Ngày nào cũng đỏ lửa, nghi ngút khói, ngày nào cũng tấp nập như tết sắp về, đó là không khí ở một làng nghề cách thành phố Thái Nguyên khoảng 7km. Thuộc xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) nằm dọc hai bên quốc lộ 3 Hà Nội- Thái Nguyên- Bắc Kạn, Bờ Đậu là làng bánh chưng nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn được bè bạn nước ngoài ưa chuộng đã tồn tại và phát triển từ những năm 80 đến nay.
Thương hiệu vượt thời gian
Chúng tôi đến thăm Bờ Đậu vào những ngày của tháng 2 Âm lịch. Khi đến đầu làng, chúng tôi đã thấy không khí khác hẳn. Ngôi làng như ấm hẳn lên bởi lúc nào, giờ nào, ở Bờ Đậu cũng đều có bếp lửa đỏ rực để luộc bánh. Ở đầu làng, tỉnh Thái Nguyên đã cho gắn biển báo làng bánh chưng. Thương hiệu làng nghề đã được UBND tỉnh Thái Nguyên công nhận.
Bảng báo địa danh làng bánh chưng Bờ Đậu. |
Cụ bà Nguyễn Thị Tâm, người làm nghề gói bánh chưng đầu tiên ở Bờ Đậu, đến nay đã theo nghề gần 30 năm, cho biết: “Khi xưa, Bờ Đậu còn hoang vu và nghèo lắm, đói kém và loạn lạc nhưng dân làng chúng tôi vẫn giữ được nghề của cha ông, không bỏ một ngày nào. Lúc đầu, làng nghề này chỉ có một hai nhà làm bánh chưng nhưng dần dần mọi nhà đều làm bánh bán cho khách thập phương”.
Bằng công nhận làng nghề bánh chưng Bờ Đậu. |
Nghề này, lãi chẳng được là bao nhưng người dân làng Bờ Đậu lâu nay vẫn bền bỉ với những chiếc bánh chưng xanh. Tuy vất vả sớm hôm nhưng họ thấy vui và tự hào vì đã giữ được một nghề truyền thống không chỉ của riêng Bờ Đậu mà của cả cư dân đất Việt.
Theo ông Nguyễn Văn Luận, Trưởng thôn Bờ Đậu thì làng bánh chưng này đã có từ những năm 80 của thế kỷ 20 và phát triển, tồn tại cho đến ngày nay. Hiện cả làng có gần 100 hộ dân theo nghề làm bánh chưng và mưu sinh bằng công việc này.
Gói không cần khuôn mà chiếc bánh vẫn vuông vức. |
Gia đình anh Bùi Văn Bình “nối nghiệp” làm bánh chưng đến nay là đời thứ 3 rồi, ngày nào cũng tấp nập bánh trái. Công việc xoay đi xoay lại là gói bánh và mua các nguyên liệu phục vụ cho gói bánh. Anh Bình cho biết, gia đình anh có 4 người và nhờ thêm 3 người nữa hàng ngày gói bánh cho kịp bán. Thu nhập từ làm bánh chưng cũng kha khá, đủ trang trải cho cuộc sống.
Muốn có bánh ngon, người dân làng Bờ Đậu phải lên mãi Na Rì (Bắc Kạn), Chiêm Hóa (Tuyên Quang), Định Hóa (Thái Nguyên) để mua gạo nếp về. Thứ gạo nương ngon, dẻo, hạt mẩy tròn, trắng tinh được họ lựa chọn về gói bánh. Lá gói bánh phải là lá rong to bản, tươi, màu xanh ngắt, rửa sạch bóng, được ngắt từ những đỉnh núi cao của Định Hóa, nước luộc bánh chưng phải là nước suối nguồn lấy từ trên núi đá phía sau làng Bờ Đậu.
Khâu chuẩn bị lá cũng cẩn thận. |
Nguyên liệu đủ chưa thể cho bánh ngon mà còn ở cách chế biến. Gạo gói bánh được ngâm, đãi, lọc qua ba lần nước, sau đó để ráo. Đỗ làm nhân bánh phải là đậu xanh nguyên lõi được đãi sạch và đồ chín sau đó nắm tròn thành từng chiếc nhỏ cho từng cái bánh. Nhân thịt lợn là thịt ba rọi tươi, luộc mềm và thái dày, trộn hạt tiêu Bắc. Chúng tôi thắc mắc tại sao lại không gói bằng đậu và thịt sống, người dân ở đây bảo như thế bánh sẽ nhanh ôi thiu dưới nhiệt độ hanh nồm. Thế mới biết vì sao bánh chưng Bờ Đậu để được tới 4- 5 ngày mà vẫn dẻo thơm.
Gạo gói bánh được ngâm và đãi rất cẩn thận. |
Thịt cũng được thái và chọn lọc cẩn thận |
Người Bờ Đậu gói bánh chưng chẳng cần khuôn vậy mà bánh vẫn vuông vắn, cái nào cũng giống nhau như cùng một khuôn. Chúng tôi ngạc nhiên hỏi một bác đã cao tuổi ngồi gói bánh: “Thế bác không cần khuôn à?”, bác nhoẻn miệng cười, giơ hai bàn tay lên và nói: “ Khuôn đây chứ đâu nữa”. Thế mới biết, sự dẻo dai, khéo léo của bàn tay đã làm nên sự vuông vức cho chiếc bánh chưng ở Bờ Đậu. Ngay cả khâu nắm nhân bánh cũng phải khéo lắm mới đều đặn được. Chỉ cần hơn một chút nhân, người làm bánh cũng phải bỏ bớt đi cho mọi cái được đều nhau. Miếng thịt nửa nạc, nửa mỡ được luộc mềm, thái to bản được gập đôi nhét vào giữa lòng đỗ vàng ươm.
