Dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán luôn là “cao điểm” thiếu máu để điều trị vì nhu cầu ngày càng tăng của các bệnh viện tại Hà Nội. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều địa phương khác trên cả nước. Ngày “Chủ nhật đỏ” diễn ra hôm qua (8/1) tại Hà Nội là một chương trình hiến máu tình nguyện lớn, góp phần khắc phục những khó khăn do khan hiếm nguồn máu hiện nay.
Tham gia hiến máu nhân đạo trong ngày “Chủ nhật đỏ”. Ảnh: Đình Trân - TTXVN |
GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết, năm 2011, cả nước tiếp nhận được khoảng 678.000 đơn vị máu, tăng khoảng trên 11% so với năm 2010. Tuy nhiên, lượng máu đó chưa đáp ứng được yêu cầu điều trị cho bệnh nhân, hiện chỉ đáp ứng được trên 40% nhu cầu.
Thời điểm thiếu máu cao điểm là dịp trước, trong và sau Tết. Theo tính toán của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, chỉ tính riêng Hà Nội, từ nay đến khoảng tháng 2/2012, ngân hàng máu cần tối thiểu 10.000 đơn vị máu. Hiện nay, đã và đang tiếp nhận khoảng trên 5.000 đơn vị máu. Như vậy, còn thiếu cỡ gần 5.000 đơn vị máu, tương đương với thiếu khoảng 7.000 người sẵn sàng tham gia hiến máu từ nay đến Tết thì mới đảm bảo đáp ứng nhu cầu.
Trong tháng 12/2011, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương chỉ tiếp nhận được khoảng 8.000 đơn vị máu. Sang tháng 1/2012, lượng máu tiếp tục giảm. Thời điểm này, học sinh, sinh viên là lực lượng hiến máu thường xuyên và “chủ chốt” trong năm lại đang trong thời gian thi cuối kỳ nên việc vận động hiến máu tình nguyện càng khó khăn. Điều này đã và đang gây không ít khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu máu điều trị đang tăng rất cao trong dịp cuối năm tại các bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện tuyến Trung ương.
Do đó, việc ngày “Chủ nhật đỏ” năm nay diễn ra vào những ngày cuối năm, giáp Tết Nguyên đán có ý nghĩa vô cùng quan trọng và giá trị của những giọt máu được hiến càng tăng lên gấp bội. Với thông điệp “Sinh mệnh của Bạn và Tôi”, “Chủ nhật đỏ” là chương trình hướng tới cổ vũ phong trào hiến máu tình nguyện, góp phần làm thay đổi nhận thức của thanh niên, sinh viên, các tầng lớp nhân dân về việc hiến máu, giúp hiểu rõ hơn ý nghĩa cao đẹp của hành động hiến máu. Đồng thời, khắc phục những lỗ hổng thông tin, loại bỏ những rào cản tâm lý giúp cho việc hiến máu dễ dàng hơn.
Không chỉ thu hút chừng 10.000 sinh viên đến từ 63 trường đại học, cao đẳng tại Hà Nội tham gia, sự kiện còn được nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố hưởng ứng và tham gia hiến máu.
Sau sự kiện ngày “Chủ nhật đỏ”, chương trình Lễ hội Xuân hồng dự kiến tổ chức vào ngày 12/2/2012 cũng là một dịp hiến máu tình nguyện lớn tiếp theo. “Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương sẽ làm tốt việc thu gom, sàng lọc máu và đặc biệt là phân phối và sử dụng hiệu quả, không lãng phí nguồn máu này”, GS.TS Nguyễn Anh Trí quả quyết.
Phong trào hiến máu nhân đạo đã được phát động gần 20 năm qua. Theo lãnh đạo Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, thực tế cho thấy, phong trào này đã phát triển tương đối tốt, có nhiều khởi sắc. Hiện nay, trung bình mỗi tháng lại có một đợt hiến máu được tổ chức, mỗi lần thu được 1.500 - 1.700 đơn vị máu. Riêng trong năm 2011, ở Hà Nội đã xây dựng được mô hình “Tuyến phố hiến máu”, “Phường xã hiến máu” cho thấy phong trào hiến máu đã và đang ngày càng phổ biến rộng rãi.
Tuy nhiên, sở dĩ lượng máu vẫn chưa đáp ứng yêu cầu bởi “nguyên nhân thiếu máu cho điều trị là do chúng ta thiếu nguồn người hiến máu”, GS.TS Nguyễn Anh Trí nói. Tới đây, để tiếp tục thu hút các đối tượng khác tham gia hiến máu, Ban Tổ chức cho biết đang nghiên cứu để những năm tiếp theo có thể nhân rộng ngày “Chủ nhật đỏ” ra nhiều địa phương khác trên cả nước.
Mạnh Minh - Phương Liên