Tại hội thảo đầu bờ do Viện Khảo cổ học tổ chức ngày 22/10, tiến sĩ Bùi Văn Liêm, Viện Khảo cổ học cho rằng cần tiếp tục giám sát khảo cổ học khi thi công nút giao thông Ô Chợ Dừa (Hà Nội). Công trường thi công đường vành đai 1, đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN |
Viện Khảo cổ học đề xuất, sau khi kết thúc công tác thám sát, hiện trường được bàn giao cho Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội để thực hiện dự án xây dựng cầu vượt nút giao Ô Chợ Dừa. Tuy nhiên, việc thám sát mới được tiến hành trên diện tích khá nhỏ so với yêu cầu nghiên cứu khảo cổ. Do vậy, nếu có thay đổi thiết kế, xây dựng có khả năng xâm hại đến hiện trường các di tích La thành Thăng Long, Đàn Xã Tắc thì Ban quản lý dự án xây dựng đường vành đai 1 đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu cần thông báo kịp thời cho cơ quan quản lý văn hóa, chuyên môn khảo cổ... để cùng phối hợp thực hiện.
Từ tháng 8/2013, Viện Khảo cổ học đã thám sát trên diện tích 80m2 với 4 hố đào tại các trụ cầu, phục vụ hoàn thiện phương án thiết kế giao thông nút giao Ô Chợ Dừa. Khu vực này nằm trong phạm vi phân bố di tích La thành Thăng Long. Theo những tư liệu thư tịch cổ và nhận định của nhiều nhà nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội, đây là cửa Trường Quảng của La thành Thăng Long trong lịch sử.
Theo tiến sĩ Bùi Văn Liêm, ở cả 4 hố đào chưa xuất hiện dấu tích liên quan đến kiến trúc, hố thứ 4 hoàn toàn không có di tích, di vật, 3 hố còn lại đều phát hiện các dấu tích thuộc các thời đại khác nhau. Hố số 1 là những dấu tích bếp đun nấu của cư dân thời Trần, có liên quan đến di tích Đàn Xã Tắc hoặc cửa Trường Quảng. Hố thứ 2 có khả năng là một lạch nước nhỏ đổ nước từ trong thành ra sông Kim Ngưu. Hố thứ 3 lại cho thấy, đến thời Lê, khu vực này mới được người dân đắp nền, vượt thổ làm di tích Đình Đông.
Đây không phải là những di tích tiêu biểu kiểu kiến trúc gạch, đá. Di vật thu được cũng không nhiều, chủ yếu là mảnh vỡ gạch, ngói, sành, sứ... Do vậy, các nhà khảo cổ thu thập, xử lý tiếp tục nghiên cứu để đưa ra nhận định cuối cùng.
Minh Nguyệt