Việt Nam đặt mục tiêu hệ thống an sinh xã hội sẽ bao phủ toàn dân và đến ăm 2020 cơ bản đáp ứng được nhu cầu an sinh xã hội của người dân một cách toàn diện.
Thách thức mới
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), thời kỳ 2003- 2011, tổng chi cho an sinh xã hội (ASXH) liên tục tăng. Bình quân chi 95.000 tỷ đồng/năm, chiếm 6,6% GDP, trong đó, ngân sách Nhà nước chiếm 51%. Nhiều chính sách trợ giúp của Nhà nước và cộng đồng đối với các hoàn cảnh khó khăn đã đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ bảo đảm thu nhập tối thiểu cho người dân.
Người nghèo vẫn luôn là nhóm đối tượng đích của các chính sách ASXH ở nước ta. Trong giai đoạn 2005-2010, nước ta đã có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận trong xóa đói giảm nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 22% xuống còn 9,45%. Khi chuẩn nghèo mới được áp dụng từ ngày 1/1/2011, theo thống kê mới nhất của Bộ LĐ-TB&XH, cả nước hiện nay còn gần 2,6 triệu hộ nghèo và trên 1,5 triệu hộ cận nghèo.
Tuy nhiên hiện nay, cuộc chiến chống đói nghèo của nước ta đứng trước những thách thức mới. Theo GS.TS Phạm Xuân Nam (Viện Khoa học xã hội Việt Nam), tốc độ giảm nghèo gần đây có xu hướng chậm lại, khoảng cách thu nhập giữa nhóm giàu nhất và nhóm nghèo nhất trong dân số nước ta đã tăng từ 4,4 lần (năm 1992- 1993) lên 9,2 lần (năm 2010). Thực tế cũng cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị còn cao, tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn còn khá nghiêm trọng. Đặc biệt, việc giá cả biến động khiến người nghèo phải chịu nhiều tác động bất lợi do thu nhập tăng thêm không theo kịp mức tăng trong chi tiêu các mặt hàng thiết yếu.
Triển khai nhiều biện pháp mới
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, năm 2020, hệ thống ASXH cần hướng tới bao phủ toàn dân. Việt Nam đặt mục tiêu năm 2020 phải cơ bản đáp ứng được nhu cầu ASXH của người dân một cách toàn diện. Ở từng lĩnh vực, nhiều biện pháp mới sẽ được triển khai.
“Nhà nước hỗ trợ cho các nhóm yếu thế, các đối tượng đặc thù được tham gia. Trong đó, hỗ trợ toàn bộ cho người có hoàn cảnh khó khăn tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, tiếp cận giáo dục, nước sạch, thông tin truyền thông và các trợ giúp xã hội khác. Sẽ hỗ trợ một phần cho người thất nghiệp, người cận nghèo, người dân có mức thu nhập trung bình tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội”, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết.
Ở lĩnh vực trợ cấp đột xuất, sắp tới, diện đối tượng hưởng thụ sẽ được mở rộng. Thời gian qua, mỗi năm Nhà nước chi khoảng 1.000 tỷ đồng và khoảng 50.000 - 60.000 tấn gạo để hỗ trợ các địa phương và người dân khắc phục thiên tai, ổn định cuộc sống. Sắp tới, những đối tượng bị tác động tiêu cực của kinh tế thị trường sẽ được đưa vào diện được hưởng trợ giúp này. Đồng thời, quỹ dự phòng trợ giúp đột xuất tại địa phương cũng sẽ được thành lập.
Trong lĩnh vực trợ giúp thường xuyên, mức sống tối thiểu - căn cứ để xác định đối tượng và mức trợ cấp - sẽ được xây dựng. Chính sách trợ giúp thường xuyên sẽ được sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng đối tượng, tăng dần mức trợ cấp, tăng cường hỗ trợ cho trẻ em trong các hộ nghèo. Những đơn vị tư nhân được khuyến khích tham gia vào việc triển khai các mô hình chăm sóc các đối tượng yếu thế dựa vào cộng đồng.
Nhiệm vụ giảm nghèo tiếp tục được triển khai thông qua thực hiện Nghị quyết số 80/2001/NĐ-CP ngày 19/5 của Chính phủ về Định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011- 2020 và các chương trình, chính sách giảm nghèo khác. Theo Nghị quyết 80/NQ-CP, cả nước đặt mục tiêu mỗi năm giảm 2% hộ nghèo.
Trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH khẳng định, ASXH cần phát triển theo hướng: Phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; tập trung hỗ trợ người nghèo, người dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh đặc thù; tiếp tục mở rộng việc xã hội hóa trong huy động nguồn lực thực hiện ASXH và tranh thủ sự hợp tác quốc tế.
Mạnh Minh