Với phương pháp nghiên cứu, tìm tòi mới, WFA đã tận dụng các Hồ sơ Trợ cấp để vẽ lại bối cảnh, nguyên nhân, tác động và hậu quả của Thế chiến thứ I đối với những người lính Anh cách đây gần một thế kỷ. Bên cạnh đó, WFA còn hỗ trợ giải mật các thông tin chưa từng biết đến, vén bức màn từng bị vùi lấp dưới đống đổ nát của lịch sử, giúp hậu duệ của những người lính ngã xuống hiểu rõ hơn về cha ông, tổ tiên của họ. Đó sẽ là các “bằng chứng sống” trường tồn với thời gian.
Trong số hơn 6,5 triệu hồ sơ quân nhân phục vụ trong Thế chiến thứ I mà WFA đang lưu trữ và bảo tồn, các giấy tờ liên quan đến góa phụ và nhân thân của Hạng Liệt sỹ được lưu giữ bằng cách sử dụng danh tính của người yêu cầu trợ cấp, tức người nhà của liệt sỹ, chứ không phải của người đã hy sinh. Các thẻ này xác định tình trạng quan hệ (người yêu cầu trợ cấp) cộng với danh tính, số hiệu của liệt sỹ.
Như đã đề cập ở trên, lượng thẻ lớn nhất với khoảng 2,5 triệu hồ sơ liên quan tới Hạng Sống sót. Theo WFA, nếu một người lính không có thẻ và được biết còn sống, thì nó chứng tỏ hoặc người lính này không bị thương hoặc không yêu cầu trợ cấp, hoặc không biết rằng được hưởng trợ cấp. Các tấm thẻ này cũng cung cấp tên tuổi, đơn vị chiến đấu, số hiệu đơn vị, địa chỉ... Đôi khi, mặt sau của tấm thẻ còn ghi thêm các thông tin hữu ích như “Được cấp 25 bảng mua đồ dùng, dụng cụ...”.
Một đơn vị chiến đấu trước khi ra trận. |
Các tấm thẻ thuộc Hạng Sĩ quan sống sót cung cấp danh tính, cấp bậc, đơn vị của viên sĩ quan và trong một số trường hợp còn ghi cả địa chỉ và ngày sinh của họ. Nhóm này còn bao gồm cả các chị em y tá, điều dưỡng. Ngoài ra, một số thẻ còn ghi cụ thể các thương tích khiến sĩ quan được giải ngũ (ví dụ như ngộ độc khí). Đáng chú ý, các nhà nghiên cứu không tìm thấy thẻ của Thống chế Lục quân nổi tiếng của Quân đội Anh, Sir Douglas Haig (19/6/1861 - 29/1/1928), và WFA đã cho rằng ông đã không yêu cầu trợ cấp.
Ban đầu, hàng triệu tấm thẻ này được lưu giữ theo khu vực và mãi sau này chúng mới được tập hợp thành hạng, nhóm. Các thẻ Hồ sơ Trợ cấp này được lưu giữ theo khu vực do những người xin trợ cấp phải tham gia các buổi đánh giá của từng binh chủng để đảm bảo họ vẫn còn quyền trợ cấp. Trên thực tế, đánh giá binh chủng đã tạo ra thêm một kho lưu trữ vô cùng quý giá, và thường do các cơ quan đăng ký của Lục quân, Hải quân và Không quân đánh giá và ghi lại.
Trong Thế chiến I, có tổng cộng 37 triệu trường hợp thương vong đối với cả binh lính lẫn dân thường của cả hai phe, trong đó hơn 16 triệu người thiệt mạng và hơn 20 triệu người bị thương. Vương quốc Anh có gần 1 triệu binh sĩ và dân thường thiệt mạng (chiếm 2,2% dân số nước Anh lúc bấy giờ), và gần 1,7 triệu quân nhân bị thương. |
Hiện nay, sổ cái của Hải quân Hoàng gia Anh còn lưu giữ khoảng 10.000 hồ sơ cá nhân. Lượng lớn các hồ sơ này được lưu trữ tại các cơ quan đăng ký của Lục quân, Hải quân và Không quân. Sau khi công bố việc mua lại của các Hồ sơ Trợ cấp, Giáo sư Peter Simkins, Chủ tịch Hiệp hội Mặt trận miền Tây (WFA) nhận định: "Những hồ sơ này là một nguồn tài nguyên quý giá cho cả quân đội lẫn giới sử gia chuyên nghiên cứu Thế chiến I. Cho tới nay, nghiên cứu về các cá nhân đã tập trung chủ yếu vào những người đã hy sinh, thiệt mạng, trong khi các Hồ sơ Trợ cấp lại mang lại một cách nhìn nhận quý giá đối với những người sống sót sau các cuộc chiến”.
Bên cạnh đó, Trưởng dự án Hồ sơ Trợ cấp của WFA, ông David Henderson nói thêm: "Nghiên cứu về gia đình, gia phả là điều hấp dẫn với nhiều người. Để biết được bạn là ai và quá khứ của bạn như thế nào thì điều quan trọng là hiểu về thời kỳ Thế chiến I và ảnh hưởng của toàn bộ cuộc chiến đối với ông bà, tổ tiên của bạn, cũng như cả về thời gian lẫn hậu quả của nó. Các tấm thẻ Hồ sơ Trợ cấp sẽ vén bức màn bao quanh lượng thông tin quan trọng, đầy ý nghĩa cho nhiều nhà nghiên cứu".
LAT