“Robin Hood xứ Sicily”- Anh hùng hay thảo khấu?

“Robin Hood xứ Sicily”- Anh hùng hay thảo khấu?-Kỳ 2: Tướng cướp thành chính trị gia

Năm 1943, Chiến tranh Thế giới lần thứ hai nổ ra khắp châu Âu. Hậu quả của cuộc chiến này là tình trạng đói nghèo, thiếu thốn, vô chính phủ và tranh giành để sinh tồn. Tình trạng thiếu lương thực diễn ra trầm trọng đến mức trộm cắp và buôn bán ở chợ đen trở thành lối sống phổ biến của một bộ phận lớn người dân châu Âu. Không ở đâu mà hậu quả chiến tranh lại thể hiện rõ ràng như ở Sicily. Kể cả khi hòn đảo này được giải phóng khỏi ách phát xít, tình hình vẫn còn rất khó khăn.

Salvatore Giuliano “Vua của núi rừng”.


Đầu năm 1946, Sicily luôn ở trong tình trạng bất ổn. Khi đó, Giuliano được mệnh danh là “Vua của núi rừng”. Chế độ phát xít đã không còn nữa. Nước Ý một lần nữa được thống nhất, đầu tiên dưới sự cai trị của nhà vua mà trước đây bị Mussolini phế ngôi, sau đó của một chính quyền cộng hòa. 8 năm sau ngày nước Ý thống nhất, Sicily vẫn luôn là một vùng đất bị lãng quên và bị chính quyền trung ương bóc lột.

Một loạt các đảng phái chính trị được hình thành. Trong số đó nổi lên có Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo. Người ta hiểu rằng, ở Sicily, mọi hoạt động chính trị đều dính dáng đến mafia và Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo có mối quan hệ mật thiết với các ông trùm.

Tình hình chính trị ở Sicily còn trở nên phức tạp hơn bởi sự xuất hiện của những lãnh chúa, những người sở hữu trong tay số lượng lớn ruộng đất và thuê nông dân làm việc như dưới chế độ nô lệ.

Tranh biếm họa về Salvatore Giuliano.

Mối quan hệ giữa thế giới ngầm và chính trị có một lịch sử tồn tại lâu dài ở Sicily. Cứ từ 75 năm đến 100 năm lại xuất hiện một tướng cướp lừng danh. Mỗi tướng cướp lại gắn với một phong trào chính trị, chủ yếu với tư cách là kẻ cầm đầu các cuộc nổi loạn. Nhiều trong số những tướng cướp nổi tiếng này còn thành lập quân đội riêng. Agnello (trong những năm 1560) có cờ hiệu riêng với hình đầu lâu thần chết và một đoàn quân nhạc. La Pilosa (1647) cai quản các làng xung quanh Palermo và có mối quan hệ mật thiết với thế giới ngầm. Testalonga (trong những năm 1740) bóc lột thuế khóa của nông dân. Trong thời kỳ diễn ra cuộc cách mạng giai đoạn 1848-1849, các tướng cướp Di Miceli và Scordato nắm quyền cai quản các ngôi làng của họ và nhiều lần đưa quân đội đến tận thành phố Palermo. Bước chuyển đổi từ hoạt động cướp bóc đơn thuần sang chính trường, một truyền thống tồn tại lâu nay, cũng là cách mà Giuliano lựa chọn. Giuliano chọn con đường chính trị bởi hai lý do. Thứ nhất, y muốn củng cố sức mạnh vũ trang để chính phủ không dám động đến băng nhóm của y. Thứ hai, y muốn có đủ sức mạnh để biến Sicily thành một bang của nước Mỹ, bởi khi đó, Giuliano có tư tưởng tôn sùng nước Mỹ.

Từ trộm cướp, Giuliano mở rộng hoạt động sang một lĩnh vực hoạt động màu mỡ hơn, đó là bắt cóc đòi tiền chuộc. Băng nhóm của y không động đến người nghèo mà chỉ hướng đến những người giàu có. Y cũng không bao giờ nghĩ đến việc bắt cóc trẻ con, đối tượng mà y luôn giành cho những tình cảm đặc biệt. Nhưng bắt cóc một công tước hay một hoàng tử lại là vấn đề khác.

Tổ chức của Giuliano hoạt động tuân theo những quy tắc nhất định. Con mồi, thường là những người giàu có, sẽ bị bắt cóc. Gia đình của kẻ bị bắt cóc được thông báo về mức tiền chuộc - thường là bằng nửa số tài sản mà gia đình đó có – và đại diện của các băng nhóm mafia sẽ đóng vai trò trung gian, truyền đạt thông tin của những kẻ bắt cóc đến các gia đình có người nhà bị bắt cóc và nhận tiền chuộc. Hiển nhiên là các gia đình mafia sẽ được chia phần trăm cho phần tham gia của họ trong các vụ này. Số lượng tiền chuộc có thể được thỏa thuận, thường là vài triệu lia (tỉ giá giữa đồng đô la Mỹ và đồng lia của Ý tại thời điểm bấy giờ là gần 600 lia đổi một đô la. Do đó, số tiền chuộc trong mỗi vụ là khoảng 50.000 đô la Mỹ).

Hành động bắt cóc đòi tiền chuộc lại càng tô vẽ thêm huyền thoại về Giuliano. Trước hết, y áp dụng chiến thuật của Robin Hood, đó là cướp của người giàu chia cho người nghèo. Thứ đến, những câu chuyện về việc y đối đãi tử tế với những người bị bắt cóc khiến y ngày càng được yêu mến và tôn thờ. Nạn nhân thường được bố trí nơi ở đầy đủ, được cho ăn uống tử tế, được đọc sách và giải trí cùng với Giuliano. Nhiều nạn nhân sau khi được thả về thường nói về việc họ thích thú trải nghiệm này như thế nào.

Chẳng bao lâu sau, người ta tuyên bố treo thưởng cho người nào bắt được Giuliano. Vị “Vua của núi rừng” trả đũa lại bằng cách trao thưởng gấp đôi cho ai lấy được đầu của người đã dám đưa ra giải thưởng này. Có vẻ như phần thưởng cho ai bắt được hoặc giết được Giuliano là vô nghĩa, bởi kẻ nào dám chỉ điểm sẽ phải đối mặt với công lý của Giuliano: Một đội thi hành án sẽ để lại tờ giấy nhắn trên xác người đó.

Khánh Chi (tổng hợp)

Đón xem kỳ cuối: Kẻ phản bội

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN