Câu hỏi bao giờ TP.HCM hết ngập dường như vẫn chưa có lời đáp tại các diễn đàn nghị sự của TP.HCM. Những công trình chống ngập hàng ngàn tỷ đồng đã được triển khai, nhưng hiệu quả vẫn chưa thấy rõ.
Dự án “đi” sau mưa
Nhiều dự án chống ngập tại TP.HCM đến khi sắp sửa hoàn thành thì mới nhận ra rằng, hệ thống thoát nước này quá lạc hậu và nhỏ hơn so với lượng mưa thực tế. Điều đó đã được chứng minh chỉ qua mấy trận mưa đầu mùa, hệ thống thoát nước ở TP.HCM đã tỏ ra... quá tải. Ví dụ rõ nhất là cơn mưa ngày 5/6, lượng mưa đo được lên đến 72 mm, trong khi hệ thống cống thoát nước ở đường Hàn Hải Nguyên được thiết kế chỉ chịu được lượng mưa khoảng 65 mm nên khi gặp mưa lớn, tiết diện cống thoát nước không đáp ứng được. Còn tuyến An Dương Vương bị ngập là do đường trũng cục bộ và tiết diện cống thoát nước không đáp ứng được khi gặp những cơn mưa có cường độ lớn hơn tần suất thiết kế.
Đường Nguyễn Hữu Cảnh có nơi lún hơn 1 mét khiến hệ thống thoát nước biến dạng, gây ngập nặng sau mỗi cơn mưa. Ảnh: Sĩ Dũng |
Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, diễn biến của thời tiết ngày càng phức tạp và khó lường, điển hình nhất là tần suất những cơn mưa lớn xuất hiện ngày càng nhiều theo từng năm.
Thống kê, trong năm 2010 có đến gần chục cơn mưa có lượng mưa trên 80 mm, trong khi theo thiết kế, hệ thống thoát nước chỉ có thể đảm bảo việc tiêu thoát nước cho những trận mưa có lượng mưa thấp hơn con số này, khiến cho nhiều tuyến đường ngập nặng. Với lượng mưa lớn như vậy thì TP.HCM đành chịu ngập chứ không có cách nào khắc phục.
Theo ông Nguyễn Phước Thảo, Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước thành phố, các dự án lớn đang triển khai được thiết kế trong điều kiện diễn biến khí hậu chưa phức tạp. Thiết kế cống chính có khả năng thoát nước đối với những cơn mưa có lượng mưa khoảng 85 mm với tần suất tràn cống hai hoặc ba năm xuất hiện một lần. Nhưng hiện nay những cơn mưa với lượng mưa trên 100 mm xảy ra thường xuyên hơn thì đương nhiên năng lực cống không thể đáp ứng nổi. Vì vậy, để giải quyết triệt để ngập úng trong điều kiện của biến đổi khí hậu, chúng ta phải nhượng bộ, tức là phải xây dựng hồ điều tiết, làm giảm gia tăng của hệ số chảy tràn khi có mưa lớn.
Loay hoay giải pháp
Ngập nước, kẹt xe… đang là vấn đề dân sinh nhức nhối nhất tại TP.HCM mà nhiều năm qua người dân vẫn mong mỏi trông chờ “phép màu” hóa giải vấn nạn này. Trong khi đó, các dự án chống ngập vẫn chưa mang lại hiệu quả, mặc dù lãnh đạo UBND TP.HCM khẳng định, chống ngập, kẹt xe đang là một trong những vấn đề nóng, được ưu tiên giải quyết hàng đầu.
Người dân TP đang chờ đợi những dự án nghìn tỷ đồng như: Vệ sinh môi trường nước TP lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè; cải thiện môi trường nước kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi Tẻ; nâng cấp đô thị… Thế nhưng tiến độ các dự án trên rất chậm, chưa đem lại hiệu quả trong khi vốn đầu tư liên tục đội lên. Đặc biệt là sự lo ngại lạc hậu về hệ thống thoát nước của các chuyên gia khi dự án xây dựng cách đây đã 10 năm và hàng ngàn tỷ đồng đổ vào dự án nhưng nguy cơ vẫn ngập.
Không khó để phân tích nguyên nhân về vấn nạn ngập lụt trên địa bàn TP.HCM. Thời gian gần đây, khi những cơn mưa to cộng với triều cường lịch sử, tình trạng ngập lụt tại TP.HCM đang diễn biến phức tạp, tăng cả về mực nước và thời gian ngập. Những nguyên nhân được lý giải là do việc san lấp kênh rạch tràn lan, thi công cẩu thả, tăng dân số... và quan trọng là hệ thống thoát nước đô thị yếu kém, chắp vá quá tải do được xây dựng cách đây hơn 40 năm. Việc tắc nghẽn dòng chảy do kênh rạch bị bồi lấp, hệ quả của một quá trình đô thị hóa quá nhanh.
Tại các cuộc hội thảo trước đây, tiến sĩ Nguyễn Hồng Bỉnh, nguyên Giám đốc Sở Thủy lợi TP.HCM cho rằng, việc xây dựng hồ điều tiết là một trong những giải pháp hiệu quả cho công tác chống ngập. Bởi vì, chức năng chính của hồ điều tiết là giữ một lượng nước khi mưa quá lớn, hoặc triều cường lên cao, nhằm giảm tải lượng nước mà hệ thống cống không thể tải được. Nếu làm hồ điều tiết, ngoài việc giải quyết được tình trạng ngập, còn tạo được cảnh quan sinh thái, và còn có tác dụng rất lớn về mặt kinh tế, phục vụ tưới tiêu khi hạn hán kéo dài.
SĨ DŨNG