Cướp biển hào hoa ở New Orleans

Cướp biển hào hoa ở New Orleans-Kỳ 3: Barataria - xứ sở của cướp bóc và hoan lạc

Dưới trướng của Lafitte là một hạm đội gồm 50 thuyền buồm và một đội cướp biển hùng hậu đóng quân ở vịnh Barataria. Từ đó, các tàu hải tặc sẽ đi xuống các vùng biển phương nam để cướp bóc. Chúng chủ yếu đánh cướp các tàu Tây Ban Nha. Hàng hóa cướp được bao gồm đủ loại từ đồ nội thất, quần áo, vải lụa, hàng thêu, bộ đồ ăn, tác phẩm nghệ thuật, rượu và pho mát, thuốc men, và tất nhiên là cả nô lệ.

 

Vị trí của vịnh Barataria và đảo Grande Terre trên bản đồ.

 

Vịnh Barataria là nơi các con thuyền ra vào tấp nập mang theo những loại hàng hóa mà chúng cướp được. Trong những ánh tà hoàng hôn, người ta thường trông thấy bóng những cánh buồm hình vuông và tam giác trên những con tàu của Lafitte lấp ló nơi chân trời.


Barataria có ba hòn đảo Grande Terre, Grande Isle và Cheniere Caminada. Tất cả đều được đặt dưới sự cai quản của Lafitte. Hiển nhiên nơi đây trở thành một pháo đài của bọn chúng: không con tàu nào có thể ra hay vào sông Mississippi mà không phải đi qua ba hòn đảo này. Từ pháo đài này, các khẩu pháo của Lafitte hướng nòng ra vịnh Mêhicô sẵn sàng đánh chìm bất kỳ con tàu nào dám bén mảng đến nơi đây mà không được phép.


 

Hình phạt treo cổ dành cho những kẻ dám tấn công tàu Mỹ.

 

Các hoạt động của Lafitte tập trung chủ yếu ở Grande Terre. Ở đây, khoảng vào năm 1808, hắn cho xây dựng một ngôi nhà hai tầng bằng gạch quay mặt ra biển. Hắn thường sống ở đây giữa đống của cải mà hắn tích góp được từ vô số các kho báu bị đánh cướp. Trong gian phòng đầy đủ tiện nghi của mình, Lafitte và các phó tướng bàn bạc kế hoạch tiến hành các vụ cướp trên các tuyến hàng hải.


Thông thường, Lafitte tổ chức tiệc tùng dưới mái hiên nhà được lợp bằng lá cọ. Khách của hắn thường là những quý cô có vẻ đẹp mê hồn đến từ thị trấn hoặc từ một người quản lý đồn điền ở trong vùng. Tuy nhiên, phần đông khách hàng thường xuyên nhất của hắn là một nhóm các thương gia đến từ New Orleans để bàn bạc việc mua bán hàng hóa hoặc nô lệ. Sau bữa ăn thịnh soạn do những đầu bếp nối tiếng chuẩn bị, Lafitte sẽ dẫn các vị khách đi thăm kho hàng của hắn nằm ở phía sau nhà.

 

Jean Lafitte đã tiến hành cướp khoảng 100 tàu thuyền.

 

Nếu khách là những người quản lý đồn điền đang cần lao động, hắn sẽ dẫn họ đi thăm nơi ở của những nô lệ đang chờ đến ngày để bán. Trong thực tế, một số khách hàng của Lafitte là những người thuộc giới tăng lữ. Họ mua nô lệ về để làm việc trên những khoảnh đất của tu viện và ở những vườn rau sát với tu viện Ursuline ở New Orleans. Lafitte mua nô lệ với giá 300 đô la Mỹ một người, rồi sau đó bán lại ở New Orleans với giá 1.200 đô la, tuy vậy giá này vẫn thấp hơn giá của chính phủ. Chính vì vậy, Lafitte “đuổi” không hết khách.


