Trước tình hình đó, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình trên các tuyến biên giới luôn bám sát địa bàn, sẵn sàng lực lượng, phương tiện làm nhiệm vụ, hỗ trợ nhân dân ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”.
Các đơn vị biên phòng trên hai tuyến biên giới biển và đất liền của tỉnh đã kiểm tra các điểm, đường có nguy cơ sạt lở, ngập lụt, lập rào chắn, tuyên truyền và ngăn người dân, phương tiện không lưu thông qua khu vực nguy hiểm đảm bảo an toàn.
Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng với chính quyền địa phương hỗ trợ, vận động di dời, sơ tán các hộ dân sống ở các khu vực có nguy cơ sạt lở đến nơi cao, an toàn. Các đồn cũng chủ động nguồn lương thực, thuốc men đảm bảo không để nhân dân bị đói, rét khi xảy ra ngập lụt.
Theo Thượng tá Phạm Minh Dũng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ra Mai (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình), tại các ngầm Cô Pi, Hà Nông, Tô Cổ thuộc xã Trọng Hóa (huyện Minh Hóa) nước dâng cao, chảy xiết rất nguy hiểm; ngầm vào Bản Hà và một số vùng thấp của xã Thanh Hóa (huyện Tuyên Hóa) nước ngập mặt đường; một số đoạn đường có nguy cơ bị sạt lở… Đồn Biên phòng Ra Mai đã kịp thời phối hợp với chính quyền địa phương và triển khai 4 tổ với 12 cán bộ, chiến sĩ đã kiểm tra, rà soát các khu vực, điểm có nguy cơ ngập lụt, sạt lở, lũ ống lũ quét xảy ra để tuyên truyền, vận động di dời dân đến nơi an toàn, cắm biển cảnh báo để người dân chủ động phòng, tránh; cùng các Trưởng bản, già làng tuyên truyền, vận động, ngăn cấm bà con không đi rừng, xúc cá, nhặt củi ở các khe suối khi mưa lũ về. Đồn cũng cắt cử cán bộ, chiến sỹ thường trực tại các điểm xung yếu, có nguy cơ xảy ra ngập lụt để giúp đỡ nhân dân chống lũ; dự trữ 6 tấn lương thực bảo đảm cho cán bộ, chiến sỹ đơn vị và nhân dân khi xảy ra ngập lụt, chia cắt.
Tại khu vực biên giới xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh), người dân tại các thôn, bản trong xã, đặc biệt là các trường hợp thuộc hộ gia đình chính sách, người già, neo đơn… đã được các cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Làng Mô đồng hành, giúp đỡ triển khai các phương án phòng, chống mưa lũ.
Bà Nguyễn Thị Hồng (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh) cho biết: “Gia đình tôi neo đơn, khó khăn, nên khi nghe thông tin bão, mưa lũ xảy ra, tôi rất lo. Tuy nhiên, trong khó khăn Đồn Biên phòng Làng Mô đã luôn quan tâm, bố trí cán bộ, chiến sỹ về hỗ trợ chằng chống nhà cửa, kê cao vật dụng, tuyên truyền các phương án phòng, chống thiên tai nên tôi rất yên tâm”.
Trên tuyến biên giới biển, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình cũng đã bố trí lực lượng bám nắm tại các âu thuyền, cảng cá, khu neo đậu, phối hợp với các lực lượng, đơn vị chức năng sắp xếp, hướng dẫn, hỗ trợ tàu, thuyền neo buộc, chằng chống phương tiện, tránh thiệt hại xảy ra khi mưa lũ xảy ra.
Tại Quảng Bình khoảng 6.700 tàu, thuyền đã được hướng dẫn vào nơi trú đậu an toàn. Các đồn biên phòng cũng duy trì lực lượng, phương tiện, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình, cho biết: Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã chủ động rà soát, bổ sung các kế hoạch, phương án, tập trung vào phòng, chống lũ lụt gây chia cắt, sạt lở; đảm bảo an toàn cho các tổ, chốt, khu vực cửa khẩu trên biên giới và các khu cách ly do Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đảm nhiệm. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng chỉ đạo các đồn, đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương rà soát lại các nơi xung yếu để tổ chức di dời, sơ tán nhân dân đến nơi an toàn; vận chuyển lương thực lên các đồn biên phòng để chủ động, sẵn sàng ứng cứu khi bị chia cắt dài ngày.