Bảo vệ trẻ em khỏi nạn bạo hành, lạm dụng

Thời gian gần đây, liên tục xảy ra các vụ việc bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em gây bức xúc trong dư luận xã hội, khiến trẻ phải gánh chịu hậu quả về lâu dài.

Nhiều vụ việc phức tạp


Từ năm 2017 trở lại đây liên tục diễn ra các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em. Theo thống kê, tháng nào, cơ quan chức năng cũng ghi nhận về những vụ bạo hành, xâm hại trẻ em. Đơn cử như vụ trình báo của một cậu bé 10 tuổi (Cầu Giấy, Hà Nội) về việc bố bắt nghỉ học, bị đánh liên tục, làm công việc người lớn và phải nhịn đói thường xuyên. Gần đây nhất, vụ một tài khoản facebook có tên T.D tố cáo anh rể đánh đập trong nhiều năm liền thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận.

Trẻ em lên tiếng bảo vệ quyền lợi tại Diễn đàn trẻ em quốc gia. Ảnh: Nguyễn Thủy

Có thể kể đến những vụ việc bạo hành trẻ em gần đây nhất như cô giáo bạo hành trẻ diễn ra tại lớp Lá 1, trường mầm non 30 - 4, phường Bến Nghé, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Sự việc được đưa ra truyền thông khi chính giáo viên trong trường phản ánh vì quá xót xa trước cảnh trẻ bị đánh hàng ngày. Và tuần qua, vụ việc thương tâm xảy ra tại nhóm trẻ độc lập tư thục Mẹ Mười trên đường Thái Thị Bôi, phường Chính Gián, thành phố Đà Nẵng tiếp tục là hồi chuông gióng lên về tình trạng bạo hành trong nhóm trẻ tư thục. Vụ việc chỉ được phát hiện khi một clip ghi lại những hình ảnh bạo hành trẻ đầy thương tâm lan truyền trên mạng xã hội. Nhóm trẻ đã bị đóng cửa nhưng dư âm hình ảnh bé trai trong clip bị bảo mẫu ném chiếc khăn lên mặt, vừa tát vừa mắng vừa nhét thức ăn vào miệng cháu mặc cho tiếng kêu khóc thảm thiết của cháu bé để lại sự nhức nhối trong lòng mỗi người khi gián tiếp biết đến sự việc.


Chưa hết, bên cạnh những bạo hành này nhiều vụ việc bạo lực trong nhà trường đã được đưa ra truyền thông. Trước đây là những vụ bạo lực thường rơi vào nam sinh, nay là cả vụ việc với các nữ sinh với tình huống là đánh hội đồng. Điều đáng nói là thái độ hờ hững, vô tâm của những học sinh chứng kiến đứng xem, ghi hình cổ súy thay vì can ngăn hành vi đáng lên án này.


Chuyện lạm dụng tình dục trẻ em cũng đã có vụ việc chờ đến phán quyết của tòa án, nhưng phán quyết này lại càng khiến dư luận bức xúc. Đó là trường hợp của bị cáo Nguyễn Khắc Thủy vừa được Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tuyên 18 tháng tù treo về tội dâm ô trẻ em. Nhiều ý kiến cho rằng bản án như vậy quá nhẹ, không đủ sức răn đe.


Bày tỏ sự bức xúc trước các sự việc, TS Vũ Thu Hương, ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: Nhiều trẻ bị bạo hành tàn bạo nhưng nhiều người vẫn bênh vực và coi đó là bình thường. Trẻ học kém hay hư hỗn cũng được coi là lý do hợp lý để đứa trẻ bị bạo hành. Trẻ chán ăn, ghét đồ ăn cũng là một lý do để họ đánh đập, hành hạ. Những sang chấn tâm lý này để lại suốt đời của trẻ.


Theo thống kê của Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2017, toàn quốc xảy ra 1.592 vụ xâm hại trẻ em, so với năm 2016 giảm 49 vụ; 1.642 trẻ em bị xâm hại trong đó trẻ em bị bạo lực: 245 em, giảm 171 em so với năm 2016; nhưng trẻ em bị xâm hại tình dục: 1.397 em, so với năm 2016 tăng 186 trẻ.

Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đặng Hoa Nam cũng cho biết: “Tình hình trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục đang diễn ra phức tạp, nghiêm trọng. Đối với các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em không chỉ ở Việt Nam mà các quốc gia khác đang là thách thức với cơ quan pháp luật và tố tụng. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của các vụ việc vụ án nên hầu hết diễn ra chỉ có thủ phạm và nạn nhân. Điều đáng buồn là đa số những người xâm hại trẻ em lại là người thân”.


Chính quyền cơ sở vào cuộc

Theo Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì ngày 1/6/2017, Luật Trẻ em 2016 chính thức có hiệu lực là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ chăm sóc trẻ em. Chính phủ ban hành Nghị định số 56/2017/NĐ - CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em và Chỉ thị số 18/CT - TTg về việc tăng cường các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em... “Hành lang pháp lý cơ bản đã có nhưng thực tế cần sự vào cuộc quyết liệt của địa phương”, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, cho biết.


