Theo Đại tá Vũ Trường Giang, Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) - Công an tỉnh Hà Giang: Xin và nhận con nuôi trái pháp luật, rồi mang trốn ra nước ngoài là một thủ đoạn giả tạo của những kẻ xấu. Cấp ủy, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để bà con dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hết sức cảnh giác với thủ đoạn này. Trong những ngày cuối năm 2013, đầu năm 2014, phòng PC45 - Công an tỉnh Hà Giang tiếp nhận hồ sơ vụ "Cho và nhận con nuôi", xảy ra tại xóm Nậm Chuầy, xã Niên Sơn, huyện Mèo Vạc do Công an huyện Mèo Vạc bàn giao để điều tra, xác minh.
Bọn tội phạm lợi dụng trình độ nhận thức hạn chế của đồng bào dân tộc, đã dụ dỗ, lôi kéo và bắt cóc nhiều phụ nữ, trẻ em bán sang biên giới. Ảnh: TTXVN |
Trước đó, được người quen cùng xóm giới thiệu với vợ chồng anh Chảo Văn Lù (sinh năm 1976) và Nùng Thị Sinh (sinh năm 1981), ở xóm Nậm Chuầy, xã Niên Sơn, huyện Mèo Vạc có người nhà ở Hà Nội tên là Nguyễn Thị Hồng Hiền muốn tìm nhận con nuôi. Ban đầu vợ chồng anh chị Sinh còn e ngại song với lời hứa và một viễn cảnh tương lai tốt đẹp cho con mình, hơn nữa lại là người nhà của hàng xóm nên vợ chồng anh chị Sinh đã đồng ý.
Ngày 29/6/2013 tại nhà người quen trên, vợ chồng chị Sinh đã nhờ người viết giấy cam kết về việc giao nhận cháu Chảo Văn Chình (là con trai của chị Sinh), sinh ngày 16/6/2012 làm con nuôi Nguyễn Thị Hồng Hiền nhưng không khai báo với chính quyền địa phương làm thủ tục đăng ký theo quy định của pháp luật. Hôm sau chị Sinh cùng người em trai là Nùng Ý Sén và Hiền đưa cháu Chình về nhà người thân ở Hà Nội. Sau một ngày đi chơi mua sắm, Hiền đưa cho chị Sinh 4 triệu đồng và đón xe cho hai chị em Sinh về huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.
Sau khi nhận được cháu Chình làm con nuôi, Nguyễn Thị Hồng Hiền đã cùng một người phụ nữ khác đưa cháu Chảo Văn Chình xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quang Ninh. Ngày 29/7/2013, Nguyễn Thị Hồng Hiền đã quay trở lại Việt Nam, đến nhà chị Sinh ở xóm Nậm Chuầy, nói là xin giấy khai sinh để nhập hộ khẩu cho cháu Chình. Thấy đối tượng Hiền có nhiều nghi vấn trong việc đặt vấn đề xin con nuôi nên chị Sinh đã báo với Công an xã Niêm Sơn, huyện Mèo Vạc.
Quá trình điều tra thấy, đây là vụ việc giao nhận con nuôi trái pháp luật có sự thỏa thuận đồng ý của chính gia đình do thiếu hiểu biết cộng với nhu cầu để con mình được sung sướng hơn, khi biết sự thật là con bị đưa sang Trung Quốc mới tố giác với cơ quan điều tra. Đối tượng Hiền đã nhiều năm sống bên Trung Quốc, có mối quan hệ phức tạp, thay đổi chỗ ở liên tục, môi giới xin con nuôi qua nhiều khâu trung gian nên rất khó khăn cho công tác điều tra.
Với tinh thần trách nhiệm cao, Công an huyện Mèo Vạc và phòng PC45 - Công an tỉnh Hà Giang đã không quản ngại khó khăn, điều tra để đưa cháu bé về với gia đình.
Sau khi làm rõ vụ việc, Công an tỉnh Hà Giang đã có Hàm thư trao đổi công tác phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm trên tuyến biên giới và được Công an Trung Quốc giúp đỡ. Cuối tháng 5/2014, tại Cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, được sự phối hợp, giúp đỡ của Công an Trung Quốc, Công an tỉnh Hà Giang đã tiếp nhận cháu Chảo Văn Chình và bàn giao cho chị Nùng Thị Sinh trong niềm vui khôn siết của gia đình và người thân.
Thời gian qua, tình trạng bắt cóc, buôn bán phụ nữ trẻ em đang có xu hướng gia tăng. Bọn tội phạm lợi dụng trình độ nhận thức hạn chế của đồng bào dân tộc, đã dụ dỗ, lôi kéo và bắt cóc nhiều phụ nữ, trẻ em bán sang biên giới.
Theo Đại tá Nguyễn Ngọc Châu, Trưởng phòng Phòng chống tội phạm ma túy thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Giang: Hơn 1 năm trước, một vụ bắt trẻ em cóc hết sức nghiêm trọng đã xảy ra tại trường Trung học cơ sở xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc. Nạn nhân là hai em: Vàng Chín S. (sinh năm 1997) là học sinh lớp 8 và em Phàn Thị X. (sinh năm 1999), cả hai em đều là học sinh trường Trung học Cơ sở xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc.
Thông tin về vụ bắt cóc trẻ em xảy ra ngay tại trường học khiến không ít gia đình hoang mang, lo lắng. Với quyết tâm truy tìm các đối tượng gây án, giải cứu bằng được hai em nhỏ trở về, sau khi nắm bắt tình hình, rà soát, sàng lọc các đối tượng nghi vấn, Bộ Chỉ huy Biên phòng Hà Giang đã thành lập chuyên án 316T, với mục đích triệt phá nhanh gọn các đối tượng bắt cóc, trả lại sự bình yên cho thôn bản.
Là tỉnh vùng cao biên giới địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, do địa hình biên giới hiểm trở, trình độ nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế nên các đối tượng lợi dụng xin con nuôi rồi đưa sang Trung Quốc hoặc bắt cóc trẻ em.
Trước tình trạng trên, UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, các hội, đoàn thể cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, biên giới những âm mưu, thủ đoạn của kẻ xấu để phòng tránh. Công an tỉnh và Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Hà Giang đẩy mạnh công tác phối hợp, mở nhiều đợt cao điểm tấn công tội phạm, giữ gìn bình yên trên tuyến biên giới Việt - Trung.
Minh Tâm - Trung Thực