Ngày 10/5, tại Trung tâm Quản lý và Điều hành hỗ trợ chẩn đoán và điều trị bệnh nhân COVID-19, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị, Giám đốc Trung tâm Quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn, chẩn đoán, điều trị COVID-19 cùng Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Gia Bình, Tổ trưởng Tổ Hội chẩn chuyên môn chăm sóc, điều trị ca mắc COVID-19 diễn biến nặng, nguy kịch, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam tại điểm cầu Bạch Mai, đã điều hành buổi hội chẩn chẩn cho 4 bệnh nhân nặng đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) với các chuyên gia đầu ngành của cả nước.
Bốn bệnh nhân được hội chẩn gồm các ca số 3019, 3153, 3015, 3028. Tất cả đều trong tình trạng nặng, nhiều bệnh lý nặng đi kèm.
Trong đó, bệnh nhân 3019 (54 tuổi) có tiền sử tăng huyết áp nhiều năm không được điều trị thường xuyên, sỏi thận hai bên, suy thận mạn, đã từng mổ lấy sỏi thận trái, nội soi tán sỏi niệu quản, dẫn lưu thận… Bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở I từ ngày 9/4, sau đó được chuyển sang điều trị tại Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp thuộc cơ sở 2. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm hạch - tràn dịch màng phổi - phù phổi cấp, suy tim, suy thận mạn. Hiện tại, bệnh nhân đã được chạy ECMO ngày thứ 5, thở máy bảo vệ phổi và điều trị các bệnh lý đi kèm.
Đánh giá về tình trạng của bệnh nhân 3019, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Gia Bình liên hệ tới tình trạng của bệnh nhân 1536 với nhiều bệnh lý đi kèm được điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng trước đó và đề nghị các bác sĩ cần sàng lọc xác định lại căn nguyên gây hạch, chẩn đoán lao, kiểm soát để tránh nhiễm khuẩn, nhiễm nấm, tăng cường dinh dưỡng cũng như theo dõi sát diễn biến của bệnh.
Bệnh nhân 3153 (63 tuổi) được chẩn đoán viêm cột sống dính khớp hơn 10 năm, không được điều trị, gù vẹo cột sống trên 10 năm nay. Hai tháng nay, bệnh nhân sốt cơn 38-39 độ C, chủ yếu về chiều tối, không ho, không khó thở, đại tiểu tiện bình thường. Bệnh nhân đã được khám và điều trị 2 đợt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương. Bệnh nhân cắt sốt 3-5 ngày được cho ra viện, sau đó sốt lại với tính chất tương tự.
Hiện tại, bệnh nhân đang được thở máy, sử dụng kháng sinh, thuốc chống đông, chú trọng dinh dưỡng, phục hồi chức năng, tìm và điều trị nguyên nhân sốt kéo dài. Các bác sĩ ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 cho biết, rất khó cai thở máy đối với bệnh nhân này vì tình trạng gù vẹo cột sống, cổ gập ngắn, khó mở khí quản.
Về tình trạng sốt kéo dài của bệnh nhân, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Gia Bình khuyến cáo các đồng nghiệp cảnh giác với những ca bệnh nhiễm trùng cơ hội do tình trạng sử dụng corticoid kéo dài xuất phát từ việc người dân tự ý sử dụng thuốc hoặc một số đơn thuốc do bác sĩ kê thiếu thận trọng.
Đặc biệt, do bệnh nhân có tình trạng thiếu máu nhược sắc nên các chuyên gia đề nghị bệnh viện làm thêm xét nghiệm tủy đồ cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần được tăng cường dinh dưỡng và làm thêm các xét nghiệm chuyên biệt khác.
Bệnh nhân 3015 (54 tuổi) có tiền sử uống rượu nhiều năm với liều lượng 500ml/ngày và đã bỏ rượu 2 năm nay. Bệnh nhân còn bị xơ gan đã 2 năm. Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết do O. Anthropi/Xơ gan rượu.
Theo Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam Nguyễn Hồng Hà, bệnh nhân này ở trong tình trạng xơ gan và loét dạ dày, do đó cần các bác sĩ cân nhắc kiểm soát đông máu (có nguy cơ chảy máu cho gan, tiêu hoá). Bệnh nhân cần được theo dõi sát tình trạng sơ gan, tăng cường dinh dưỡng…
Bệnh nhân 3028 (70 tuổi) nhập viện ngày 3/4 trong tình trạng sốt kéo dài. Bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường trong 21 năm, được điều trị thuốc uống, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não di chứng yếu một nửa người ở bên trái.
Bệnh nhân sốt từng cơn, có cơn rét run, đau đầu nhiều khi sốt, không buồn nôn, không nôn, không ho, không khó thở. Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết/tăng huyết áp - đái tháo đường - nhiễm nấm cơ hội - viêm phổi - viêm xoang mạn tính - Sốt kéo dài. Kết quả xét nghiệm ngày 5/5 cho thấy, bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2, nhập Khoa Cấp cứu điều trị dược 5 ngày. Hiện tại, bệnh nhân sốt cao, suy hô hấp tăng phải đặt nội khí quản và được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực.
Đối với bệnh nhân này, các chuyên gia đề nghị bệnh viện xem xét đổi kháng sinh, thuốc chống nấm, cấy vi sinh tìm nguyên nhân sốt kéo dài, siêu âm tim, chụp thêm CT đánh giá những tổn thương và tăng cường thêm dinh dưỡng cho người bệnh.
Các chuyên gia đã hội chẩn rất kỹ đối với 4 bệnh nhân nặng có nhiều bệnh lý nền kèm theo. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê đánh giá cao sự nỗ lực của các bệnh viện trong công tác phòng, chống dịch và điều trị bệnh nhân COVID-19; mong các chuyên gia tiếp tục đồng hành trong nhiệm vụ này và trong công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng. “Những ca bệnh nặng, những nội dung khó sẽ được Trung tâm Quản lý và Điều hành hỗ trợ chẩn đoán và điều trị bệnh nhân COVID-19 điều phối và hội chẩn qua hệ thống Teleheath”.
Theo số liệu của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, diễn biến dịch đợt này có nhiều thay đổi so với những đợt trước. Trong số bệnh nhân đang được điều trị, số người không có triệu chứng lâm sàng chỉ còn 59,3% (ở đợt dịch trước là trên 80%). Số người có biểu hiện lâm sàng nhẹ lúc vào viện tăng lên 35,8%. Số có biểu hiện lâm sàng mức độ vừa (tiên lượng nặng) là 3,4%. Số bệnh nhân nặng là 1,4%, trong đó có một ca phải áp dụng ECMO (phương pháp “oxy hóa qua màng ngoài cơ thể”) tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Theo đánh giá của các chuyên gia, các bệnh nhân có diễn biến lâm sàng tăng nặng rất nhanh, áp lực đối với các bệnh viện đang phải điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 trong những ngày tới là rất nặng nề.