Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT), mấy ngày qua do nắng nóng, khô hạn gay gắt nên nguy cơ cháy rừng trên diện rộng là rất cao. Ở nhiều địa phương đã xảy ra cháy rừng như Hà Giang, Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi..., gây thiệt hại lớn về tài nguyên rừng.
Chiều qua (3/5), Bộ NN&PTNT có công điện khẩn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ có rừng yêu cầu đôn đốc, kiểm tra các chủ rừng thực hiện nghiêm túc công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Theo Cục Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT), tính đến ngày 3/5 cả nước đã có 4 tỉnh có nguy cơ cháy rừng ở cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm) và 18 tỉnh có nguy cơ cháy rừng ở cấp IV (cấp nguy hiểm).
Lực lượng Kiểm lâm Hà Tĩnh lắp đặt các biển báo, áp phích tuyên truyền phòng chống cháy rừng tại các khu vực trọng điểm của khu rừng Hồng Lĩnh (huyện Can Lộc). Ảnh: Đình Huệ - TTXVN |
Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu tổ chức kiểm tra, rà soát phương án và các biện pháp triển khai thực hiện phòng cháy, chữa cháy rừng ở cơ sở theo phương châm “4 tại chỗ”; tổ chức trực 24/24 giờ trong ngày; bố trí lực lượng canh phòng ở những khu vực trọng điểm; không để phát sinh nguồn lửa; phát hiện sớm điểm cháy và chỉ đạo quyết liệt huy động các lực lượng tại chỗ xử lý kịp thời.
lPhú Yên: UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) rừng; yêu cầu các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chủ rừng có trách nhiệm rà soát hiện trạng rừng trồng hoặc rừng được giao quản lý để qua đó duy tu hệ thống đường băng cản lửa và thường xuyên tuần tra tại những khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao để thông tin, xử lý tình huống có cháy rừng xảy ra. Chi cục Kiểm lâm Phú Yên đã củng cố 55 ban chỉ huy PCCC rừng cấp xã, 209 tổ, đội bảo vệ rừng và PCCC rừng. Đồng thời thường xuyên theo dõi, truyền tải kịp thời bản tin cấp dự báo cháy rừng đến từng đơn vị kiểm lâm để chủ động tuần tra, phát hiện dập lửa không để cháy lan. Hạt kiểm lâm các địa phương đã tham mưu cho UBND các xã chủ động lập kế hoạch quản lý rừng tại chỗ, tổ chức tuyên truyền trực tiếp Luật Bảo vệ và phát triển rừng bằng hình thức lồng ghép trong các cuộc họp dân; cắm 500 bảng cấm lửa rừng và phát hàng nghìn tờ rơi tuyên truyền bảo vệ và PCCC rừng.
lVĩnh Phúc: Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Văn Tâm cho biết, Chi cục đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về PCCC và bảo vệ rừng; chủ động nắm chắc diễn biến thời tiết gắn với việc xây dựng, bổ sung đầy đủ kế hoạch, phương án PCCC rừng; tổ chức huấn luyện, diễn tập đầy đủ các nội dung, đồng thời phân công cụ thể các cơ quan, đơn vị chuẩn bị chu đáo lực lượng, phương tiện, trang bị sẵn sàng cơ động tham gia PCCC và bảo vệ rừng; xử lý kịp thời mọi tình huống khi có sự cố xảy ra cháy rừng. Thực hiện phương châm "4 tại chỗ" nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, sức người, phương tiện, lấy phòng là chính; khi có tình huống xảy ra, chủ động, kịp thời, hiệp đồng chặt chẽ các lực lượng tham gia ứng cứu, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Các khu rừng dễ cháy đều phải có đường băng cản lửa, chòi quan sát, trạm bảo vệ, kịp thời phát hiện, thông báo, báo động cháy rừng cho các lực lượng chức năng.
lNghệ An: Xác định phòng chống cháy rừng là nhiệm vụ cấp bách trong mùa nắng nóng hiện nay, tỉnh Nghệ An đề nghị các địa phương phối hợp với ngành kiểm lâm và các ngành liên quan nắm chắc, đánh giá đúng tình hình để chủ động xây dựng phương án, tiến hành đồng bộ các giải pháp PCCC rừng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về rừng; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. Đến đầu tháng 5/2012, tỉnh kiện toàn và thành lập được 345 Ban chỉ huy PCCC rừng các cấp; 1.920 tổ, đội quần chúng chữa cháy rừng với trên 22.170 thành viên. Tỉnh cũng đề nghị Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách về PCCC rừng bố trí người trực 24/24 giờ tại những khu vực rừng có nguy cơ xảy ra cháy cao; thực hiện việc phát dọn thực bì, lau lách; làm đường ranh cản lửa; diễn tập các phương án phòng chống cháy rừng.
Mạnh Minh - TTN