Bạo lực học đường tiếp tục gây nhức nhối trong xã hội

Mới đây, vụ việc nam sinh lớp 8 bị nhóm bạn bạo hành vùng kín ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội, gây bức xúc dư luận xã hội. Theo một số đại biểu Quốc hội, bạo lực học đường nên được nhìn nhận ở quy mô rộng hơn hiện nay mới hạn chế được tình trạng này. 

Video đại biểu Phạm Văn Hòa trả lời:

Cần môi trường internet an toàn  

Mới đây, một đoạn clip dài 16 giây được đăng tải trên mạng xã hội, ghi lại cảnh 5 học sinh nam túm tay, chân, liên tục ép vùng kín của bạn học vào cột cờ, mặc cho nam sinh này gồng người, la hét. Trong khi một số nam sinh khác đứng bên ngoài hò reo, cổ vũ, quay clip. Đoạn clip nhanh chóng được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, nhận về hàng nghìn lượt chia sẻ, bình luận, nhiều người tỏ ra bức xúc trước hành vi của nhóm nam sinh với bạn cùng trường.

Khi nắm bắt được thông tin, Trường THCS Hòa Nam (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) đã họp các bên liên quan, đưa học sinh nam bị tác động vùng kín đi thăm khám, phối hợp với Công an xã Hòa Nam điều tra, xử lý sự việc. Sau đó, nhà trường quyết định đình chỉ học 2 tuần đối với học sinh cầm đầu; đình chỉ học 1 tuần đối với 5 học sinh tham gia và quay clip.  

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội thông tin, sức khỏe thể chất của học sinh không ảnh hưởng. Tuy nhiên, chưa có ai đặt vấn đề về mức độ bạo hành của học sinh này.

Trước đó, vụ việc một nam sinh lớp 7 Trường THCS Đại Đồng, Thạch Thất, Hà Nội bị bạn bạo hành tới mức phát bệnh tâm thần. Vụ việc đã gây bức xúc dư luận. 

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH Đồng Tháp cho biết: “Tôi được tiếp cận thông tin này qua báo chí và thật rùng mình khi những chia sẻ của các em được lan tỏa rộng rãi. Tại sao các cháu mới trong độ tuổi 13 – 15 tuổi lại có những hành động bạo lực ghê gớm như vậy?. Những hành động phi đạo đức, thậm chí mất nhân tính lại diễn ra ở môi trường học đường. Ngoài ra, những hành động chạy xe ngoài đường gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, thậm chí, dẫn đến tử vong hoặc những vấn đề về mặt tâm lý tình dục… Rất nhiều góc độ đã được xã hội lên án, nhưng những vụ việc dường như ngày càng nhiều lên”.  

“Tình trạng bạo lực học đường là xảy ra liên tục và không có dấu hiệu thuyên giảm, mặc dù các tổ chức chính trị xã hội đã vào cuộc, đặc biệt các nhà trường đã nhiều biện pháp khắc phục rất nhiều”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói. Để hạn chế tình trạng này, cần phải xem xét, đánh giá lại nguyên nhân khách quan, chủ quan. Chẳng hạn, có nguyên nhân từ việc học sinh sử dụng mạng internet khá nhiều. Ở độ tuổi học sinh cấp II, hầu như học sinh nào cũng có điện thoại thông minh và được tự do truy cập các trạng mạng internet. Các em dễ dàng tiếp cận với những nội dung, hình ảnh mang tính bạo lực thông qua nhiều sản phẩm thông tin trên internet. Tâm lý thích học theo, làm theo diễn ra ngày càng mạnh mẽ.  

“Môi trường internet sẽ như con dao hai lưỡi. Vì vậy, với học sinh, lứa tuổi cần được chăm sóc về mặt tư tưởng, đạo đức, cũng như về phẩm chất, cần có một môi trường internet an toàn để phòng ngừa. Ở khía cạnh này, các cơ quan chức năng cần phải kiểm soát thông tin để kịp thời ngăn chặn. Điều này, nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng kích động bạo lực trên internet. Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc quyết liệt mới kịp thời ngăn chặn những hành vi bạo lực trong môi trường học đường. Học sinh cá biệt cần có biện pháp răn đe, phòng ngừa tích cực, để các em không có những hành vi manh động và quá mức đạo đức”, đại biểu Phạm Văn Hòa nhận định.   

Giải pháp mang tính đồng bộ    

Theo Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, có nhiều nguyên nhân gây ra bạo lực học đường. Trường học có trách nhiệm phát hiện, xử lý những tình huống bạo lực, nhưng giáo viên, hiệu trưởng khi phát hiện vụ việc còn lúng túng về kỹ năng xử lý. Thêm đó, qua quá trình dịch bệnh kéo dài, học sinh học online lâu, dẫn đến vấn đề tâm lý. Tâm sinh lý của tuổi đang trưởng thành cũng là yếu tố góp phần gây ra tình trạng này.

Một nguyên nhân khác, theo thống kê của Tòa án Nhân dân tối cao, hàng năm có 220.000 vụ ly hôn, trong đó 70 - 80% có liên quan bạo lực gia đình. Học sinh trong các gia đình này có thể vừa chứng kiến bạo lực gia đình, vừa bị bạo lực, bỏ rơi. Môi trường như vậy dẫn đến tỷ lệ học sinh liên quan bạo lực học đường lớn. Do đó, việc ngăn chặn bạo lực gia đìnhcó vai trò quan trọng. 

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT mong các ngành liên quan phối hợp để giải quyết vấn đề này. Có nhiều giải pháp, nhưng quan trọng nhất là cần phải áp dụng loạt giải pháp có tính chất tổng thể, đồng bộ với sự vào cuộc của toàn xã hội.     

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, cần ưu tiên tăng cường kỹ năng để xử lý các vấn đề phát sinh đối với bản thân của học sinh. Đây là vấn đề trang bị kỹ năng sống, kỹ năng xử lý các vấn đề phát sinh, kỹ năng ứng xử với mạng xã hội hay giao tiếp xã hội... Xử lý được vấn đề này là góp phần giảm nguy cơ phát sinh bạo lực từ chính bản thân học sinh.              

Đối với đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, Bộ GD&ĐT tăng cường tập huấn về kỹ năng xử lý các vấn đề phát sinh đối với học sinh. Tới đây, Bộ sẽ có thêm một vị trí chuyên về tư vấn tâm lý học đường, thay vì sử dụng cán bộ chuyên trách như trước đây. Cùng với đó, vị trí giáo vụ đã được xác định trong nhà trường cũng sẽ hỗ trợ thêm cho việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vấn đề liên quan đến bạo lực học đường. 

Ngoài ra, cần đẩy mạnh sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc bảo vệ con em khỏi bạo lực học đường. Đặc biệt, khâu quan trọng tạo nền tảng gốc rễ để giải quyết được vấn đề này là triển khai tốt Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với mục tiêu phát triển con người, nâng cao nhân cách, đạo đức con người Việt Nam.

Lê Vân/Báo Tin tức
Nhận diện bạo lực học đường và cách ứng xử
Nhận diện bạo lực học đường và cách ứng xử

Mời quý vị lắng nghe chương trình podcast “Nhịp sống học đường” của Báo Tin Tức. Trong số này, hãy cùng chúng tôi nhận diện về bạo lực học đường cũng như cách phụ huynh ứng xử khi con bị bạo lực học đường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN