Cẩm nang bỏ túi của phóng viên hay lên rừng, xuống biển

Lên lịch trình công tác kỹ càng, chuẩn bị tốt nhất cho sức khỏe, lường trước càng nhiều sự cố có thể xảy ra càng tốt, “thủ sẵn” những lời khuyên dự phòng từ các tiền bối… Và còn rất nhiều “kung fu” khác nữa, để một chuyến tác nghiệp của phóng viên ở miền núi, biên giới, biển đảo hiệu quả.

Khi phóng viên phố ngược ngàn

Nhắc đến bút danh Xuân Tuấn (báo Phụ nữ Việt Nam), nhiều đồng nghiệp tấm tắc: “Cái tay Xuân Tuấn ấy á? Toàn xe máy lặn lội khắp nơi. Một vùng đất, có khi hắn đi không biết bao nhiêu lần rồi, nhưng lần nào về, cũng có đề tài hay, bài viết lạ. Thế mới siêu chứ!”.

Với nhiều phóng viên, chỉ những chuyến đi tới vùng đất hiểm trở, nơi biên ải heo hút, vùng biển, đảo xa xôi của Tổ quốc mới thực là những chuyến đi “để đời”.

Hỏi chuyện Xuân Tuấn, anh cười: “Mình hay đi nhất là vùng Tây Bắc. Mình như bị vùng đó hút hồn vậy. Một tháng mà không lang thang được chuyến nào lên đó như thấy thiếu thứ gì đó”.

Mỗi lần đi, Xuân Tuấn thường rủ một đồng nghiệp nam đi cùng, chinh phục chủ yếu bằng xe máy. “Từ tây Nghệ An, Tây Bắc, tây Quảng Bình và cả vùng xa xôi như A Lưới của Thừa - Thiên Huế, bọn mình đều đi xe máy từ Hà Nội vào. Tối đâu là ngủ đấy. Cứ lang thang như thế để tìm kiếm đề tài. Chính việc không bị khống chế về thời gian và lại chủ động về phương tiện nên có thể lang thang được nhiều”, anh kể.

Công việc thuận lợi còn nhờ Xuân Tuấn kết thân với những đồng nghiệp làm báo ở địa phương. “Hầu như tỉnh nào mình cũng có bạn thân làm báo tỉnh đó. Họ là những người bắc cầu nối cho bọn mình. Nhưng những thông tin qua họ, chỉ là bước đầu, còn những đề tài phát sinh mới là đề tài hay”, anh đúc kết. Phương châm mỗi lần ngược ngàn tác nghiệp của Xuân Tuấn là: “Cùng ăn, cùng nghỉ, cùng làm với bà con”, cộng với chút nhạy cảm của người làm báo, sẽ khai thác được đề tài hay.

“Bảo bối” với nam phóng viên này chỉ gói gọn trong hai chữ “dấn thân”. Từ những chuyến đi, anh nhận ra rằng: “Bà con dân bản nơi đâu cũng quý người và mến khách. Quan trọng là người làm báo có đến với họ hay không thôi!”.

Cố gắng căng tai, căng mắt để thâu nhận về mình tất cả những tín hiệu về cuộc sống, con người vùng đất mà họ đang đi qua trong suốt hành trình để có được nhiều nhất chất liệu cuộc sống là điều mà một phóng viên đi công tác miền núi cần có. Đó cũng là kinh nghiệm mà những phóng viên trẻ học hỏi được ở nhà báo Nguyễn Huy Minh (báo Thể thao và Văn hóa- TTXVN) qua nhiều phóng sự “lang thang xuyên Hoàng Liên Sơn dài ngót nghét 500 cây số”, anh viết vào những năm 2000. Từ việc lắng nghe những câu chuyện xô bồ ở bến xe Điện Biên, hỏi chuyện người lái xe tải, đến cả những cái nín thở của người địa phương khi kể chuyện những chuyến xe trầy bánh trong mưa để vào được vùng biên giới miền Tây Bắc nước ta. Mà đâu chỉ riêng Mù Cang Chải, nhà báo Huy Minh còn “làm nhiều cuộc hành trình đơn độc và quyết tâm đến Apachải (Lai Châu), vào Tây Nguyên, Tây Nam bộ… để có những phóng sự “ăm ắp thông tin, ngồn ngộn sức sống” (nhận xét của nhà báo Nguyễn Huy Phong, báo An ninh thế giới).

“Chịu khó đi”- ai trong nghề báo cũng nói vậy. Nhưng với phóng viên nam, mọi chuyện dễ dàng hơn so với phóng viên nữ, nhất lại là phóng viên đã có gia đình. Mỗi khi nhận được lệnh đột xuất theo “trát điều động” của tòa soạn, các chị bao giờ cũng rất đắn đo, cân nhắc, chuẩn bị thật kỹ, lên kế hoạch cho cả việc tác nghiệp lẫn việc gia đình.

