Tứ đại kỳ án vẫn chưa có lời giải của Hong Kong

Mặc dù được biết đến là một nơi khá an toàn, nhưng Hong Kong (Trung Quốc) vẫn không thiếu những vụ án bí ẩn khiến các nhà chức trách phải đau đầu, điển hình là “tứ đại kỳ án” được cho là hóc búa nhất diễn ra ở đặc khu này mà đến nay vẫn chưa tìm được lời giải.

Chú thích ảnh
Nhân viên nhà xác đưa 2 trong vụ án xác chết ở bồn hoa ở Causeway Bay ra ngoài. Ảnh: Chan Kiu/ SCMP

1. Thi thể trong thùng các tông ở Happy Valley (1975)

Năm 1975, thi thể một nữ sinh 16 tuổi tên Biện Ngọc Anh được tìm thấy trong một thùng các tông ở khu dân cư Happy Valley với các vùng nhạy cảm bị huỷ hoại nhưng không có dấu hiệu của việc xâm hại tình dục.

Cảnh sát đã bắt giữ Âu Dương Bính Cường (28 tuổi), một người đàn ông đã có vợ và một con. Âu Dương Bính Cường làm việc tại một cửa hàng kem mà nạn nhân và bạn bé thỉnh thoảng ghé đến. Đây là trường hợp đầu tiên trong lịch sử pháp luật Hong Kong một nghi phạm bị kết án dựa trên bằng chứng pháp y. Công tố viên chỉ đưa ra cáo buộc dựa vào bằng chứng thu được, không có nhân chứng hay lời thú tội nào.

Phía cảnh sát cho biết đã tìm thấy những sợi vải trên móng tay của nạn nhân trùng khớp với vải trên quần áo của Âu Dương Bính Cường. Anh ta bị kết tội giết người và lĩnh án tử hình và sau đó giảm xuống án tù chung thân.

Chú thích ảnh
Nạn nhân Biện Ngọc Anh. Ảnh: SCMP

Nhưng cho đến tận hiện tại, Âu Dương Bính Cường và gia đình vẫn khẳng định bản thân vô tội. Suốt nhiều năm qua, vẫn còn rất những lời bàn tán xôn xao về kết luận không mang tính thuyết phục và còn nhiều khúc mắc trong vụ án này.

Nhiều người hoài nghi và chỉ ra rằng nghi phạm vẫn thiếu động cơ gây án. Ngoài ra, dấu vân tay tìm thấy trên thùng các tông cũng không khớp với dấu vân tay của Âu Dương Bính Cường và chỉ có 7 trên tổng số 269 sợi vải trên cơ thể nạn nhân trùng khớp với vải trên quần áo của người đàn ông này.

Có ý kiến cho rằng các nhà chức trách đang chịu áp lực phải khép lại vụ án nhanh chóng, vì đây là một vụ án mang tính bước ngoặt liên quan đến việc sử dụng bằng chứng khoa học trong điều tra.

Luật sư bào chữa Hồ Hồng Liệt - người sáng lập kiêm hiệu trưởng Đại học Shue Yan Hong Kong, cho biết ông tin rằng Âu Dương Bính Cường vô tội. Luật sư Ronny Tong - thành viên Hội đồng lập pháp Hong Kong, cũng là người đã giúp Âu Dương Bính Cường kháng án nhưng không thành công, nói với giới truyền thông rằng ông cảm thấy rất buồn khi thấy thân chủ của mình vừa khóc khẳng định rằng bản thân vô tội. Cũng kể từ đó, ông Ronny Tong quyết định không nhận thêm vụ án hình sự nào nữa.

Đến năm 2002, Âu Dương Bính Cường mới được trả tự do sau khi ngồi tù 28 năm ở nhà tù Stanley. Nhưng đối với bản thân ông và những người tin rằng Âu Dương Bính Cường vô tội, kẻ giết người thực sự vẫn còn đang lẩn trốn ngoài vòng pháp luật.

Chú thích ảnh
Âu Dương Bính Cường ngồi tù 28 năm vì bản án được cho là chưa đủ thuyết phục. Ảnh: Handout/ SCMP

2. Thi thể trong bồn hoa ở Causeway Bay (1984)

Ngày 31/3/1984, cảnh sát nhận được khiếu nại về việc có mùi hôi thối kỳ và máu chảy vào luống hoa của một nhà trong khu chung cư ở Vịnh Đồng La (Causeway Bay), Hong Kong. Khi đến nơi, họ mất 3 giờ mới phá được được bịt kín bằng xi măng của một căn hộ thuộc khu chung cư và phát hiện có hai thi thể đang phân hủy nặng.

Các thi thể được tìm thấy được quấn trong một tấm vải dính máu, xếp chồng lên nhau, tay bị trói sau lưng bằng dây xích, có vải buộc quanh đầu và đôi chân trần.

Nạn nhân được xác định là George Chia Soon Seng (27 tuổi) và anh trai là Steven Chia Soon Huat (32 tuổi), họ là người thừa kế của một gia đình buôn bán kim hoàn giàu có ở Singapore. Hai anh em được cho là có liên quan đến vụ tranh chấp tiền bạc với một nhóm người Indonesia, sau đó chuyển đến Hong Kong sống cuộc đời mới.

Theo báo cáo, hai nạn đã bị bắt cóc và giam giữ vào ngày 2/3. Đến giữa tháng 3, những kẻ bắt cóc đã gửi một đoạn băng ghi âm cùng hình ảnh cánh tay bị chặt đứt đến gia đình và đòi khoản tiền chuộc  lên đến vài triệu đô la Singapore.

Tuy nhiên, khám nghiệm tử thi cho thấy thi thể vẫn còn nguyên vẹn, chứng tỏ hình ảnh cánh tay bị cắt đứt được gửi đến cho gia đình nạn nhân là lừa đảo. Mặc dù nhà họ Chia đã trả khoảng 1 triệu đô la Singapore (tương đương hơn 18 tỉ đồng theo tỉ giá hiện tại) nhưng không rõ tại sao hai anh em vẫn bị sát hại. Trải qua gần 4 thập kỷ, vụ việc cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời.

Chú thích ảnh
Cảnh sát phá bồn hoa bằng xi măng tìm kiếm 2 thi thể. Ảnh: Chan Kiu/ SCMP

3. Thi thể phụ nữ khỏa thân ở Tiêm Sa Chuỷ (1975)

Năm 1975, vụ án một phụ nữ mới cưới bị sát hại với thi thể khoả thân được phát hiện tại khu chung cư Windsor Mansion ở Tiêm Sa Chuỷ đã gây chấn động toàn Hong Kong.

Nạn nhân được xác định là Tam (25 tuổi), sau khi nghỉ việc tại một công ty may mặc ở San Po Kong vào ngày 5/6/1975 thì chồng cô báo tin vợ mình đã mất tích. Thời điểm đó, họ cũng mới kết hôn được 2 tháng.

Khoảng 9 giờ sáng ngày 6/6, thi thể nạn nhân được phát hiện trên gác mái của một căn hộ tại Chiêm Sa Chuỷ, ngay gần nhà cô trong tình trạng khoả thân, tay chân bị trói và miệng bị bịt kín. Theo kết quả khám nghiệm tử thi, có những vết thương trên ngực và thân dưới nhưng không có dấu hiệu tấn công tình dục.

Căn cứ vào tính chất của hành vi gây án, cảnh sát nghi ngờ động cơ liên quan đến nhục dục hoặc trả thù và đã điều tra hai bạn trai cũ của nạn nhân, một người đã di cư sang Mỹ và một người khác là thợ làm ngọc. Tuy nhiên, sau có vụ việc vẫn không có gì tiến triển

Sau cuộc điều tra kéo dài 10 tháng, cảnh sát đã treo thưởng 10.000 đô la Hong Kong cho ai cung cấp thông tin về nghi phạm, nhưng đến nay kẻ giết người vẫn chưa được tìm thấy.

Chú thích ảnh
Chung cư Windsor Mansion ở Tiêm Sa Chuỷ. Ảnh: SCMP

4. Vụ sát hại người quản lý câu lạc bộ du thuyền (2002)

Vào ngày 17/12/2002, thi thể của Judy Nip Ho Mo-ling (41 tuổi), quản lý Câu lạc bộ Du thuyền Hoàng gia Hong Kong, được tìm thấy trong vũng máu và được che đậy bởi những túi rác màu đen của văn phòng Câu lạc bộ Vịnh Đồng La.

Cảnh sát cho biết, hai bên đầu của nạn nhân có vết thương gây ra do một vật cùn và guyên nhân cái chết được xác định là do vết đâm ở cổ.

Tại hiện trường có dấu hiệu giằng co và những vật dụng có giá trị của nạn nhân như: túi xách, một chiếc nhẫn bạch kim, đồng hồ đeo tay, ví, chứng minh thư, ba thẻ ngân hàng cùng áo khoác ngoài màu xám đã bị mất.

Chú thích ảnh
Cảnh sát kiểm tra hiện trường vụ án tại Câu lạc bộ Du thuyền Hoàng gia Hồng Kông. Ảnh: SCMP

Nạn nhân là mẹ của hai cậu con trai song sinh 9 tuổi (tại thời điểm xảy ra sự việc). Theo chủ câu lạc bộ, người phụ nữ này đã làm việc cho câu lạc bộ khoảng 20 năm và chịu trách nhiệm chủ trì các cuộc thi đấu và sắp xếp chỗ neo đậu du thuyền. Cô được nhìn thấy lần cuối bên ngoài khu hành chính của câu lạc bộ lúc 18h45 ngày 16/12 và thời gian tử vong ước tính là khoảng 22h cùng đêm hôm đó.

Khoảng 40 sĩ quan và hai con chó săn đã khám xét câu lạc bộ nhưng không tìm thấy hung khí gây án hay bất cứ thứ gì liên quan. Và cũng như những vụ án nói trên, án mạng ở câu lạc bộ du thuyền này đến nay vẫn chưa tìm được lời giải.

Trần Trang/Báo Tin Tức (The SCMP)
Vụ án Lucie Blackman: Từ vụ án có thật đến phim tội phạm hấp dẫn nhất trên Netflix
Vụ án Lucie Blackman: Từ vụ án có thật đến phim tội phạm hấp dẫn nhất trên Netflix

Tháng 7/2000, cái chết của Lucie Blackman - cựu tiếp viên hàng không của British Airways (lúc đó đang làm tiếp viên tại Nhật Bản) khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Một bộ phim tài liệu phát hành cuối tháng 7/2023 đã tiết lộ những tình tiết ly kỳ trong hành trình phá án của Đội điều tra trọng án thuộc Cảnh sát Tokyo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN