GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chủ nhiệm Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia (ảnh), đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về các giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng “cháy” vắcxin dịch vụ tái diễn.
Bên cạnh việc bảo đảm cung ứng vắcxin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng là nơi triển khai hoạt động TCDV. Từ thực tế hoạt động tại đơn vị, mong ông cho biết đâu là biện pháp nhằm bảo đảm nguồn cung bền vững cho vắcxin dịch vụ?
Việc bảo đảm đủ vắcxin dịch vụ đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở TCDV (lập kế hoạch số lượng người tiêm và vắcxin cần mua), các doanh nghiệp vắcxin trong nước (đặt hàng số lượng vắcxin cần nhập khẩu) và các nhà cung cấp vắcxin nước ngoài (lập kế hoạch sản xuất vắcxin và cung ứng). Các vắcxin sau khi được nhập khẩu cần phải được Viện Kiểm định quốc gia về vắcxin và Sinh phẩm y tế kiểm định chất lượng, đạt yêu cầu mới có thể cung cấp cho các cơ sở tiêm chủng vắcxin dịch vụ...
Nhưng bên cạnh đó, cũng có một nguyên tắc bất thành văn từ các doanh nghiệp nhập khẩu vắcxin dịch vụ, đó là: “Đã đặt hàng là phải mua”. Với một số trung tâm y tế dự phòng tuyến tỉnh thì rất khó có thể thực hiện theo nguyên tắc này, bởi lẽ, nếu dự trù không chuẩn xác và đặt số lượng vắcxin lớn nhưng không bán được thì họ sẽ phải chịu tổn thất rất lớn.
Từ thực tế này, tôi cho rằng, cần có sự thay đổi phương thức đặt hàng vắcxin dịch vụ. Nếu cứ để tình trạng các đơn vị mạnh ai nấy làm như hiện nay thì không thể có một kế hoạch sát thực về nhu cầu vắcxin, và việc thương thảo với nhà cung cấp vắcxin nước ngoài không thể đạt hiệu quả mong đợi; nhưng nếu chúng ta tập trung các trung tâm y tế dự phòng tại tất cả các địa phương thành một đầu mối để đặt hàng thì chắc chắn sẽ có kế hoạch dự trù vắcxin tốt hơn và việc thương thảo với nhà sản xuất sẽ dễ dàng hơn, theo hướng có lợi hơn cho cơ sở TCDV.
Đa dạng vắcxin là một phương án cần thiết để đáp ứng nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, triển khai ý tưởng này tại Việt Nam không hề đơn giản. Thị trường Việt Nam nhỏ nên nhiều hãng vắcxin lớn rất “băn khoăn”, thậm chí có hãng còn không muốn vào do e sợ mất thời gian trong việc làm thủ tục cấp phép, bên cạnh đó, báo cáo những sự cố tiêm chủng tại Việt Nam cũng là lý do khiến họ ngại ngần, sợ mất uy tín trên thương trường...
GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. |
Đơn cử, nếu mỗi năm đại lý tại Việt Nam (đơn vị đại diện cho các trung tâm y tế dự phòng 63 tỉnh, thành phố) đặt một số lượng vắcxin lớn liều vắcxin thì cũng sẽ yêu cầu nhà sản xuất phải dự trữ thêm một số lượng liều vắcxin trong kho; trong trường hợp Việt Nam không sử dụng đến số vắcxin dự trữ đó thì cơ sở sản xuất sẽ tự điều phối lại cho các nước khác mà Việt Nam không phải chịu bất cứ phí tổn nào.
Theo tôi, đây có thể là một giải pháp khá khả thi trong tình hình tại Việt Nam.Thời gian tới, Hội Y học dự phòng Việt Nam sẽ tổ chức hội nghị để thảo luận với đại diện các trung tâm y tế dự phòng tuyến tỉnh và sau đó là các nhà sản xuất về vấn đề này. Sau khi đi tới thống nhất, chúng tôi sẽ có thông tin cụ thể tới cộng đồng.
Để khắc phục sự hạn chế về khả năng dự báo nhu cầu vắcxin của hệ thống TCDV, cần có giải pháp gì, thưa ông?
Cần xây dựng một đề án chuyên biệt về dự báo nhu cầu vắcxin. Đề án này dựa trên 3 cơ sở: Nghiên cứu dự báo xu hướng dịch bệnh, dự báo nhu cầu và sự chấp nhận của cộng đồng với tiêm chủng các vắcxin; dự báo khả năng sản xuất, cung ứng, phân phối vắcxin của hệ thống cung cấp dịch vụ. Theo tôi, truyền thôngg giáo dục sức khỏe về lợi ích và lịch tiêm chủng vắcxin cho người dân là rất quan trọng. Đây là công việc lâu dài nhưng cần được làm thường xuyên.
Bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần khuyến khích sự tham gia của các hiệp hội xã hội, nghề nghiệp như Hội Y học Dự phòng Việt Nam. Với những cán bộ nhiều năm kinh nghiệm, gồm cả những người đang công tác trong ngành y tế và đã nghỉ hưu, Hội Y học dự phòng hoàn toàn có thể đưa ra bằng chứng về sự lưu hành bệnh dịch và dự báo diễn biến dịch bệnh hàng năm. Đồng thời Hội cũng sẽ là cầu nối trong việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng về vắcxin và các vấn đề liên quan đến tiêm chủng...
Việc người dân lúc thì theo TCMR, khi thì “chạy” sang TCDV cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới việc dự báo nhu cầu vắcxin, ngành y tế sẽ làm gì để có được một số liệu đáng tin cậy?
Giải pháp cho vấn đề này là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý tiêm chủng và đây là chiến lược mà ngành Y tế đang hướng tới. Chúng tôi đã triển khai thí điểm việc quản lý đối tượng tiêm chủng tại Bến Tre và hiệu quả rất tốt. Theo đó, sẽ quản lý được số lượng trẻ em thực tế, cán bộ y tế có thể theo dõi, nhắc nhở cha mẹ khi trẻ chưa tiêm đủ các vắcxin cần thiết...
Xin cảm ơn ông!
Phương Liên - Hà Liên