Khi những cánh quạt đầu tiên của nhà máy điện gió, còn gọi là phong điện Tuy Phong (Bình Thuận) đưa nguồn điện hòa vào mạng lưới điện quốc gia, đó cũng là thời điểm khẳng định sự thành công của việc biến “gió trời” thành nguồn năng lượng sạch, xóa đi mối nghi ngờ của những người cho rằng dự án này không khả thi tại Việt Nam .
Đây cũng là dự án phong điện đầu tiên tại Việt Nam có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Tuy Phong được biết đến là nơi “thiếu mưa thừa nắng gió”, cây cối khô cằn quanh năm. Những vùng đất cằn bỏ hoang chạy dài, trụ lại nơi đây là những cây xương rồng già nua xơ xác…Tuy vậy, nơi đây lại là vị trí đắc địa để xây dựng phong điện bởi lượng gió khá dồi dào mà chưa được khai thác nhiều năm qua. Đó chính là lý do khiến các nhà đầu tư chọn Tuy Phong làm địa điểm xây dựng nhà máy phong điện, bất chấp việc đầu tư nơi đây mất khá nhiều công sức...
Nằm bên quốc lộ 1A, cách bờ biển khoảng 500m, Nhà máy điện gió Tuy Phong do Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo VN (REVN) đầu tư xây dựng với tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng. Dự án này gồm hai giai đoạn với tổng công suất 120 MW, trong đó giai đoạn một có công suất 30 MW (hoàn thành đầu năm 2011). 20 tua-bin gió đầu tiên đã hoàn thành lắp đặt vận hành để phát điện. Với công suất mỗi tua-bin là 1,5 MW, đến nay sản lượng điện gió được tạo ra và đã hòa vào lưới điện quốc gia hơn 10 triệu kWh. Nhà đầu tư cũng đã chuẩn bị xong các thủ tục để thực hiện giai đoạn hai có công suất 90 MW, dự kiến đến giữa năm 2012 sẽ hoàn thành toàn bộ dự án.
Ngoài các yếu tố về kỹ thuật, điều kiện tiên quyết để có thể triển khai thực hiện các dự án điện gió là phải có nguồn gió dồi dào và quỹ đất tương đối lớn. Gió ở Bình Thuận có quanh năm, với tốc độ trung bình khoảng 6 m/giây, hơn nữa tần suất bão lại thấp. Phía đông nam tỉnh Bình Thuận còn vùng đồi cát ven biển rộng hơn 50 nghìn ha chưa sử dụng. Theo khảo sát mới đây, công suất tiềm năng điện gió của toàn tỉnh có thể lên đến 5.000 MW và khả năng khai thác có hiệu quả ngay trong điều kiện hiện nay khoảng 1.500 MW.
Ông Trần Văn Nhựt, Giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận phân tích, mỗi cột điện gió có chiều cao 85 m, đường kính cánh quạt 77 m, tổng trọng lượng tua-bin và cột là 255 tấn. Theo thiết kế, với tốc độ gió 3m/giây thì cánh quạt khởi động, tua-bin sẽ phát điện. Trong khi đó, tốc độ gió trung bình ở khu vực Tuy Phong lên đến hơn 6,5m/giây. Đây là điều kiện vô cùng lý tưởng để phát triển điện gió.
Từ cột tháp điện gió thứ 6 trở về sau thuộc dự án do Việt Nam (Công ty UBI-TOWER tại Hải Dương) gia công chế tạo với thiết bị và công nghệ được nhập khẩu và chuyển giao từ các nước tiên tiến trên thế giới. Chất lượng của các trụ tháp đã được các chuyên gia của Tập đoàn Fuhrlander xác nhận và sử dụng cho toàn dự án. Đây là điều đáng mừng bởi sẽ giảm được khoảng 30% chi phí so với cột tháp nhập khẩu từ nước ngoài.
Bên cạnh đó, việc đầu tư nhà máy phong điện chủ yếu sử dụng đất hoang hóa, hầu như không đụng đến diện tích đất sản xuất trên địa bàn mà lại tạo ra việc làm cũng như dịch vụ ăn theo, do đó chính quyền và người dân rất đồng thuận. Ông Nhựt cho biết: Chúng tôi chỉ chọn lựa, ưu tiên các nhà đầu tư vào những vị trí đất khô cằn, không ảnh hưởng đến đất lúa, hoa màu của người dân. Nếu các nhà đầu tư đạt được những yêu cầu này, chúng tôi sẽ ưu tiên và giải quyết thủ tục nhanh nhất.
Trong dự án Nhà máy phong điện 1, diện tích đất chiếm dụng chỉ 150ha/1.500 ha quy hoạch, trong đó có 20% đất nông nghiệp nhưng đã bỏ hoang vì khô cằn, không thể trồng trọt. Dù vậy, người dân vẫn được chủ đầu tư hỗ trợ tiền khi làm dự án. Mặt khác, nếu khai thác hợp lý các dự án phong điện trên địa bàn, thì không chỉ tạo ra lợi ích quốc gia mà còn giúp kinh tế địa phương phát triển, trước tiên là du lịch.
Thực tế, sau khi 80 trụ quạt gió của dự án phong điện 1 và hàng chục trụ của dự án phong điện 2 được xây dựng lên, nơi đây sẽ trở thành quần thể du lịch phục vụ cho du khách, kết hợp với tắm biển, tham quan thắng cảnh…Vì vậy, trong quy hoạch phát triển du lịch với tầm nhìn 2015-2020, UBND huyện Tuy Phong đã đề xuất nâng diện tích lên trên 1.000 ha để công nhận thành khu du lịch, thay vì điểm du lịch như hiện nay để có mức đầu tư xứng tầm hơn.