Khủng bố thuốc cảm Tylenol - Kỳ 3: Nghi phạm đầu tiên

Đó là một nhà hóa học nghiệp dư, một phụ tá bác sĩ, từng làm việc tại một đại lý cung cấp Tylenol cho hai trong số 6 cửa hiệu nơi các lọ thuốc chứa xyanua được bán ra. Các nhà điều tra cho biết, anh ta thừa nhận từng làm việc cho một dự án liên quan đến sử dụng xyanua.


 

James W. Lewis.

 

Khám xét căn hộ của nghi phạm này, các nhà điều tra phát hiện một loạt vũ khí, hai tấm vé một chiều tới Thái Lan và một cuốn sách mô tả “cách giết người bằng cách nhét thuốc độc vào những viên con nhộng”. Mặc dù thiếu chứng cứ xác thực kết nối với loạt vụ khủng bố Tylenol, cảnh sát vẫn buộc tội anh ta sở hữu vũ khí trái phép. Nghi phạm được đưa đến trại giam và cuối cùng được trả tự do với 6.000 USD bảo lãnh. Cùng thời gian đó, các nhà điều tra lại hướng vào một nghi phạm mới.


Ngay sau khi xảy ra loạt vụ đầu độc, Công ty Johnson & Johnson đã nhận được một lá thư tống tiền viết tay đòi 1 triệu USD để chấm dứt hành vi tội ác này. Kẻ tống tiền đòi J&J đáp lại yêu cầu của hắn qua tờ Chicago Tribune. Nhưng công ty đã báo cho cơ quan điều tra để lần theo dấu vết bức thư. Họ không mất nhiều thời gian để xác định bức thư đó là của một người đàn ông tên James W. Lewis, một kế toán viên thuế và một nghệ sĩ lừa đảo khét tiếng. Người này cũng từng bị cảnh sát thăm hỏi vì liên quan đến vụ giết hại dã man một ông già ở Kansas và một vụ cướp đồ trang sức.


Cùng với các cơ quan cảnh sát tiểu bang, FBI đã tiến hành một chiến dịch truy lùng khổng lồ nhằm tìm ra Lewis và vợ hắn, LeAnn. Cuộc tìm kiếm đưa các nhà điều tra đến nhiều bang của nước Mỹ, gồm Illinois, Missouri, Kansas và Texas.


Trong khi đó, vào tuần cuối cùng của tháng 10, các kỹ sư thí nghiệm lại phát hiện một lọ thuốc Tylenol nhồi xyanua khác tại một hiệu tạp hóa ở Bắc Chicago. Lọ thuốc này được phát hiện cách nơi Paula Prince đã mua lọ thuốc tử thần, giết chết cô một tháng trước không đầy một khối nhà. Lọ thuốc được kiểm tra dấu vân tay và những đầu mối khác có thể tiết lộ mối liên quan đến kẻ giết người.


Cũng trong tuần đó, từ New York, một người đàn ông tên Robert Richardson đã gửi một lá thư tới Chicago Tribune tuyên bố, anh ta và vợ không liên quan đến vụ khủng bố Tylenol và họ không có vũ khí. Robert Richardson là một trong nhiều bí danh từng được James W. Lewis sử dụng sau khi hắn bị bắt vì giết ông chủ cũ ở Kansas City một năm trước.


Ngày 11/11/1982, J&J tổ chức họp báo tuyên bố họ chuẩn bị đưa các sản phẩm Tylenol trở lại thị trường. Tuy nhiên, lần này, các lọ thuốc đều được bọc trong lớp vỏ mới, với nắp an toàn ba lần niêm phong. J&J cũng chi mạnh cho chiến dịch quảng cáo bao bì mới và tặng cho khách hàng mỗi lần mua bất cứ một sản phẩm Tylenol nào một coupon trị giá 2,5 USD. Những biện pháp trên đã thực sự hiệu quả. Không đầy hai tháng sau, lòng tin của người tiêu dùng Mỹ được khôi phục, J&J giành lại trên 98% thị phần so với trước cuộc khủng hoảng.


Một tháng sau khi các sản phẩm Tylenol quay trở lại thị trường, các đặc vụ FBI nhận được tin báo về tung tích của vợ chồng Lewis. Sau 10 tuần truy lùng, các nhà điều tra nhận thông tin từ một thủ thư cho biết đã vài lần nhìn thấy Lewis tại Thư viện Công cộng New York. Người thủ thư nhận ra nghi phạm này nhờ các poster truy nã dán ở nơi làm việc.


Ngày 13/12/1982, đặc vụ FBI bao vây Lewis tại phòng đọc của Thư viện Công cộng New York. Hắn bị bắt giam chờ thẩm vấn và ngay tuần tiếp theo, LeAnn Lewis ra trình diện cảnh sát Chicago. Cả hai vợ chồng phủ nhận mọi liên quan đến hành vi đầu độc thuốc Tylenol. Thêm nữa, James Lewis bác bỏ nét chữ trên bức thư tống tiền gửi J&J, mặc dù chữ viết và dấu vân tay trên thư khớp với anh ta.


Tháng 12/1982, giới chức Chicago tiết lộ, ai đó đã gửi một lá thư tống tiền khác đến Nhà Trắng, dọa đánh bom và gây thêm nhiều cái chết vì Tylenol nếu Tổng thống Ronald Reagan không thay đổi chính sách thuế của ông. Lewis kịch liệt bác bỏ việc anh ta đã viết lá thư thứ hai mặc dù chữ viết trên thư một lần nữa lại khớp một cách hoàn hảo.


Nhưng ngoài hai lá thư, các nhà điều tra không thể tìm ra bất cứ bằng chứng nào nối James Lewis hoặc vợ hắn tới các vụ khủng bố Tylenol. Hồ sơ cảnh sát cho thấy, trong thời gian các lọ thuốc bị đầu độc, vợ chồng Lewis sống trong một khách sạn ở New York.


Cảnh sát không thể phát hiện bất cứ dữ liệu nào từ hệ thống xe buýt, tàu hỏa và hàng không chỉ ra rằng vợ chồng Lewis đã trở về Chicago vào khoảng thời gian các lọ thuốc bị nhồi xyanua. Như vậy, khả năng cặp vợ chồng liên quan đến các vụ đầu độc Tylenol cũng bị loại bỏ. Lúc này, hầu như mọi đầu mối trong vụ án đều dẫn đến ngõ cụt, FBI và các cơ quan điều tra của Chicago buộc phải đồng ý với nhau rằng, kẻ khủng bố vẫn đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.


Bạch Đàn

 

Đón đọc kỳ 4: Hành trình vào bóng đêm

Khủng bố thuốc cảm Tylenol - Kỳ 2: Sáu cửa hiệu “bị nhồi” xyanua
Khủng bố thuốc cảm Tylenol - Kỳ 2: Sáu cửa hiệu “bị nhồi” xyanua

Mặc dù vậy, các bệnh viện trên khắp nước Mỹ vẫn phải tiếp nhận quá nhiều bệnh nhân tự nghi mình bị nhiễm độc xyanua từ thuốc Tylenol. Dòng bệnh nhân đổ tới chủ yếu do những cảnh báo của giới chức y tế về mối đe dọa và các triệu chứng, khiến nhiều người vừa sử dụng thuốc Tylenol tin rằng...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN