Không còn xã dưới 5 tiêu chí
Tính đến tháng 6/2019, cả nước có 4.402 xã (đạt 49,38%) đạt chuẩn nông thôn mới, có 76 đơn vị cấp huyện thuộc 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn, hoàn thành xây dựng nông thôn mới; bình quân mỗi xã đạt 15,26 tiêu chí, không còn xã dưới 5 tiêu chí. Như vậy, đến tháng 6/2019, các kết quả đạt được đã hoàn thành và vượt các mục tiêu giai đoạn 5 năm 2016 - 2020, sớm hơn 1 năm so với kế hoạch của Quốc hội và Chính phủ.
Đặc biệt, 4 tỉnh Đồng Nai, Nam Định, Bình Dương và thành phố Đà Nẵng đã vươn lên thành 4 tỉnh, thành phố đầu tiên của cả nước có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Sau 10 năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với những cơ chế đầu tư ngày càng minh bạch, tỉnh Đồng Nai đã phát huy được vai trò làm chủ của người dân, các nguồn lực xây dựng nông thôn mới đã được huy động và sử dụng có hiệu quả. Những yếu tố trên đã đưa tỉnh Đồng Nai dẫn đầu trong xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, tỉnh Đồng Nai có 100% xã (133/133 xã) đạt chuẩn nông thôn mới; 11/11 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 19,5% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, vượt 4,5% chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 đạt 51,59 triệu đồng/người/năm, tăng 18,1% so với năm 2016;…
Ông Nguyễn Thái Hạ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết, tổng nguồn vốn đầu tư công trình hạ tầng của ngân sách cho khu vực nông thôn giai đoạn 2008 – 2018 chiếm gần 65% tổng vốn đầu tư từ ngân sách của toàn tỉnh, thể hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo huyện tập trung đầu tư khu vực nông thôn khá cao.
Bên cạnh nguồn vốn đầu tư hạ tầng nông thôn, trong 10 năm qua, tỉnh Đồng Nai đã tập trung kêu gọi đầu tư sản xuất và đã thu hút 831 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đầu tư trên 237.200 tỷ đồng vào địa bàn nông thôn, giải quyết được nhiều việc làm và góp phần tăng thu nhập cho người dân vùng nông thôn.
Đồng hành cùng các địa phương trong cả nước triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Bến Tre luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền và được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Nhờ đó, tại tỉnh Bến Tre, xây dựng nông thôn mới đạt nhiều thuận lợi, các tiêu chí đạt được tăng về số lượng lẫn chất lượng, một số tiêu chí hoàn thành sớm hơn so với tiến độ đề ra.
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng cho biết, tính đến tháng 6/2019, tỉnh Bến Tre đã có 43 xã đạt 19 tiêu chí và không có xã đạt dưới 5 tiêu chí, trung bình đạt 13,37 tiêu chí/xã. Tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình giai đoạn 2011 - 2020 đạt khoảng 12.400 tỷ đồng; trong đó, vốn đầu tư trực tiếp từ ngân sách nhà nước chiếm 36%, vốn lồng ghép từ các chương trình dự án khác chiếm 38%, vốn doanh nghiệp chiếm 14% và vốn do nhân dân đóng góp chiếm 12%. Đồng thời, để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, hiện nay, tỉnh Bến Tre đang tập trung vào xây dựng 4 tiêu chí là giao thông, thu nhập, môi trường và an ninh trật tự.
Dự kiến đến cuối năm 2019, tỉnh Bến Tre sẽ có 45 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; huyện Chợ Lách và thành phố Bến Tre cơ bản đạt các tiêu chí, chỉ tiêu huyện nông thôn mới và thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới để được công nhận vào năm 2020, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đã đề ra.
Xóa được nợ đọng xây dựng cơ bản
Một trong những giải pháp hiệu quả góp phần đạt được những kết quả quan trọng trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là sự huy động nguồn lực xã hội để thực hiện chương trình. Trong giai đoạn 2011 – 2015, điều kiện kinh tế cả nước còn khó khăn, ngân sách hạn hẹp, nhà nước vẫn ưu tiên hằng năm tăng nguồn lực đầu tư cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong 5 năm, cả nước đã huy động được khoảng 851.380 tỷ đồng đầu tư cho chương trình.
