Mới đây, nhân dịp kỷ niệm 105 năm ngày sinh của ông Mikhail Kalashnikov, hãng Sputnik (Nga) đã tổng hợp những sản phẩm hàng đầu của Kalashnikov Concern.
AK-12
Súng trường tấn công sử dụng đạn tiêu chuẩn 5,45x39mm này là phiên bản kế thừa tinh thần của AK-47. AK-12 ra mắt tại Nga năm 2018 và được xuất khẩu sang Armenia, Belarus, Kazakhstan, Syria, Qatar.
AK-12 được cải thiện về công thái học và độ chính xác, báng súng có thể điều chỉnh gập lại, bộ phận giảm giật và khả năng tương thích với nhiều loại ống ngắm quang học/nhìn đêm.
Dragunov SVD
Súng trường bán tự động Dragunov SVD “trình làng” từ những năm 1960 và đã được xuất khẩu sang hơn 40 quốc gia. Binh sĩ và người đam mê súng bắn tỉa đánh giá cao Dragunov SVD về độ bền bỉ, đáng tin cậy.
Dragunov SVD sử dụng đạn 7,62x54mmR và được thiết kế để tấn công mục tiêu cách xa tới 800 m. Quân đội Nga hiện được trang bị SVD-M hiện đại, có các bộ phận bằng nhựa thay vì gỗ, báng súng có thể gập lại.
Thiết bị bay không người lái Lancet
Thiết bị bay không người lái Lancet ra mắt năm 2022. Lancet khác biệt với các thiết bị bay không người lái khác ở cánh hình chữ X đặc biệt. Lancet có 3 phiên bản.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) đánh giá thiết bị bay không người lái Lancet có chi phí sản xuất khá rẻ, vào khoảng 35.000 USD/chiếc.
Vikhr & Verba
Vikhr-1 là tên lửa dẫn đường bằng laser phóng từ trên không, được sử dụng để chống lại cả mục tiêu trên bộ và trên không. Vikhr-1 trang bị đầu đạn 8 kg, đạt tầm bắn 10-12 km. Các trực thăng quân sự Mi-28, Ka-50 và Ka-52 cùng cường kích Su-25 có thể mang theo Vikhr-1.
Trong khi đó, Verba là tên lửa phòng không vác vai, có đầu đạn 1,5 kg và tầm bắn 6,5 km.
Kỹ sư và nhà thiết kế vũ khí người Nga Mikhail Kalashnikov sinh ngày 10/11/1919 trong một gia đình nhà nông tại Kurya, vùng Altai. Tên tuổi của ông gắn liền với súng trường AK-47.
Kalashnikov hoàn thành chương trình phổ thông vào năm 1936 và gia nhập Hồng quân Liên Xô năm 1938. Khi Chiến tranh Thế giới thứ hai nổ ra, Kalashnikov đang đảm nhận nhiệm vụ lái xe tăng và kỹ sư. Vào tháng 6/1941, ông bị thương và buộc phải nằm viện sáu tháng. Trong thời gian dưỡng bệnh, ông đã nghe những người lính đồng đội phàn nàn về những khẩu súng trường lỗi thời mà họ đang sử dụng, dễ bị kẹt đạn. Sau khi xuất ngũ, Kalashnikov bắt tay vào tạo ra AK-47.
Sau khi giành chiến thắng trong cuộc thi thiết kế, AK-47 đã được đề xuất đưa vào kho vũ khí của Quân đội Liên Xô. AK-47 đã được chấp nhận làm súng trường tiêu chuẩn của quân đội Liên Xô vào năm 1949.
Ngày nay, quân đội của hơn 50 quốc gia vẫn sử dụng chính thức súng trường AK-47.