Câu chuyện của phóng viên Nguyễn Thu Hương (báo Phụ nữ Việt Nam) hẳn không xa lạ với nhiều đồng nghiệp. Mùa hè năm 2010, khi đó cô con gái thứ hai của chị mới 3 tuổi thì chị quyết định đi Điện Biên một tuần. Chị nhớ lại: “Đợt đó lại đúng vào mùa mưa, đường đi vất vả, nhất lại là miền núi, xe của Hội Phụ nữ tỉnh Điện Biên không vào sâu trong bản được”. “Ngày nào cũng điện thoại về nhà. Mỗi lần nghe con khóc lại nóng ruột. Nhưng nghĩ về con cái, lại quyết tâm phải làm việc thật hiệu quả, triệt để tận dụng thời gian!”. Không thể chờ thời tiết thuận lợi vì bồn chồn con cái ở nhà, chị liều xin đi nhờ xe ôm của một thanh niên vào bản Tủa Chùa, là nơi còn tình trạng lừa bán phụ nữ và còn chuyện tảo hôn, chuyện tự tử bằng lá ngón… để viết bài.“Đường đất sét, xe máy cứ vừa leo vừa muốn trầy. Mình ngồi trên xe, biết chắc một bên mình, cách chừng sải tay là mép vực mà không dám hé mắt. Chỉ dám bấu chặt lấy tay xe ôm người bản. May mà anh lái xe ôm nhiệt tình, lái xe lại giỏi nữa chứ! Chuyến đi thật là hú vía!”, chị Hương vẫn hơi ớn người khi nhắc lại.

“Kinh nghiệm là lần sau, nếu đi công tác miền núi, cố mà lựa thời gian sao cho không dính mùa mưa”, chị cười.

Và ứng biến khi tác nghiệp trên biển

Trong đời làm báo, việc đi công tác miền núi dù sao cũng phổ biến hơn so với đi biển, đảo. Nên, đầu tư cho những chuyến “ra khơi” không chỉ là kế hoạch công việc, mà còn tâm lý, ti tỉ thứ liên quan đến sinh hoạt, đến thói quen ăn, ngủ và làm việc trong suốt hành trình.

8 năm trước, lần đầu tiên, T.- một phóng viên nam trẻ măng của báo Sức khỏe và Đời sống được lệnh đi một chuyến công tác Trường Sa dài 11 ngày. Khi ấy, mọi người ai cũng chúc mừng, bảo: “Đời phóng viên, ai cũng ao ước được đi một chuyến như thế”, T. thấy tự hào lắm. T. nghiêm túc lên kế hoạch chi tiết về “những đề tài sẽ triển khai” rồi trình lên Ban biên tập. “Rồi cứ thế là đi”. Anh phóng viên trẻ không mảy may lo lắng gì nhiều. Điều hốt hoảng thường trực của tất cả các phóng viên “đất liền” là “say sóng biển” thì T. may mắn không bị “dính”. Chia sẻ về kinh nghiệm này, T. dí dỏm kể: “Thật ra, lúc ở trên tàu, mình uống một chút rượu, thế là cũng bị lâng lâng. Hình như say rượu lấn át nên quên say sóng thì phải!”.

Nhưng khi nói với một phóng viên trẻ đang đầy lo lắng trước chuyến đi Trường Sa tác nghiệp đầu tiên, T. chân thành khuyên: “Để chắc ăn, cứ nêu nguyện vọng với Ban tổ chức sắp xếp cho một chiếc giường nằm ngang bằng mặt nước biển. Vì nếu nằm ở khoang trên, cách xa so với mặt nước biển, hoặc nằm ở khoang đáy- nơi ầm ầm tiếng động cơ, thì độ rung lắc mạnh, sẽ dễ bị say sóng hơn”.

Không đơn giản như nam phóng viên, những phóng viên phái đẹp cần “lên dây cót” rất kỹ lưỡng cho hải trình kéo dài ngót nghét nửa tháng. Kinh nghiệm của nữ phóng viên Cù Thu Hương, báo Quân đội Nhân dân khi chuẩn bị hành lý là một số loại thuốc chống say phải được ưu tiên đứng đầu danh mục những thứ cần đem. Rồi: “Quần áo mang theo tốt nhất là mang áo phông, quần bò không bị nhăn mà tiện lợi, cả 2 bộ quần áo dài lịch sự để mặc những khi làm lễ, còn lại, cứ quần ngố. Mang kem, áo chống nắng, mũ rộng vành. Dầu gội và tắm tốt nhất mua dầu gói, mua bàn chải, kem đánh răng tính toán đủ dùng cho số ngày đi”. Nhưng chốt lại, theo nữ phóng viên có kinh nghiệm 2 lần đi Trường Sa này: “Quan trọng là phải chuẩn bị tốt về sức khỏe. Lên tàu, biết là tiếng động cơ rất ồn, cảm giác lênh đênh rất khó ngủ nhưng cũng phải cố mà ngủ. Cần thiết, hỏi xin bác sĩ quân y đi cùng đoàn, nếu được thì nuốt 1- 2 viên thuốc ngủ. Không ăn không ngủ được thì không có sức khỏe, không thể làm ăn gì!”.

