Đêm 24 và rạng sáng 25/3/1944, hơn 200 sĩ quan, các tù binh (sĩ quan quân đồng minh) của nhà tù Stalag Luft III, nằm ở miền đông nước Đức, đã tiến hành một cuộc vượt ngục vĩ đại. Cuộc vượt ngục này là kết quả của một quá trình chuẩn bị được tiến hành trong nhiều tháng trước đó, trong đó có việc đào một đường hầm có chiều dài lên đến trên 100 m. Tổng số có 76 tù nhân đã thoát được ra bên ngoài nhà tù bằng con đường này. Tuy nhiên, chỉ có 3 người tìm được đường về đến nước Anh, 23 người bị bắt trở lại các trại giam và có tới 50 tù nhân khác bị lực lượng mật vụ phát xít Đức (Gestapo) cho “tắm” trong biển máu.
Kỳ 1: Nhà tù đặc biệt
Chỉ huy trưởng nhà tù, Đại tá Lindeiner. |
Nhà tù Stalag Luft III nằm cách thủ đô Béclin khoảng 135 km về phía đông nam, bắt đầu được đưa vào hoạt động từ năm 1942 khi mà những người tù đầu tiên được đưa đến vào tháng 4 năm đó. Ban đầu, nhà tù này nằm trong mạng lưới những nhà tù đặc biệt, chuyên giam giữ các tù binh chiến tranh là phi công. Hiển nhiên, không có một lý do gì để tù nhân không phải là phi công xuất hiện ở Stalag Luft III, ngoại trừ người đó được đánh giá là “quan trọng”. Số tù nhân ban đầu bị giam giữ ở đây là vào khoảng 1.000 người, trong đó có khoảng 500 phi công thuộc lực lượng Không quân hoàng gia Anh (RAF) và các nước thuộc Khối thịnh vượng Anh, 300 tù nhân là người Mỹ và số còn lại đến từ những nước như Ba Lan, Séc, Pháp...
Stalag Luft III được xây dựng trên một khu đất trống, nằm giữa một cánh rừng thông. Chu vi nhà tù này vào khoảng 1.350 m. Bao bọc quanh nhà tù là hai hàng rào dây thép gai cao gần 2,5 m; lớp nọ cách lớp kia khoảng 1,5 m và giữa hai hàng rào này là lớp dây thép gai bùng nhùng. Phía bên trong trại giam, cách các lớp hàng rào khoảng gần 5 m là một hàng rào bằng gỗ. Bất kỳ tù nhân nào dại dột bước qua hàng rào này sẽ bị lính gác đứng trên các tháp canh bắn chết ngay lập tức. Luôn có lính túc trực trên các tháp canh quanh nhà tù 24/24 giờ. Mỗi tháp canh được trang bị một khẩu súng máy, súng tiểu liên và đèn pha.
Stalag Luft III có 15 dãy nhà gỗ được xây dựng cách mặt đất khoảng 60 cm, vì thế mà những tên lính gác có thể bò bên dưới và truy tìm các đường ngầm. Mỗi khu nhà có một gian bếp nhỏ, trong đó có một bếp lò, nhà vệ sinh và một chỗ để rửa mặt. Chỗ rửa và bếp lò được xây cất trên nền bê tông. Chỉ huy trưởng nhà tù, Đại tá Lindeiner, tự tin khi cho rằng, đây là một nhà tù có mức độ an ninh cao. Hắn hy vọng các tù nhân sẽ ngoan ngoãn chấp nhận cuộc sống tù đầy cho đến tận khi chiến tranh kết thúc.
Nếu không có các thùng thực phẩm cứu trợ của hội Chữ thập đỏ quốc tế, lương thực sẽ trở thành một vấn đề nan giải trong nhà tù này. Người nhà các tù nhân cũng được phép gửi đồ cho thân nhân, nhưng hầu hết những gói hàng này đều bị bớt xén trước khi đến được tay của người nhận. Theo quy định của những người tù ở Stalag Luft III, mỗi thùng hàng khi được gửi đến (cả của thân nhân tù binh và của hội Chữ thập đỏ) đều được chia ra. Do đó, quần áo, dao cạo râu, khăn mặt, cà phê, trà, thịt hộp, mứt, đường và những loại hàng hóa thiết yếu khác đều được chia cho các tù nhân.
Ở nhiều nhà tù khác, các tù nhân là sĩ quan được cấp một khoản tiền - loại tiền đặc biệt, chỉ lưu hành nội bộ trong nhà tù đó. Họ có thể sử dụng loại tiền này để mua một số hàng hóa thiết yếu. Các hạ sĩ quan thì không được cấp loại tiền tiêu vặt này, nhưng các tù nhân sĩ quan thường chia sẻ số tiền này với họ. Việc sở hữu, sử dụng tiền thật của Đức trong các nhà tù là một điều cấm kỵ, bởi tiền Đức được coi là một công cụ quan trọng hỗ trợ tù nhân trốn trại. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó mà ở Stalag Luft III ngay cả loại tiền nội bộ này cũng không được lưu hành. Thay thế vào đó, một phương thức trao đổi hàng hóa được thiết lập có tên là “Foodacco”. Theo đó, các tù nhân được phép bán bất kỳ loại thực phẩm hoặc hàng hóa nào mà họ có để đổi lấy “điểm”. Sau đó, họ có thể dùng số “điểm” này để “mua” các loại hàng hóa, vật dụng của những tù nhân khác mà họ cần.
Việc giữ được huy hiệu không quân và quân hàm ở một địa điểm bí mật trong trường hợp người tù trốn trại được là điều hết sức quan trọng bởi việc này sẽ chứng minh rằng họ không phải là gián điệp. Hiệp định Geneva quy định, nếu như quân nhân không mặc quân phục, họ có thể sẽ bị bắn chết vì bị coi là gián điệp. Phát xít Đức cũng phát cho mỗi tù nhân một thẻ tù nhân chiến tranh. Chiếc thẻ này cũng có thể được sử dụng làm bằng chứng để chứng minh danh phận thật của họ.
Theo quy định ngầm của tù nhân, những người tù mới đến trại giam phải được hai tù nhân cũ từng biết mặt họ thẩm định. Đây là việc làm hết sức cần thiết để đề phòng việc phát xít Đức cài người tìm hiểu về các chiến dịch trong trại giam cũng như các kế hoạch vượt ngục. Những kẻ cài cắm này được gọi là “những tên chỉ điểm”. Nếu người tù mới đến không nêu ra được hai người làm chứng thì họ sẽ bị các tù nhân là các sĩ quan cao cấp thẩm vấn liên tục. Ngoài ra, người này cũng luôn bị những tù binh khác giám sát cho đến tận khi anh ta được đánh giá là trung thực. Nếu có tên chỉ điểm nào được cài cắm thì chúng cũng bị phát hiện một cách nhanh chóng. Thực tế chỉ ra rằng, không có bằng chứng nào cho thấy những kẻ cài cắm hoạt động thành công ở Stalag Luft III.
Khánh Chi (Tổng hợp)
Đón đọc kỳ 2: Tổ chức mang mật danh “X” và ba đường hầm