Cụ thể, qua theo dõi trên ảnh vệ tinh, số liệu định vị sét và ảnh ra đa thời tiết cho thấy mây đối lưu bắt đầu hình thành trên khu vực các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Long Biên. Ổ mây này có xu hướng di chuyển và mở rộng sang khu vực nội thành Hà Nội.
Cảnh báo, khoảng 9h30 phút đến 12h30 phút ngày 6/9, các quận nói trên có mưa rào và dông, sau đó mở rộng sang khu vực quận Đống Đa, Hoàng Mai và các quận nội thành khác của thành phố Hà Nội; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá cấp 1
Trong khi đó, siêu bão số 3 đang di chuyển theo hướng Tây. Hồi 7 giờ ngày 6/9, vị trí tâm siêu bão ở vào khoảng 19,2 độ Vĩ Bắc; 112,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 160 km về phía Đông Đông Nam; cách Quảng Ninh khoảng 600 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 16 (184-201km/h), giật trên cấp 17.
Theo ông Đinh Hữu Dương, Trưởng phòng Dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ, dự kiến, ngày 7/9, Thủ đô Hà Nội bắt đầu chịu ảnh hưởng của siêu bão số 3. Đêm 6, sáng 7/9 khu vực này có gió cấp 5-7; mạnh nhất ở cấp từ 7-9. Ngày 6/9, Thủ đô Hà Nội có khả năng xuất hiện mưa dông mạnh trước bão, xảy ra bất chợt trong ngày, đề phòng tình trạng bật đổ cây, lốc sét… Bên cạnh đó, mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn có thể gây tình trạng quá tải hệ thống thoát nước khu vực nội thành, gây ngập lụt đô thị và các vùng trũng thấp. Các hệ thống sông Tích, Cà Lồ, Bùi có đợt lũ cao từ 1-3m, xuất hiện trở lại các vùng ngập lụt trong nhiều ngày tại các xã thuộc huyện Chương Mỹ.