Ông Lê Văn Dục, giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội giới thiệu về giải pháp cải tạo hồ Hà Nội |
Đó là thông tin được ông Lê Văn Dục, giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, đưa ra tại cuộc họp giao ban báo chí Thành uỷ Hà Nội ngày 1/11.
Nhiều hồ của Hà Nội đã được cải tạo nhưng chưa tách nước thải hoàn thiện, vì vậy vẫn đang bị ô nhiễm, chủ yếu là nhiễm chất hữu cơ.
Về việc giải quyết vấn đề cá chết tại hồ Linh Đàm, ông Võ Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Hồ Linh Đàm rộng khoảng 73 ha, có vai trò quan trọng điều hòa, điều tiết mực nước cho hạ lưu sông Kim Ngưu và tiểu lưu vực sông Lừ. Hồ do Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội quản lý mực nước và duy trì vệ sinh môi trường hồ khi được bàn giao từ cuối năm 2014. Hệ thống thoát nước xung quanh hồ gồm 17 cửa thu nước vào hồ và 1 cửa xả từ hồ ra.
Sáng ngày 27/10, trên hồ Linh Đàm có xảy ra hiện tượng cá chết rải rác trên mặt hồ. Đến 7giờ30 cùng ngày, toàn bộ số cá chết được vớt sạch và bàn giao cho Công ty Môi trường đô thị - chi nhánh Hai Bà Trưng, vận chuyển về bãi tập kết Nam Sơn, xử lý theo quy định đảm bảo vệ sinh môi trường. Tổng khối lượng thu gom khoảng 200 kg. Công ty thoát nước Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan liên quan như UBND quận Hoàng Mai, cảnh sát môi trường (PC49) kiểm tra thực tế hiện trường. Tại thời điểm kiểm tra, mặt hồ sạch, không còn hiện tượng cá chết.
“Liên quan đến vấn đề chất lượng nước do sở Tài Nguyên Môi trường quản lý và công bố. Tuy nhiên, theo thông tin ban đầu thì thời tiết thay đổi thất thường đã làm lượng ôxy hòa tan trong nước giảm, nhiều thời điểm gần bằng 0. Kết luận chính thức sẽ được thông tin trong thời gian tới”, ông Lê Văn Dục, giám đốc Sở Xây dựng cho biết.
Theo Sở Xây dựng, tại 12 quận nội thành có 120 hồ, trong đó có 84 hồ đã cải tạo, 10 hồ đang cải tạo và 26 hồ chưa được cải tạo.
Đối với các hồ đã được cải tạo, chủ yếu là hồ điều hòa, nên ngay cả khi đã tách nước thải hoàn toàn thì vẫn tiếp nhận hỗn hợp nước mưa lẫn nước thải khi có nước chảy vào hồ. Đồng thời, một số hồ đã cải tạo kè bờ, có xây dựng hệ thống cửa chặn nước thải, nhưng chưa tách nước thải hoàn toàn, nên vẫn tiếp nhận một phần nước thải như Hồ Tây, Trúc Bạch, Thanh Nhàn 2A, Linh Đàm, Nghĩa Tân, Kim Liên... vì vậy hồ đã cải tạo vẫn đang bị ô nhiễm, chủ yếu là ô nhiễm chất hữu cơ.
Trong khi đó, đối với các hồ chưa cải tạo, môi trường nước hồ đang bị xuông cấp nghiêm trọng do người dân lấn chiếm, đổ đất phế thải như hồ Linh Quang, Tứ Liên, Gia Quất, Phùng Khoang... và do nước thải chưa qua xử lý xả trực tiếp vào hồ gây ô nhiễm.
Để phục hồi sinh thái các hồ, UBND thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai công tác xử lý ô nhiễm môi trường nước các hồ và cung cấp nước sạch trên địa bàn do Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung là Trưởng ban để tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp trước mắt và lâu dài. Trước mắt, Công ty thoát nước Hà Nội phối hợp với các đơn vị nghiên cứu thử nghiệm các công nghệ tiên tiến. Trong tháng 9/2016, Công ty thoát nước Hà Nội đã tiến hành xử lý thử nghiệm 3 hồ: Hố Mẻ, Giáp Bát, Ba Mẫu bằng công nghệ Redoxy- 3C của Đức. Trên cơ sở tổng hợp kết quả thử nghiệm, Công ty sẽ xây dựng phương án xử lý ô nhiễm trong quý IV/2016 và năm 2017.
Về lâu dài, Hà Nội tập trung đẩy mạnh công tác đầu tư, cải tạo các hồ theo quy hoạch; thực hiện các giải pháp kỹ thuật để xử lý ô nhiễm, cải tạo hồ; đầu tư nạo vét, kè hồ đường đạo, cũng như lắp đặt thêm các hệ thống sục khí làm giàu oxy, bè thủy sinh để tăng cường quá trình xử lý các chất ô nhiễm. Đối với các hồ đã cải tạo kè đá, có xây dựng hệ thống nước thải nhưng chưa hoàn chỉnh như Hồ Tây, Trúc Bạch, Nghĩa Tân... Công ty thoát nước Hà Nội sẽ tiến hành khảo sát chi tiết, lên phương án tách nước thải hoàn toàn, nhằm cải thiện chất lượng môi trường nước hồ.