Do đó, ngay sau khi Luật Trẻ em có hiệu lực, Cục Trẻ em đã phổ biến các nội dung của Luật Trẻ em và Nghị định 56/2017/NĐ - CP cho 63 tỉnh, thành. Lãnh đạo Cục đã trực tiếp phổ biến luật, nghị định cho một số địa phương: Hưng Yên, Bắc Kạn, Bình Định, Yên Bái, Đồng Nai, Tây Ninh, Lào Cai, Hưng Yên, Thái Nguyên, Điện Biên và một số tổ chức hội... Hiện Cục đã hoàn thành bộ tài liệu tập huấn các nội dung liên quan đến công tác trẻ em.


Bên cạnh đó, ông Đặng Hoa Nam cho biết: Cục Trẻ em có đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em đã tiếp nhận 370.556 cuộc gọi đến trong năm 2017. Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em đã được nâng cấp thành tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em với số ngắn 111, gồm 1 tổng đài chính tại Hà Nội và 2 trung tâm vùng tại Đà Nẵng và An Giang chính thức khai trương vào ngày 6/12/2017.


Mặc dù đã có những hành lang pháp lý  nhưng trước những diễn biến phức tạp của tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em cho rằng phải cấp bách sửa đổi, bổ sung một số quy định pháp luật để một số vụ việc được đưa ra xét xử nghiêm minh các thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em. Ví dụ, cần sửa đổi bổ sung kịp thời Luật Giám định tư pháp, giám định pháp y. Bởi với quy định hiện hành của Luật Giám định tư pháp và các quy định của các tổ chức có thẩm quyền thì đang hạn chế quyền được yêu cầu giám định về phía cha mẹ người thân, đặc biệt là phía trẻ em. Đặc biệt, việc thu thập chứng cứ về trẻ em khá khó khăn phức tạp.


Trước những tình trạng này, ông Đặng Hoa Nam khẳng định: “Cục Trẻ em đang phối hợp với các cơ quan tổ chức chính quyền địa phương để cung cấp hệ thống dịch vụ trẻ em với mục tiêu mọi sự vụ trẻ em bị xâm hại tình dục, hoặc có nguy cơ cao bị xâm hại đều được hỗ trợ và can thiệp kịp thời”.


Thực tế cho thấy, bên cạnh hành lang pháp lý là sự chung tay vào cuộc từ mọi phía: gia đình, tổ chức xã hội, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để có những giải pháp trong giáo dục gia đình, học đường giúp trẻ có cơ hội phát triển về tinh thần và thể chất cân bằng.


Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Trẻ em là đối tượng được bảo vệ bởi Luật Trẻ em nên toàn xã hội phải nắm được những quy định, những hướng dẫn về việc bảo vệ trẻ em cần thiết và công tác tuyên truyền của các cơ quan cần phát huy hơn nữa. Còn đối với những vụ việc bạo hành trẻ em ở các cơ sở tư thục đã được nhắc nhiều trong một vài năm trở lại đây, tôi thấy cần có sự rà soát một cách chi tiết, cụ thể hơn với cơ sở trông giữ trẻ tư nhân để đảm bảo về cơ sở vật chất, trình độ chuyên môn của những người trông giữ trẻ. Mọi cơ sở muốn hành nghề dậy học, trông trẻ dù tư nhân hay Nhà nước thì phải được đào tạo về phương pháp, nghiệp vụ sư phạm, trong đó có đạo đức đối với nhà giáo.


Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội: Có nhiều nguy cơ dẫn đến bạo lực trẻ em từ môi trường nhà trường, gia đình và xã hội. Chúng ta phải đưa Luật Trẻ em đi vào cuộc sống để người dân hiểu những hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời xét xử nghiêm minh để răn đe, hạn chế bạo lực. Từ vụ án dâm ô trẻ em tại Bà Rịa – Vũng Tàu, bị cáo được giảm án từ 3 năm tù giam xuống còn 18 tháng tù treo, dư luận có thể đặt câu hỏi về tính công minh của phiên tòa, năng lực của đội ngũ tố tụng. Pháp luật đã đầy đủ thì hệ thống tư pháp phải thực thi nghiêm minh mới giữ gìn được kỉ cương.


Đại biểu Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Ấu dâm, xâm hại trẻ em là thực trạng nhức nhối vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, cũng là biểu hiện xuống cấp đạo đức xã hội. Tôi cho rằng với việc phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, đối với những vụ việc đã phát hiện ra thì việc điều tra để có kết luận cuối cùng nhanh chóng, với hành vi vi phạm pháp luật cần xử lý nghiêm minh, mang tính chất răn đe để có thể ngăn chặn cảnh tỉnh với hành vi vi phạm tương tự có thể xảy ra trong tương lai.

Thu Trang - Nam Hoàng


Lê Vân/ Báo Tin tức
 Ngăn chặn nạn bạo hành trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non Đà Nẵng
Ngăn chặn nạn bạo hành trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non Đà Nẵng

Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng vừa có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND các quận, huyện chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, UBND các xã, phường trên địa bàn khẩn trương triển khai biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng xâm hại, bạo hành trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN