Bộ Y tế tổ chức Hội nghị phòng chống dịch bệnh mùa mưa lũ và sốt xuất huyết. |
Diễn biến phức tạp
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại Hội nghị trực tuyến phòng chống dịch mùa mưa lũ và sốt xuất huyết do Bộ Y tế tổ chức ngày 24/7 tại Hà Nội.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, cả nước có gần 59.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 61 tỉnh, thành phố. Các tỉnh thành phố có tỷ lệ người mắc cao như: Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Dương, Trà Vinh…
Riêng tại Hà Nội, từ đầu tháng 7 đến nay đã ghi nhận gần 6.700 bệnh nhân sốt xuất huyết, trong đó gần 90% bệnh nhân đã khỏi bệnh, 3 trường hợp tử vong. Các khu vực có số người mắc bệnh cao là quận Đống Đa (1.407 người), Hoàng Mai (1.344 người), Hai Bà Trưng (508 người), Thanh Xuân (402 người) ...
Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục y tế dự phòng: Dự báo dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Năm nay, mùa nóng kéo dài do nhuận 2 tháng 6 âm lịch, sẽ tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi phát triển rất mạnh. Nếu không triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp thì khó khống chế dịch bệnh.
Cũng theo ông Phu, năm nay sốt xuất huyết diễn biến bất thường, mặc dù không rơi vào năm chu kỳ bùng phát dịch nhưng số người mắc bệnh cao, dịch xuất hiện sớm từ tháng 4 và ngày càng gia tăng. Dự báo dịch sẽ còn kéo dài đến năm 2018.
Hiểu để phòng bệnh
“Quan trọng nhất là phải để người dân nhận diện được loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết là muỗi ades và triệt để xử lý các nguồn sinh sôi của loại muỗi này mới có thể dập tắt dịch. Muỗi ades có vằn trắng và đen, chủ yếu đốt người và truyền bệnh vào khoảng thời gian từ 8 - 10 giờ sáng. Loại muỗi vằn ades chỉ đẻ trứng ở môi trường nước sạch nên các gia đình phải chủ động tìm kiếm và lật úp các dụng cụ có chứa đựng nước sạch để muỗi không còn chỗ sinh sôi. Đây là những hiểu biết cơ bản mà mỗi người dân cần phải nắm rõ để phối hợp thực hiện phòng dịch hiệu quả”, Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh.
Việc chủ động thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng bọ gậy được xem là biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả nhất.
Theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, tính đến ngay 21/7, Hà Nội đã thực hiện 531 chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bị gậy tại các nơi có ổ dịch, thả gần 60.000 con cá diệt bọ gậy. Xử lý 876 ổ dịch nhỏ tại các tổ dân phố, 56 chiến dịch phun hoá chất diệt bọ gậy bằng máy phun cỡ lớn vào ban đêm tại những nơi trọng điểm có bệnh nhân mắc bệnh. Hiện đã có 86% số hộ gia đình được phun hoá chất diệt muỗi, chỉ có 5% số hộ không đồng ý, 9% số hộ đi vắng.
Bên cạnh đẩy mạnh các chiến dịch phòng bệnh, khâu điều trị tại các bệnh viện cũng cần được đẩy mạnh.
Bộ Y tế đang triển khai không để người bệnh dồn hết lên tuyến trên gây quá tải, nhiễm chéo. Vừa qua có trường hợp tử vong là do chuyển tuyến nhiều, bị sốc không điều trị kịp. Việc tổ chức điều trị đúng tuyến để phân loại bệnh nhân là rất cần thiết. Với người bệnh bị nặng ở mức độ nặng 3- 4 cần phải lọc máu và các biện pháp đặc biệt khác mới phải chuyển lên tuyến cuối để điều trị.
Theo bà Tiến, Bộ Y tế đang chỉ đạo các bệnh viện phải tiến hành sàng lọc khi tiếp nhận bệnh nhân, các trường hợp nặng mới chuyển sang cấp cứu, còn nhẹ chỉ điều trị giảm sốt. Nếu bệnh nhân nào cũng nằm viện thì sẽ không thể kiểm soát được hết các trường hợp dẫn đến tăng tỷ lệ tử vong, lây truyền chéo rất nguy hiểm. Để thực hiện phân tuyến hiệu quả, các bệnh viện phải tiến hành chuyển giao kỹ thuật, tập huấn cho các bệnh viện tuyến dưới về phác đồ điều trị, luôn sẵn sàng thuốc và phương án đối phó khi có nhiều bệnh nhân đến khám và nhập viện.
“Chúng tôi đã chỉ đạo các bệnh viện không được để quá tải, nằm ghép; phải phân loại bệnh nhân, phân tuyến cụ thể. Bộ Y tế quyết tâm không để dịch lan rộng và không để tiếp tục xảy ra tử vong”, bà Tiến khẳng định.