Cần quy hoạch về bảo vệ môi trường

Nhiều ý kiến phát biểu tại phiên thảo luận về Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) chiều 25/11 cho rằng cần thiết phải lập quy hoạch bảo vệ môi trường, nhất là quy hoạch vùng để khắc phục tình trạng quản lý lỏng lẻo, thiếu sự phối hợp trong bảo vệ môi trường thời gian qua.


Cấm bố trí các cơ sở gây ô nhiễm trong khu dân cư


Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) cho rằng, cần phải lập quy hoạch bảo vệ môi trường chiến lược, không để tái diễn tình trạng quy hoạch thủy điện tràn lan lấy đất rừng như thời gian qua, mà hậu quả nhãn tiền là lũ lụt, sạt lở gây thiệt hại cho Nhà nước và nhân dân. Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cùng chung quan điểm khi cho rằng, các xung đột giữa người dân và doanh nghiệp vừa qua như vụ chôn thuốc trừ sâu ở Thanh Hóa, xả thải gây ô nhiễm môi trường ở TP Hồ Chí Minh… có nguyên nhân từ thiếu quy hoạch bảo vệ môi trường. Đại biểu đề nghị bổ sung các quy định cụ thể trong quy hoạch như cấm bố trí các cơ sở gây ô nhiễm trong khu dân cư…


Đề cập đến trách nhiệm của các cơ quan chức năng, đại biểu Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhận xét, bảo vệ môi trường lưu vực sông chưa hiệu quả, chưa có sự phối hợp, người dân hạ lưu phải gánh hậu quả xả thải trái phép ở thượng lưu. Do đó, cần phải có quy hoạch bảo vệ môi trường theo vùng, nhất là quy hoạch quản lý chất thải nguy hại phải theo vùng và do Bộ chủ trì. Còn quy hoạch quản lý chất thải rắn do cấp tỉnh lập. Đại biểu Nguyễn Minh Lâm (Long An) cũng đánh giá, quy hoạch bảo vệ môi trường là nội dung mới và rất cần thiết. Việc xây dựng quy hoạch bảo vệ môi trường không cản trở các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngược lại, các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải đồng bộ với quy hoạch bảo vệ môi trường.

Nâng cao mức phạt tiền


Vi phạm về môi trường diễn biến phức tạp, gây nhức nhối dư luận. Nhiều đại biểu đã kiến nghị các giải pháp để khắc phục tình trạng này. Đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) cho rằng, có nguyên nhân từ quy định xử lý vi phạm còn chung chung. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung các chế tài cụ thể, đặc biệt là nâng mức phạt tiền để đủ sức răn đe. Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cũng đề nghị bổ sung thêm nhiều công cụ điều chỉnh về kinh tế, ví dụ như mở thị trường mua bán quyền xả thải.


Ngoài ra, để kịp thời ngăn chặn hành vi gây hại môi trường, nhiều đại biểu đề nghị quy định quyền tham gia tham vấn của cộng đồng trong quá trình triển khai dự án cũng như việc kiểm tra, giám sát; làm rõ khái niệm “tranh chấp môi trường” và bổ sung cộng đồng dân cư là một bên liên quan.


Bên cạnh các chế tài xử lý, các đại biểu cũng đề xuất thể chế hóa chính sách khuyến khích bảo vệ môi trường; có các hình thức khen thưởng những tổ chức, cá nhân thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường; ưu đãi các sản phẩm tái chế, tái sử dụng, khuyến khích di dời các cơ sở gây ô nhiễm…


Đại biểu Đỗ Thị Huyền Tâm (Bắc Ninh), Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) kiến nghị cần có thêm các quy định cụ thể về ứng phó với biến đổi khí hậu. Một số đại biểu cho rằng quy định lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) theo 2 bước là cần thiết. Tuy nhiên, ĐTM sơ bộ phải có ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường là không phù hợp, làm phát sinh thủ tục hành chính và tạo cơ chế xin - cho. ĐTM sơ bộ phải được cấp có thẩm quyền xem xét cùng báo cáo đầu tư là đủ.


Ngọc Tú

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN