2 giờ 20 ngày 1/11/1950, hai người đàn ông hòa trong dòng người ngược xuôi tiến gần lâu đài Blair- Lee, nơi ở của Tổng thống Harry S. Truman, tay lăm lăm khẩu súng. “Con mồi” của hai người này không ai khác chính là Tổng thống Truman. Một tiếng nổ chát chúa vang lên, găm đúng đầu gối phải của một nhân viên an ninh, báo hiệu sự bắt đầu của một cuộc đấu súng giữa hai sát thủ và những cận vệ của Tổng thống.
Tổng thống Mỹ Harry S.Truman. |
19 giờ 30 ngày 31/10/1950, hai người đàn ông với dáng điệu lịch lãm xuống tàu ở ga Union, thủ đô Oasinhtơn (Mỹ), rồi rảo bước vào khách sạn Harris gần đó. Họ đăng ký ở hai phòng như thể không hề quen biết nhau. Hai người đều mặc complê mới và đội mũ tối màu. Một trong hai người đeo kính gọng kim loại và có khuôn mặt tử tế như một sinh viên khoa thần học. Thực chất, hai vị khách lịch sự này là người Puéctô Ricô đến Oasinhtơn với nhiệm vụ ám sát Tổng thống Harry S. Truman.
Đây là hai thành viên của Đảng Dân tộc Puéctô Ricô đặt dưới sự lãnh đạo của Pedro Albizu Campos, một người từng tốt nghiệp Đại học Harvard. Do tiếp xúc với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trong thời gian phục vụ trong quân đội Mỹ trong Thế Chiến I, Albizu Pedro quyết tâm giành độc lập cho hòn đảo vùng Caribê này thông qua bạo lực cách mạng. Mặc dù Đảng Dân tộc bị thất bại thảm hại trong các cuộc bầu cử và không giới thiệu được ứng viên nào ra tranh cử từ sau năm 1932 nhưng các thành viên vẫn tin tưởng rằng sự nghiệp đấu tranh của họ sẽ đi đến thắng lợi.
Sát thủ Griselio Torresola. |
Trong khi có người dân Puéctô Ricô phản đối chính sách cực đoan của Albizu Campos thì cũng có nhiều người chia sẻ quan điểm thù địch của ông đối với Mỹ. Một trong những động thái khiến Campos càng ngày càng phản đối sự hiện diện của Mỹ tại quốc gia này là khi Cornelius Rhoads, một bác sĩ trẻ người Mỹ đang tiến hành một nghiên cứu ở thủ đô San Juan của Puéctô Ricô, viết một lá thư với nội dung: “… phải làm điều gì đó để tiêu diệt toàn bộ dân chúng ở đây”. Không may, lá thư đến tay một người thợ kỹ thuật và người này chuyển đến tay Albizu Campos. Vụ việc vỡ lở, Rhoads bào chữa rằng anh ta chỉ nói đùa. Tuy nhiên, Albizu Campos và những người theo đường lối dân tộc đã chỉ trích Mỹ kịch liệt vì không trừng phạt vị bác sĩ này.
Alibizu Campos tuyên bố thành lập một chính phủ mới trên hòn đảo này mà bản thân ông là người đứng đầu và tổ chức một đội quân giải phóng áo đen. Trong hai thập kỷ tiếp theo, chiến thuật của đảng này bao gồm tiến hành các vụ đánh bom, ám sát và giao tranh với cảnh sát.
Trong số những người trung thành thực sự của Đảng Dân tộc vào năm 1950 có Oscar Collazo. Năm 1932, lúc đó mới 18 tuổi, Collazo trở về quê hương ở Puéctô Ricô sau vài tháng làm việc không mấy vui vẻ tại một câu lạc bộ của lục quân và hải quân ở thành phố New York. Sau khi được nghe bài phát biểu khá ấn tượng của Albizu Campos và biết đến lá thư có tính chất xúc phạm người dân Puéctô Ricô của bác sĩ Rhoads, Collazo quyết tâm dành trọn cuộc đời cho Đảng Dân tộc. Collazo trở lại New York và kết hôn với Rosa Mercado, một phụ nữ đã ly dị chồng và có hai con gái.