Từ bờ biển Louisiana chỉ có một cách duy nhất tiếp cận hòn đảo này là đi thuyền. Grande Terre và các đảo xung quanh luôn là một nơi trú ngụ cho những tên tội phạm. Tướng cướp Blackbeard đã từng chọn nơi đây để trốn chạy các cuộc truy đuổi của hải quân Anh vào năm 1718. Người ta cho rằng Lafitte nảy ra ý tưởng đặt căn cứ hoạt động trên đảo Grande Terre vào khoảng năm 1808. Cho đến tận thời điểm đó, công việc kinh doanh của em trai Lafitte đã đi vào suôn sẻ: Jean điều hành công việc kinh doanh ở New Orleans, thiết lập các mối quan hệ để tìm đầu ra cho các hàng hóa của họ. Trong khi đó, Pierre phụ trách hoạt động cướp bóc trên biển. Nhưng thuế khóa cao đánh vào việc vận tải dọc theo dòng sông Mississippi khiến thu nhập của nhà Lafitte giảm sút. Ngoài ra, chính phủ cũng đã tăng thuế đối với mặt hàng nô lệ và các chủ đồn điền liên tục than phiền về giá cả tăng cao. Lafitte sớm nảy ra ý tưởng trốn thuế bằng cách cho các tàu của hắn thả neo ngoài khơi sau đó dùng thuyền nhỏ vận chuyển vào bờ. Hàng hóa sau đó sẽ được vận chuyển qua các đầm lầy và nhánh sông mà hắn thông thuộc để tránh bị chính phủ đánh thuế.


Tuy nhiên, bọn chúng nhận ra rằng, nếu hành động theo cách đó, chúng sẽ không thể giấu kín mãi được. Do vậy, việc thành lập một đội quân sẽ là cần thiết với mục đích đối đầu với chính quyền. Triển khai kế hoạch này, Jean mời tất cả các thành viên của các tàu mà hắn ký hợp đồng cùng xây dựng nhà trên đảo với hắn. Hắn nói với bọn họ rằng, đó sẽ là nơi ở không thể thiếu được của họ sau này. Lafitte biết một số người trước đó đã chuyển đến sinh sống trên đảo cùng với gia đình họ.


 

Hàng hóa cướp bóc được vận chuyển qua các đầm lầy và nhánh sông.

 

“Vương quốc” Barataria ra đời từ đó, với số lượng 1.000 người. Chỉ trong một thời gian ngắn, Grande Terre đã trở nên nhộn nhịp với những tên hải tặc đi tìm một “bến đỗ” để tổ chức các cuộc ăn chơi trác táng thâu đêm suốt sáng. Những kẻ này đến từ Pháp, Italia, Bồ Đào Nha, Caribê, Đức, Nga. Để thỏa mãn nhu cầu của họ, Lafitte cho xây dựng một quán cà phê với những món ăn mang phong vị châu Âu, một sòng bạc, một nhà chứa rồi sau đó tuyển gái điếm ở thành phố ra để phục vụ nhu cầu vui vẻ của những nam cư dân của “vương quốc”.


Lafitte và các cộng sự còn lập ra một “bộ luật dân sự” cho “thiên đường” này: Bất kỳ người đàn ông nào quấy nhiễu một người phụ nữ vô tội sẽ bị thả trôi trên biển. Những ai trộm cắp sẽ bị đánh bằng gậy. Những người nào phạm tội giết người dân Barataria sẽ bị treo cổ. Ngoài ra, bất kỳ thủy thủ nào bị mất chân hay tay trong khi thực hiện các vụ cướp sẽ được bồi thường bằng vàng; gia đình của người nào bị chết khi đang làm “nhiệm vụ” trên biển sẽ được chu cấp xứng đáng.


Đám phó tướng của Lafitte là những kẻ to lớn vạm vỡ thuộc mọi màu da. Họ là những chiến binh từng tham gia nhiều trận đánh trên các tuyến đường hàng hải khắp thế giới. Trong số đó có hai người từng là thủy thủ phục vụ trong lực lượng hải quân của Napoleon, Renato Beluche và Dominique Youx. Người dân Barataria có một quy định nghiêm ngặt về phân chia của cải cướp được. Do đó, các phó tướng này, khi trở về sau các chuyến cướp tàu đều phân chia đều của cải cướp được cho các thủy thủ dưới quyền hoặc để dành cho việc bảo dưỡng các tàu.


Thuộc hạ của Lafitte không bao giờ tấn công tàu mang quốc tịch Mỹ; đó là mệnh lệnh và là “kinh thánh”. Đánh chìm hay cướp một tàu Mỹ cũng có nghĩa là đọc lệnh khai tử cho Barataria. Người ta kể lại rằng, một trong những thuộc hạ của hắn vì tham lam các thỏi vàng mà đã chống lại lệnh của Lafitte, khi tên này cướp một tàu chở vàng của Mỹ và phải trả giá bằng chính cái chết của hắn. Hình phạt treo cổ khiến những kẻ khác có mưu đồ tương tự phải nhụt chí. Đình Vũ (tổng hợp)

Đón đọc kỳ cuối: Nỗi đau bị ruồng bỏ

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN