Cướp biển hào hoa ở New Orleans

Cướp biển hào hoa ở New Orleans-Kỳ 1: Bí ẩn nguồn gốc thương gia Lafitte

“Vua xứ Barataria”, “Kẻ khủng bố ở vịnh Mêhicô” là những “danh hiệu” mà người ta gán cho Jean Lafitte - một tên cướp biển khét tiếng ở New Orleans. Nhưng dù là một ông vua không ngai, một thương gia hay đơn thuần chỉ là một gã hải tặc sống ngoài vòng pháp luật thì huyền thoại về Lafitte vẫn được lan truyền. Tấm màn bí ẩn về nguồn gốc cũng như cách điều hành “vương quốc” của hắn khiến cho người ta vừa sợ vừa ngưỡng mộ.

 

Jean Lafitte.

Dưới đây là những gì mà người ta biết về những năm tháng đầu tiên của Jean Lafitte ở New Orleans (Mỹ): Trong khoảng giữa năm 1803 và 1814, hắn là kẻ đứng đầu và điều hành một đường dây buôn lậu. Thuộc hạ của hắn chuyên vận chuyển hàng hóa đến thành phố từ hang ổ của hắn ở Grande Terre, một hòn đảo trong vịnh Barataria ở cửa sông Mississippi. Những hàng hóa này được bán lại cho cả những người bán lẻ và các khách hàng trong thành phố. Người anh trai của hắn, Pierre là trợ thủ hàng đầu của hắn, chuyên trông nom việc giao hàng kịp thời cho các khách hàng. Hai anh em hắn còn cung cấp nô lệ cho các chủ đồn điền trồng bông và mía nằm dọc con sông Mississippi. Giá nô lệ của Lafitte thường thấp hơn rất nhiều so với giá của những thương gia buôn bán nô lệ có giấy phép do chính phủ cấp. Với giới buôn bán lớn, anh em nhà Lafitte chính là những thương gia chính hiệu.


Thông tin về tiểu sử của Jean Lafitte do những người quen biết hắn cung cấp đều rất khác nhau. Phần đông đều cho rằng, hắn sinh ra trong khoảng giữa giai đoạn 1778-1780. Gia đình Lafitte có nguồn gốc hoặc là Pháp, hoặc là Tây Ban Nha, Saint Dominique, Haiti hay một nơi nào đó. Hắn kể với thuộc hạ rằng, hắn đã từng chiến đấu với quân đội của Napoleon. Một số người lại khẳng định hắn con của một gia đình thuộc dòng dõi quý tộc Pháp. Nhưng có người tin rằng hắn là dân tị nạn trốn chạy khỏi sự cai trị của Tây Ban Nha ở vùng Caribê.


 

Xưởng rèn trên phố St. Phillippe của anh em nhà Lafitte.

 

Họ Lafitte khiến người ta liên tưởng đến việc anh em nhà Lafitte mang hơi hướng Pháp. Đây là một cái tên rất phổ biến ở các khu vực nói tiếng Pháp trên thế giới. Có lẽ, Saint Dominique, một thuộc địa của Pháp thời bấy giờ, là nơi xuất thân của anh em nhà Lafitte. Từ đây, gia đình Lafitte di cư sang Louisiana vào nửa sau của thế kỷ 17. Các tài liệu ghi lại về thời kỳ này là những cái họ Lafitte, Lafitte, La Fite và những họ tương tự như vậy.


Tất cả những giai thoại này nhằm mục đích che giấu một điều bí ẩn.


Có một vài tài liệu đáng tin cậy còn lại đến ngày nay đề cập đến quê hương của hắn; từ Bayonne, Brest, Marseilles và St. Malo ở Pháp; Orduna ở Tây Ban Nha đến Westchester, New York. Tất cả những nơi này đều không có khả năng đúng khi xem xét một thực tế rất quan trọng: khả năng của hắn trong việc vẽ bản đồ và xác định vị trí, chẳng hạn như những con kênh chạy dài hàng dặm ở khu vực đầm lầy và các nhánh sông tạo thành vùng châu thổ phía nam con sông Mississippi. Điều này cho thấy hắn không phải xuất thân từ một vùng đất xa lạ nào khác, mà có lẽ ngay ở miền nam Louisiana.


 

Đảo Grande Terre trong vịnh Barataria.

 

Những người sống lâu năm ở vùng này cho biết, họ không dám lang thang vào khu vực rừng cây bách rậm rạp bởi ít người có thể tìm được đường quay trở về nhà. Nhưng theo những bằng chứng còn lưu lại trong hồ sơ, Lafitte “biết chính xác từng con lạch đổ ra vịnh hơn bất kỳ người nào khác”. Bởi vậy, khi nước Anh quyết định tấn công New Orleans vào năm 1814, họ đã tìm và nhờ Lafitte dẫn đường cho quân đội đi xuyên qua khu vực đầm lầy hiểm trở để tiến vào “cửa sau của New Orleans”.


Lafitte lần đầu xuất hiện trong thành phố là vào khoảng năm 1803 khi hắn và anh trai Pierre mở một xưởng rèn trên phố St. Phillippe. Thực ra, công việc này chỉ là cái vỏ bọc cho việc tập kết các hàng hóa cướp được từ những con tàu trên biển. So với những người lần đầu tiên mới đặt chân đến thành phố, anh em Lafitte nắm bắt khá nhanh lối sống của người dân thành phố và cũng chẳng mấy chốc chúng tường tận từng ngõ ngách trong khu vực đặt xưởng rèn. Điều thành công nhất với anh em Lafitte là chúng chẳng mấy chốc đã chiếm được cảm tình của những người bán hàng, các chủ ngân hàng, cũng như của giới quý tộc địa phương. Trong quan hệ với giới quý tộc, gia đình Lafitte, nhất là Jean tỏ ra là một quý ông lịch sự, có văn hóa khi hắn có thể nói thành thạo bốn thứ tiếng (Anh, Pháp, Italia và Tây Ban Nha) và có thể bàn luận về chính trị và chính sách của New Orleans giỏi hơn bất kỳ người nào khác ở đây. Với âm giọng Pháp và dáng vẻ lịch thiệp, Jean Lafitte dễ dàng hòa nhập vào các nền văn hóa Creole and Acadian - những nền văn hóa mà hắn hiểu rõ như một người bản xứ.


Đình Vũ (Tổng hợp)

 

Kỳ 2: Tướng cướp “sát gái”

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN