời Côn Đảo, tôi được tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục cùng các đồng chí đấu tranh trong trại giam: chống chào cờ, chống các nội quy, chống các hình thức khổ sai… 30/4/1975, miền Nam được giải phóng, anh em trong trại giam cũng nổi dậy cướp chính quyền và trở về quê cùng đoàn quân chiến thắng.
Từ năm 1975, ông Dũng đã tham gia công tác tại các chức vụ lãnh đạo Đảng và UBND huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh, Giám đốc các đơn vị kinh tế quốc doanh, Siêu thị Co.op Mart… Ông được nhà nước và Đảng tặng các danh hiệu: Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng II, Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng…
Từ ngày nghỉ hưu đến nay, ông Dũng thanh thản sống cùng gia đình cậu con trai vui cùng ba đứa cháu nhỏ. Cả con trai và con dâu ông đều học hành thành đạt và mỗi người có một sự nghiệp riêng. Tuy thế, tối tối, cả gia đình vẫn quây quần bên mâm cơm. Với ông, đó là niềm hạnh phúc bình dị nhưng quý giá vô cùng: “Tôi không bao giờ tiếc những năm tháng cùng anh em lăn lộn, đấu tranh, cũng không bao giờ tiếc những năm tháng tù đày, gian khổ. Thế hệ chúng tôi mừng lòng khi được hi sinh để con cháu hôm nay được sống hòa bình, dân chủ. Tôi không có hạnh phúc nào hơn là ngày ngày được ngắm ba đứa cháu nội vui chơi, líu ríu nói chuyện, trêu đùa… với nhau”.
Nhắc đến những người đồng chí năm xưa, ông xúc động cho biết nhóm “Thất hiền” nay đã người còn, người mất. “Người mất đã mồ yên mả đẹp, tôi tin các anh em nơi chín suối đều mỉm người mãn nguyện về cuộc đời sôi nổi của mình. Người còn, tôi tin ai cũng như tôi, thanh thản sống giữa cuộc đời mới và vui với những đóng góp nho nhỏ của mình cho gia đình, cộng đồng. Đó có thể là kinh nghiệm sống, là vài việc vặt trong gia đình… hay đơn giản chỉ là sống vui, sống khỏe để con cháu an lòng…”.
Dẫu biết rằng “Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu/ Dấn thân vô là phải chịu tù đày/ Là gươm kề cổ, súng kề tai/ Là thân sống chỉ còn coi một nửa” (Trăng trối-Tố Hữu) và nhà cách mạng Ngô Ngọc Dũng đã hiểu được như thế, đã dám dấn thân để cùng bao thế hệ cha anh gìn giữ non sông mang về trái ngọt độc lập tự do cho Tổ quốc. Còn hôm nay đang từng ngày từng giờ chống lại những cơn đau khủng khiếp nhưng khi nói về một thời oai hùng ấy cựu từ Côn Đảo Ngô Ngọc Dũng vẫn nở nụ cười hy vọng cho thế hệ hôm nay.