Năm 1941, gia đình Collazo chuyển đến một khu vực ở New Yorrk dành riêng cho người Puéctô Ricô, những người luôn phải sống trong cảnh bị phân biệt chủng tộc và bị bóc lột kinh tế. Lúc đó, Collazo đã trở thành người thợ đánh bóng kim loại khá danh tiếng. Vào các ngày chủ nhật, Collazo làm phiên dịch và hướng dẫn cho những người mới nhập cư. Collazo là một người chồng, người cha mẫu mực, luôn thanh toán các hóa đơn đúng hẹn và không uống rượu hay hút thuốc. Nói tóm lại, Collazo có một cuộc sống khá êm đềm hạnh phúc.
Sát thủ thứ hai trong vụ ám sát này là Griselio Torresola. Gia đình Griselio Torresola có truyền thống tham gia vào mọi cuộc cách mạng ở Puéctô Ricô trong vòng một thế kỷ. Torresola cùng em trai, Elio, và hai chị gái Angelina và Doris, cống hiến cho Albizu Campos gần như từ thời niên thiếu. Tháng 8/1948, Griselio tìm được một công việc tại một cửa hàng bán văn phòng phẩm và nước hoa ở New York, nhưng sau đó đã bị sa thải. Rồi cuộc hôn nhân tan vỡ khiến Torresola chán nản. Không lâu sau, Torresola tái hôn và cùng vợ, một con gái sống dựa vào khoản tiền trợ cấp 125 USD/tháng. Torresola có một biệt tài mà Collazo không có: Trở thành người cực kỳ nguy hiểm khi có một khẩu súng trong tay, trong khi Collazo chưa từng bắn một viên đạn.
Năm 1943, Pedro Albizu Campos mãn hạn tù ở bang Atlanta do trước đó đã tham gia vào các hoạt động cách mạng ở Puéctô Ricô. Ra tù, Campos nhập hội với Collazo ở New York, nơi thành lập trụ sở mới của Đảng Dân tộc. Đến năm 1948, dưới ảnh hưởng của Albizu Campos, lòng nhiệt tình cách mạng của Collazo trở nên sục sôi khi Collazo được đề bạt nắm giữ những chức vụ quan trọng trong đảng và khi được đọc nhiều về những anh hùng như George Washington, Benjamin Franklin và Simon Bolivar.
Torresola dành phần lớn thời gian trong năm 1950 để mua sắm vũ khí cung cấp cho cuộc nổi dậy ở Puéctô Ricô hôm 28/10. Ngày 21/9, Albizu Campos chỉ đạo Torresola phải “lãnh đạo phong trào ở Mỹ” và “vận động gây quỹ… để chi cho các hoạt động quan trọng nhất của phong trào”.
Cuộc đảo chính hôm 28/10 ở San Juan và các nỗ lực ám sát thống đốc Munoz Marin do Albizu Campos chỉ đạo đã bị thất bại. Em gái của Torresola bị thương, còn người em trai bị kết án tù chung thân vì tội sát hại một cảnh sát. Ở New York, Collazo và Torresola cảm thấy rất bứt dứt vì không thể hỗ trợ cho cuộc đảo chính hoặc hy sinh cho sự nghiệp đó. Sau đó, Collazo quyết định rằng việc ám sát Tổng thống Truman có thể khơi nguồn cho một cuộc cách mạng; sẽ mang lại cho những người theo đường lối chủ nghĩa dân tộc một cơ hội để lãnh đạo Puéctô Ricô giành độc lập.
Đình Vũ (Tổng hợp)
Đón đọc kỳ 2: Kẽ hở an ninh ở lâu đài Blair-Lee