Chỉ trong 3 năm (từ năm 2016 - 2018) của giai đoạn 2, tổng nguồn lực huy động cho nông thôn mới là trên 900.493 tỷ đồng (vượt cả 5 năm của giai đoạn 1). Nhiều địa phương đã vận động, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất xi măng, khai thác đá, cát, sỏi... ủng hộ nguyên vật liệu xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn; cộng đồng và dân cư đóng góp gần 56.800 tỷ đồng.
Dự kiến năm 2019, cả nước có khả năng huy động được khoảng 367.856 tỷ đồng từ các nguồn lực để đầu tư thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Như vậy, tính chung cả 4 năm (từ năm 2016 - 2019) của giai đoạn 2, tổng nguồn vốn huy động cho xây dựng nông thôn mới đạt 1,27 triệu tỷ đồng (tương đương 54 tỷ USD), cao hơn 50% so với cả 5 năm của giai đoạn 1; trong đó, ngân sách Nhà nước các cấp bố trí trực tiếp cho chương trình là 173,6 nghìn tỷ đồng (tương đương 7,45 tỷ USD).
Ông Trần Thành Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, kết quả huy động nguồn lực đã góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vượt thời gian so với yêu cầu của Quốc hội. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng tính bền vững của chương trình đi vào chiều sâu khắc phục căn bản một số tồn tại hạn chế của giai đoạn 2011 – 2015; trong đó, dứt điểm xóa được nợ đọng xây dựng cơ bản trong chương trình.
Bên cạnh đó, cơ chế phân bổ nguồn lực của giai đoạn 2 cũng có những thay đổi đáng kể với việc ưu tiên bố trí nguồn vốn cho các xã khó khăn với hệ số cao gấp 4 - 5 lần so với các xã khác. Nhờ vậy, cả nước đã xóa được xã dưới 5 tiêu chí và giảm mạnh số xã dưới 10 tiêu chí. Ngành kế hoạch và đầu tư đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ giao vốn trung hạn cho cả 5 năm. Điều này giúp các địa phương chủ động cân đối các nguồn lực, ưu tiên hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm hằng năm, tránh dàn trải. Do vậy, các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã, các thôn được sớm hoàn thiện và đưa vào sử dụng, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình huy động và sử dụng vốn gặp phải những tồn tại: nguồn lực xây dựng nông thôn mới thời gian qua chủ yếu vẫn là nguồn đầu tư công và nguồn tín dụng. Mức độ tham gia của doanh nghiệp còn hạn chế. Việc chỉ đạo, điều hành sử dụng vốn của một số địa phương còn kém hiệu quả, dẫn đến tiến độ giải ngân hàng năm còn chậm, nhất là trong năm 2019.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu đề nghị, các đơn vị trong toàn ngành tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách đầu tư trong giai đoạn tới. Cụ thể là tiếp tục đơn giản hóa cơ chế đầu tư để người dân tham gia có thể nhiều hơn nữa, thực chất hơn nữa; hoàn thiện cơ chế để tăng cường tính công khai, minh bạch từ khâu lập kế hoạch, quyết định và thực hiện dự án đầu tư. Bên cạnh đó, nâng cao vai trò, hiệu quả trong giám sát của cộng đồng theo Luật Đầu tư công sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua tháng 6/2019.
Ngoài ra, huy động tối đa nguồn lực đầu tư từ ngân sách và xã hội để hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng vùng sâu, vùng xa, thu hẹp khoảng cách vùng miền; xây dựng cơ chế đảm bảo nguồn vốn duy tu, bảo trì, bảo dưỡng công trình sau đầu tư; chú trọng phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản với sự dẫn dắt của doanh nghiệp; đưa doanh nghiệp trở thành động lực để phát triển nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng cao hơn cho người sản xuất.
Nhân dịp này Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho 3 tập thể và 2 cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong công tác chung sức xây dựng nông thôn mới; Bộ Kế hoạch và Đầu tư tặng cờ thi đua cấp bộ cho 17 tập thể và bằng khen cho 42 tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2020.