Làm nhân bánh trước khi gói. |
Sau khi bánh được gói xong, người ta dùng những nồi phi rất to để luộc bánh. Nước luộc bánh được lấy từ suối trên núi đá về. Họ bảo, phải luộc bằng nước này thì bánh mới xanh và thơm ngon. Đúng vậy, nếu có gia đình nào sơ ý luộc bằng nước giếng, bánh sẽ bị vàng và chín không đều. Người ta luộc bánh cả đêm và bổ sung nước rất đều đặn cho bánh được chín đều. Thời gian 8-10 tiếng đủ cho bánh chín dền từ trong lõi ra ngoài, thịt mỡ ngấm đều ra thân bánh tạo độ béo ngậy.
Vuông vắn những chiếc bánh Bờ Đậu. |
Chiều nào cũng vậy, những hộ dân ở hai bên đường làng Bờ Đậu lại đồng loạt gói bánh, cảnh lao động tràn đầy sức sống và niềm vui. Đâu đâu cũng xanh tươi một màu của lá rong, trắng mẩy của hạt gạo nếp, vàng ươm của đậu xanh. Rồi tối đến, những nồi phi to được đưa lên bếp than đỏ rực, sôi sình sịch cả đêm. Sáng hôm sau, những mẻ bánh thơm lừng được vớt ra. Cứ như thế, nhịp sống ở Bờ Đậu từ lâu vẫn theo làn khói nghi ngút của những nồi bánh chưng mà đi lên.
Và chuyện giữ nghề!
Anh Nguyễn Đức Cảnh, chủ một nhà hàng bánh chưng cho biết, mỗi ngày gia đình anh gói và bán hơn 200 cái bánh. Ngày tết, phải gói tới hơn 1.000 cái mà vẫn không đủ. Chúng tôi hỏi anh: “Thế lãi được bao nhiêu từ mỗi cái bánh”. Anh vừa cười vừa trả lời: “Chỉ được hơn 2.000 đồng một cái thôi anh ạ”. Chúng tôi lại hỏi, bây giờ nhiều nghề còn kiếm được nhiều tiền hơn, vậy anh có ý định đổi nghề không? “Không” là câu trả lời dứt khoát của anh.
Hàng ngày, người dân Bờ Đậu bày bán bánh ở ven đường hoặc hợp đồng với đám cưới, hội hè nên khá bận rộn. Người qua đường từ Hà Nội, Cao Bằng, Tuyên Quang qua Bờ Đậu không quên dừng lại mua vài cái bánh chưng về làm quà. Ngày tết thì đông hơn bởi các chủ nhà hàng ở Hà Nội lên đặt hàng số lượng bánh khá nhiều để phục vụ tết. Chị Nguyễn Thị Hoa, cán bộ địa chất ở Hà Nội cho biết: “ Mỗi lần qua Bờ Đậu, tôi thường dừng lại mua mấy chiếc bánh chưng về Hà Nội làm quà, bánh ở đây ngon và khó quên lắm”.
Không chỉ có thương hiệu ở trong nước, bánh chưng làng Bờ Đậu còn được Việt kiều ở nước ngoài ưa chuộng vào mỗi dịp tết. Theo những người dân ở đây, trước Tết Nguyên đán hàng năm, Việt kiều đặt hàng ngàn chiếc bánh để mang sang phục vụ cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Chúng tôi hỏi một số người gói bánh ở đây rằng hiện nay người ta thường dùng pin hoặc hóa chất để làm cho bánh xanh lên, nhanh chín mà lại dẻo nữa, vậy “các bác có làm thế không”. Một bác cao tuổi trả lời: “Làm thế chẳng khác nào chúng tôi tự đánh mất mình”. Câu trả lời ngắn gọn nhưng đầy ẩn ý của người thợ làm bánh giúp chúng tôi nghĩ về một thương hiệu bánh chưng Bờ Đậu bền vững.
Hỏi về chuyện truyền nghề làm bánh chưng ở đây, người dân Bờ Đậu chỉ cười và trả lời rất đơn giản rằng, chẳng có bí quyết gì mà chỉ là hay làm thì quen thôi. Bọn trẻ ở Bờ Đậu ngoài giờ học, chúng giúp gia đình gói bánh, gói cùng người lớn nên dần dần sẽ biết làm và thành thạo. Vì thế mà việc gói bánh ở Bờ Đậu không chỉ là công việc đơn thuần mà còn là sự say mê. Ngồi nói chuyện với mấy bác đang gói bánh một lúc, chúng tôi thấy có 3-4 người phụ nữ chừng hơn 50 tuổi đến gói cùng. Cứ ngỡ người làm thuê nhưng theo lời chủ nhà thì chiều nào họ cũng đến gói giúp bánh như thế vì họ rất say mê nghề này.
Nguyễn Thế