Giữ được sức khỏe khi đi biển mới là bước đầu, việc tác nghiệp thế nào cho hiệu quả mới là mấu chốt một chuyến đi công tác biển đảo. Trước tiên là chuyện lo dụng cụ tác nghiệp. “Nếu ở đất liền, hết thứ này thứ nọ còn có thể tạt vào chỗ nào đó để mua, còn đã lênh đênh trên biển, thì không thể làm thế. Các dụng cụ tác nghiệp cố gắng mang đủ, gọn nhẹ, đem sạc pin laptop theo vì đi thời gian dài. Tốt nhất đeo ba lô, tiện đi lại và đủ đồ nghề laptop, USB 3G để gửi tin, bài, ảnh về nhà”, nữ phóng viên báo Quân đội Nhân dân chia sẻ.

Việc lên kế hoạch vô cùng quan trọng với chuyến ra khơi của nhà báo. Hỏi chuyện nhiều phóng viên đi công tác ở Trường Sa trên 2 lần, đều nhận được câu trả lời: “Mỗi chuyến đi Trường Sa, phải qua rất nhiều đảo. Mỗi nơi chỉ được dừng chân khoảng 2- 3 tiếng đồng hồ. Có thể thực tế sẽ không được như dự định. Nhưng nếu không xây dựng được đề cương thì sẽ dễ rơi vào tình huống chưa biết khai thác gì, chưa kịp ghi nhận gì đã đến giờ xuống tàu đi đến điểm khác!”.

Việc “sản xuất” ngay được tin, bài là điều gần như bất khả thi trong điều kiện lênh đênh trên biển, đó là chuyện khoảng 5- 6 năm về trước. Nhưng hiện nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, phóng viên vẫn có thể truyền tải sản phẩm của mình về kịp thời. Nhưng muốn có bài viết sâu, hay về chuyến đi, kinh nghiệm của những phóng viên đã có bề dày chinh chiến là: “Tùy theo nội dung chuyến công tác, nên gửi tin sự kiện và ảnh về cho tòa soạn để đáp ứng yêu cầu thời sự. Sau đó tiếp tục thu thập thêm thật nhiều tư liệu, gom vào nhật ký hải trình để khi về đất liền viết sau”, T. gợi ý cho các phóng viên trẻ.

Cái khó cho phóng viên là mỗi chuyến đi kéo dài chừng nửa tháng, nếu không viết bài ngay, không chỉ cảm xúc của phóng viên, mà cả những thông tin thu thập được sẽ bị lắng xuống. Nhiều dự định bài vở sau khi về của nhiều phóng viên đã đổ bể vì lí do này. Hầu như phóng viên nào trước khi đi Trường Sa cũng đều sắm một cuốn nhật ký hải trình hòng ghi lại tất cả những gì nghe thấy, nhìn thấy, cảm nhận thấy trong suốt chuyến đi. Nhưng nhiều người say sóng đến mức không ghi nổi một chữ vào cuốn nhật ký.

Trong những trường hợp như thế, theo T - phóng viên báo Sức khỏe và Đời sống: “Nếu mệt quá, say sóng quá, không viết được, chỉ còn cách tận dụng triệt để máy ghi âm. Mỗi lần lên đảo, phỏng vấn: ghi âm. Khi lên tàu, có thời gian, có ý tưởng triển khai bài viết, có cảm hứng về bài viết: ghi âm. Làm như thế, xử lý được thông tin kịp thời, mà quan trọng hơn, mình sẽ “bắt giữ” được cảm xúc của mình - điều làm nên sự đặc biệt, độc đáo, cái riêng cho những bài viết của mình khi kết thúc chuyến đi”.

Đường tác nghiệp của một nhà báo là muôn hình vạn trạng. Nhưng với nhiều người, chỉ những chuyến đi tới vùng đất hiểm trở, nơi biên ải heo hút, vùng biển, đảo xa xôi của Tổ quốc mới thực là những chuyến đi “để đời”. Kinh nghiệm sau mỗi hành trình đó, họ sẵn lòng truyền đạt cho các thế hệ sau mình học hỏi để tác nghiệp tốt hơn. Còn việc “cái mang đi” có quyết định “thứ mang về” chất lượng hay không, lại phải tùy tài ứng biến của từng phóng viên.

Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN