Anh ngã xuống giữa mùa xuân biển, đảo

Những ngày cận Tết Giáp Ngọ, đảo Trường Sa nói chung và đảo chìm Tốc Tan C nói riêng ngập nắng vàng rực rỡ. Những con sóng cuối năm rì rầm vỗ vào chân đảo như sẻ chia với những người lính trẻ đang canh giữ biển, đảo đất mẹ.

Trung úy Phan Văn Hạnh trong một ca gác tại đảo Tốc Tan C. Ảnh: Tân Hữu


Trong niềm đón Xuân Giáp Ngọ, cán bộ chiến sĩ đảo Tốc Tan C hướng về Yên Thành, Nghệ An, mảnh đất kiên trung - nơi trung úy Phan Văn Hạnh đã yên nghỉ vĩnh hằng.

Sự ra đi đột ngột của trung úy Hạnh giữa mùa xuân biển đảo đau thương và lặng lẽ, song cũng tiếp thêm cho cán bộ chiến đảo Tốc Tan C sức mạnh nội sinh, vững chắc tay súng canh biển trời Tổ quốc.

Rạn đá san hô to máu hồng lính trẻ

Tám ngày sau, kể từ sáng 18/1, tin trung úy Phan văn Hạnh hi sinh trong lúc tuần tra bảo vệ đảo vẫn còn bàng hoàng và đau đớn đối với cán bộ chiến sĩ đảo Tốc Tan C. Chúng tôi gọi điên cho chính trị viên đảo Tốc Tan C thiếu tá Phạm Văn Hưng thăm hỏi. Từ đầu dây bên kia, giọng thiếu tá Hưng nghèn nghẹn “Đồng chí Hạnh mất đi là một tổn thất quá lớn với chúng tôi. Và càng đau đớn hơn khi Tết cận kề. Mới tuần trước thôi, tôi và Hạnh đem thư vợ ra đọc, xem ảnh con gái bảo, qua Tết, qua mùa huấn luyện, Hạnh sẽ được về đất liền nghỉ phép thăm gia đình. Ai ngờ sự việc đi nhanh thế”.

8 giờ sáng 18/1, Trung úy Phan Văn Hạnh và đồng đội nhận nhiệm vụ tuần tra bảo vệ quanh đảo Tốc Tan C trên xuồng máy. Khi ra khỏi rạn san hô ngầm, xuồng của anh chạy quanh đảo kiểm tra đường biên, thì bất ngờ gặp phải luồng sóng lừng cuồn cuộn từ đại dương. Mặc dù đã cố gắng điều khiển chiếc xuồng, nhưng gió quá lớn, luồng xoáy chảy mạnh làm xuồng lật úp.

Nhận được tin Hạnh và đồng đội gặp nạn, chỉ huy đảo đã điều một tổ cán bộ chiến sĩ ra cứu hộ, song không còn kịp nữa. Cơn sóng lừng cuồn phong và gió lốc đã nhấn nhìm anh xuống rạn đáy san hô. Ôm đồng đội trong tay, các chiến sĩ đảo Tốc Tan chết lặng.

Nước mắt người lính Tốc Tan hòa vào sóng biển. Ngay sau đó, đồng đội đã đưa thi thể anh vào đảo Tốc Tan C rồi chuyển theo tàu hải quân về cảng Nhơn Trạch, Đồng Nai. Lãnh đạo Vùng 4 và đồng đội đón anh về Bệnh viện 175 Bộ quốc Phòng và làm lễ truy điệu tại đây. Theo nguyện vọng của gia đình, thi thể trung úy Hạnh được chuyển bằng xe đông lạnh đặc biệt, an táng tại quê nhà tại Vĩnh Thành, Yên Thành, Nghệ An sáng ngày 23/1, tức chỉ cách Tết giáp Ngọ 7 ngày.

Tốc Tan là một trong những đảo chìm, rạn đá san hô rộng hình vòng cung thuộc quần đảo Trường Sa, có chiều dài khoảng 20km, rộng khoảng 7km, diện tích trung bình 75km2. Hải quân Việt Nam đã xây dựng trên thềm san hô của cụm bãi đá phía Tây 3 nhà lâu bền: Một nhà ở thềm san hô phía Tây Bắc (nhà B); một nhà ở thềm san hô phía Bắc (nhà C) và một nhà ở thềm san hô phía Đông Nam (nhà A).

Xứ Nghệ quê mẹ ngày đón anh về

Di ảnh trung úy Phan Văn Hạnh trong lễ an táng tại quê nhà. Ảnh: Cảnh Phúc



Tin trung úy Phan Văn Hạnh hi sinh đã nhanh chóng lan rộng cả xã Vĩnh Thành. Ngay khi nhận được tin con hi sinh, bà Trần Thị Đúc ngất lịm, còn ông Phan Văn Hà cứ nhìn lên bàn thờ tổ tiên mong đó không phải là sự thật. Từ sáng 22/1, đông đảo bà con lối xóm đến nhà ông Hà động viên chờ đón thi thể Hạnh về.

Tiếng khóc oà lên như làn sóng khi chiếc xe chở thi hài trung úy Hạnh chạy chầm chậm vào đầu ngõ. Bà Đúc gào khóc thảm thiết lao tới ôm lấy thành xe, ông Hà đau đớn gọi tên con. Tất cả bà con chòm xóm Vĩnh Thành đều không cầm được nước mắt.

Trong đau thương, chị Nguyễn Thị Dung, vợ trung úy Hạnh kể: “Anh Hạnh là con trưởng. Năm 2007, anh chị cưới nhau. Sau khi học xong lớp trung cấp máy tàu, anh Hạnh được điều về làm nhân viên thiết bị bờ trạm 94, Căn cứ bảo đảo Hậu cần kỹ thuật 696 – Vùng 2 Hải quân và được phong hàm trung úy. Hai vợ chồng kết hôn được 6 năm và có một con gái 5 tuổi. Trước ngày đi đảo hồi tháng 7 năm 2013, anh Hạnh còn bảo lần nghỉ phép sau mình sẽ làm lại căn nhà, rồi sinh thêm con. Ai ngờ đó là lời chia tay cuối”.

Trong nỗi đau thắt ruột, bà Đúc nói “Mới cách đây mấy bữa, nó còn gọi điện về thăm tôi, động viên mẹ giữ gìn sức khỏe mùa rét. Nó còn bảo ni, sang năm mới nó đi đảo về sẽ sửa lại căn nhà và ăn Tết một năm chung vui với gia đình. Ai ngờ sự việc đi nhanh quá”. Bên cạnh chị Dung, cháu Phan Thùy Dương 5 tuổi, đầu chít vành khăn tang trắng thấy mẹ khóc cũng òa khóc theo.

Trong nghi ngút khói hương tiễn đưa trung úy Hạnh về lòng đất mẹ, dòng người bà con xã Vĩnh Thành không ai cầm được nước mắt. Trong niềm đau thương ấy chen lẫn niềm tự hào. Sự hi sinh của Hạnh vì chủ quyền biển đảo, vì mùa xuân bình yên của nhân dân cả nước.

Trung úy Phan Văn Hạnh sinh năm 1981, quê ở xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành tỉnh Nghệ An), thuộc Lữ đoàn 146, Bộ tư lệnh vùng 4 Hải quân. Hạnh nhập ngũ năm 2002 và đã có hơn 5 tháng làm việc trên đảo. Anh hi sinh tròn tuổi 33. Hiện Phòng chính sách Cục chính trị Hải quân đang hoàn tất hồ sơ đề nghị Bộ quốc phòng công nhận Liệt sĩ cho Trung úy Phan Văn Hạnh.


Mai Thắng


Thêm một người lính Trường Sa ngã xuống biển khơi
Thêm một người lính Trường Sa ngã xuống biển khơi

Trung úy Phan Văn Hạnh hi sinh tại đảo Tốc Tan C quần đảo Trường Sa vào ngày cận Tết Giáp Ngọ là một mất mát lớn cho gia đình và đồng đội. Tên anh được khắc ghi vào lịch sử Vùng 4 Hải quân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN