Tại hội nghị toàn quốc về công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn diễn ra sáng 23/3, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho rằng việc thực hiện các quyết định của Thủ tướng về đào tạo nghề cho lao động nông thôn thời gian qua gặp nhiều vướng mắc, từ trung ương đến địa phương.
Từ thực tế, có xã có tới 600 lao động cùng đăng ký học nghề hoạn lợn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đặt câu hỏi: Trường hợp này là đào tạo nghề thật, đi làm việc thật hay chỉ đánh chống ghi tên để lĩnh tiền chế độ?
Theo phản ánh của các địa phương, đào tạo nghề cho lao động nông thôn muốn phát huy hiệu quả phải đáp ứng được nhu cầu thực tế. Theo đại diện tỉnh Hà Giang, do địa bàn không có nhiều khu công nghiệp nên nhiều lao động sau đào tạo nghề cũng không xin được việc làm. Vì vậy, gần đây, có huyện có tới 4.000 -5.000 lao động qua biên giới mỗi năm.
Đại diện tỉnh Bến Tre cho biết, các địa phương vẫn thiếu cơ sở đào tạo nghề được đầu tư đầy đủ về trang thiết bị và đội ngũ giáo viên tốt. Vì vậy các địa phương rất cần hỗ trợ kinh phí xây dựng các mô hình, cần có thêm các chính sách hỗ trợ, phụ cấp thêm cho cán bộ, giảng viên làm công tác đào tạo nghề…
Theo Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (Đề án 1956), đến nay đã có trên 5 triệu lao động nông thôn được học nghề, trong đó gần 3,5 triệu lao động nông thôn được đào tạo, hỗ trợ (40% lao động nông thôn học nghề nông nghiệp, gần 60% học nghề phi nông nghiệp).
Để giải quyết những vướng mắc về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: Tới đây, sẽ phân rõ nhiệm vụ đào tạo nghề nông nghiệp là thuộc Bộ NN&PTNT, nghề phi nông nghiệp thuộc Bộ LĐTB&XH. Hai bộ sẽ cùng các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức từ lãnh đạo chính quyền đến người dân.
"Nội dung đào tạo nghề cần sát với nhu cầu thực tế của mỗi địa phương và nhu cầu của lao động. Công tác đào tạo nghề phải gắn với xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo bền vững”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.