Theo UBND tỉnh Cà Mau, kết quả quan trắc thời gian qua cho thấy, trong 2 ngày đầu tháng 4/2024, ở tỉnh xuất hiện mưa trái mùa cục bộ với lượng mưa nhỏ đến vừa, thời gian còn lại không mưa, ngày nắng. Tổng lượng mưa tại các trạm đo ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 75 - 100%, ở mức thấp hơn cùng thời kỳ năm 2023 từ 12 - 155%. Riêng một số nơi xuất hiện mưa trái mùa cao hơn trung bình nhiều năm từ 46 - 126%. Mực nước trên các kênh, rạch trong vùng ngọt hóa huyện U Minh xuống mức thấp; hầu hết các tuyến kênh, rạch trong vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời đã khô cạn.
Dự báo từ ngày 11-20/4, tại Cà Mau có khả năng xuất hiện mưa trái mùa cục bộ ở diện hẹp với lượng mưa nhỏ. Tổng lượng mưa tại các địa phương ở mức thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và thấp hơn trung bình nhiều năm từ 80 - 100%. Mực nước trên các kênh, rạch trong vùng ngọt hóa huyện U Minh tiếp tục xuống thấp, một số kênh, rạch nhỏ sẽ khô cạn. Tại huyện Trần Văn Thời, một số kênh lớn còn nước sẽ dần khô cạn. Tình hình hạn hán ở Cà Mau còn tiếp tục kéo dài đến hết tháng 4/2024 và đầu tháng 5/2024. Đến nửa cuối tháng 5 mới có khả năng xuất hiện mưa dông chuyển mùa và mùa mưa năm 2024.
Thời gian qua, hạn hán gây ảnh hưởng nặng nhất tại các huyện Trần Văn Thời và U Minh. Trong khi đó, ở huyện Trần Văn Thời xuất hiện 601 điểm sụt lún, sạt lở nằm trên 132 tuyến kênh với tổng chiều dài 15.890 mét. Khả năng còn tiếp tục xuất hiện thêm các điểm sụt lún đất, sạt lở bờ kênh, đường lộ giao thông trong vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời, U Minh, làm hư hỏng kết cấu, mặt đường lộ giao thông, gây khó khăn cho giao thương hàng hóa và đi lại của người dân. Mực nước trên các kênh, rạch còn nước trong vùng ngọt hóa của huyện Trần Văn Thời, U Minh tiếp tục xuống mức thấp, khả năng thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Thêm nữa, tại nhiều địa phương trong tỉnh xảy ra tình trạng nước ngọt phục vụ đời sống của người dân.
Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đề nghị các sở, ngành, đơn vị, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến và dự báo thời tiết, khí tượng, thủy văn, cập nhật phương án, kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với điều kiện thực tế. Các cơ quan liên quan triển khai kịp thời, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Khi xảy ra thiếu nước, không bảo đảm cung cấp đủ nhu cầu sử dụng, phải ưu tiên cấp đủ nước sinh hoạt.
Địa phương cần có biện pháp khẩn cấp để ứng dụng ngay, khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra. Cơ quan chức năng xác định các khu vực khó khăn về nguồn nước sinh hoạt, triển khai giải pháp phục vụ cấp, trữ nước và xử lý nước cho các hộ gia đình. Cụ thể là thiết lập các điểm cấp nước tập trung, hỗ trợ dụng cụ chứa, bồn chứa, hóa chất xử lý nước, vận chuyển nước ngọt từ nơi khác đến...; mở rộng mạng đường ống cấp nước các công trình hiện có để đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân, tuyệt đối không để người dân thiếu nước sinh hoạt.
UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo tập trung rà soát các tuyến giao thông ven sông, kênh, rạch có nguy cơ sạt lở, sụt lún, để lắp đặt các biển cảnh báo, triển khai các biện pháp phù hợp nhằm giảm tối đa thiệt hại. Các địa phương huy động nhân dân tham gia phòng, chống thiệt hại do sụt lún, sạt lở đất và khắc phục những vị trí có nguy cơ đe dọa an toàn của người và phương tiện trong quá trình lưu thông. Đồng thời rà soát, cập nhật kế hoạch, phương án sản xuất phù hợp với diễn biến thời tiết; khuyến cáo người dân sản xuất đúng lịch mùa vụ, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.