Do chưa được quan tâm đúng mức nên nhân lực tham gia công tác xã hội đang rất thiếu và yếu. Việc đáp ứng nhu cầu chăm sóc người già, hỗ trợ người bệnh, người khuyết tật… tại cộng đồng vì vậy còn nhiều hạn chế.
Vừa thiếu, vừa yếu
Ở nhiều quốc gia trên thế giới, công tác xã hội (CTXH) đã phát triển trở thành một nghề chuyên nghiệp. Tuy nhiên, ở Việt Nam nghề này mới bước đầu hình thành. Theo thông báo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH), số cán bộ, nhân viên trực tiếp làm việc ở các cơ sở bảo trợ xã hội, trung tâm xã hội và đội ngũ cộng tác viên dân số, bảo vệ chăm sóc trẻ em thôn bản lên tới 162.000 người. Tuy nhiên, chỉ một số ít trong số cán bộ đó có trình độ ĐH và CĐ, còn lại hầu hết chưa qua đào tạo cơ bản, đa số tác nghiệp dựa trên lòng nhiệt tình, kinh nghiệm hoặc chỉ tham gia khóa học ngắn hạn.
Chăm sóc các đối tượng bảo trợ tại Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội Phú Yên. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN |
Là người đã gắn bó với nghề CTXH gần 20 năm nay, chị Lê Phương Thúy (Trưởng phòng Tư vấn và Hỗ trợ phát triển, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển) cho biết: “Nghề CTXH hiện chưa được chú trọng, người làm nghề CTXH chưa được đánh giá đúng vai trò, vị trí của mình. Với mô hình Nhà bình yên, trung tâm chúng tôi có nhiệm vụ tư vấn, đào tạo và dịch vụ hỗ trợ phụ nữ yếu thế, nhất là các phụ nữ, trẻ em bị bạo hành, buôn bán... Trong quá trình làm việc, cán bộ nhân viên gặp không ít khó khăn và nguy hiểm.
Việc cán bộ tham vấn bị chồng, người nhà nạn nhân gọi điện đe dọa lúc 12 giờ, 1 giờ đêm là chuyện bình thường. Ngoài ra, để có thể hoàn thành tốt công việc, hỗ trợ thân chủ một cách tốt nhất, họ luôn phải đối diện với áp lực tâm lý, nỗ lực rất nhiều để hoàn thành tốt công việc, hỗ trợ thân chủ một cách tốt nhất. Mặc dù vất vả như vậy nhưng thu nhập, đời sống của các cán bộ vẫn còn hạn chế”.
Đặc thù của ngành CTXH là tìm hiểu, chăm sóc, định hướng cho các đối tượng dễ bị tổn thương, như người già neo đơn, bệnh tật, trẻ em, các đối tượng nghiện hút, mại dâm… giúp họ vượt qua khủng hoảng bằng tham vấn, trị liệu tâm lý… nên đội ngũ nhân lực cần được đào tạo bài bản, đúng chuyên môn, nghiệp vụ. Tuy nhiên, nguồn nhân lực này ở Việt Nam còn thiếu và yếu. Cả nước có gần 50 trường ĐH và CĐ tham gia đào tạo ngành CTXH nhưng số lượng sinh viên thi vào các khoa này chưa nhiều.
“Chúng tôi phải mời chuyên gia nước ngoài làm cùng và đào tạo nhân viên. Cũng có nhiều sinh viên ngành CTXH ở các trường về Trung tâm thực tập hoặc học việc nhưng các em chủ yếu mới được học lý thuyết mà chưa có thực hành. Hầu hết các em đến đây đều rất bỡ ngỡ và khó có thể vào nghề một cách tự tin. Nhiều em đến học việc một thời gian ngắn 2 - 3 tuần đã bỏ cuộc vì không chịu được áp lực của ngành nghề này”, chị Lê Phương Thúy chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ LĐ, TB&XH) cũng thừa nhận: “Thực tế cho thấy, đa phần nhân viên làm CTXH chưa được đào tạo cơ bản. Đội ngũ nhân viên này phát triển có tính tự phát, chủ yếu là của các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, cán bộ phường, xã đôi khi là những người dân tự nguyện tham gia. Đa số làm việc theo kinh nghiệm, chưa được đào tạo kỹ năng nghề cần thiết về CTXH. Do vậy, hiệu quả giải quyết các vấn đề xã hội, vấn đề của cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng dân cư không cao, thiếu tính bền vững”.
Thay đổi chính sách hỗ trợ
Đặt mục tiêu phát triển CTXH thành một nghề ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 32, phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH ở Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020 với mục tiêu đào tạo lại, nâng cao trình độ, trang bị tri thức chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng tác nghiệp cho khoảng 60.000 nhân viên, cộng tác viên CTXH.
Đánh giá về Đề án 32, ông Nguyễn Văn Hồi cho biết: “Quá trình triển khai Đề án 32 đã đạt được thành quả nhất định: Xây dựng nhận thức phát triển nghề CTXH trong cộng đồng, xây dựng mô hình Trung tâm CTXH và hình thành cơ sở bảo trợ XH đi theo hướng mới, tăng cường đội ngũ cộng tác viên tại các xã, phường. Tuy nhiên, để tăng cường hơn nữa nhận thức của cộng đồng về ngành nghề này là cả một quá trình và cần thêm nhiều biện pháp. Nghề CTXH là việc không hề đơn giản, đòi hỏi cán bộ nhân viên phải có trí tuệ, đạo đức nghề nghiệp tốt. Nhưng với thu nhập như hiện nay thì nhiều người còn chưa mặn mà với ngành nghề này”.
Theo ông Nguyễn Văn Hồi, hiện nay, Bộ LĐ,TB&XH đã có những chính sách hỗ trợ nâng cao đời sống của người làm CTXH. Ngoài tiền lương cơ bản, người làm ngành nghề CTXH còn có phụ cấp công vụ, với một số cán bộ y tế làm nghề này sẽ nhận thêm phụ cấp ưu đãi nghành nghề, còn những cán bộ, nhân viên CTXH các lĩnh vực khác sẽ có phụ cấp về chăm sóc người khuyết tật, tâm thần…
Cùng với đó, Bộ LĐ,TB&XH thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt Đề án 32 và đưa CTXH thành một ngành nghề. Đồng thời, Bộ đang hoàn thiện và ban hành cụ thể hóa tiêu chuẩn tiền lương và trợ cấp thu hút cán bộ nhân viên đối với ngành nghề này. Chú trọng nâng cao năng lực nhân viên và truyền thông thay đổi nhận thức cộng đồng về nghề CTXH. Cấp thiết xây dựng cơ sở cung cấp dịch vụ, một khi xây dựng được dịch vụ một cách bài bản, khoa học thì sẽ thu hút người dân tham gia, và khi được đầu tư đúng mức, tạo ra môi trường làm việc chuyên nghiệp sẽ thu hút nhân lực.
Thu Trang