Chiến dịch giải cứu con tin Mỹ tại Iran - Kỳ 1

Vụ những người tiến hành cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran chiếm giữ Đại sứ quán Mỹ ở Têhêran và bắt giữ hơn 50 nhà ngoại giao Mỹ làm con tin trong suốt 444 ngày đêm năm 1979-1980 để hạ nhục siêu cường Mỹ, đã gây chấn động dư luận thế giới.

 

Máy bay Mỹ tan xác trên sa mạc Pécxich


Khi đó, Mỹ đã lên một kế hoạch liều lĩnh để giải cứu các con tin, nhưng bị thảm bại ngay từ đầu và để lại một vết nhơ, một lòng thù hận. Giờ đây, siêu sao George Clooney đang có kế hoạch dựng thành phim sự kiện này. Tuy nhiên, Hollywood đã bất công khi không đả động gì tới vai trò của người Đức trong cuộc khủng hoảng con tin khi đó, một vai trò mà cho tới nay có rất ít người biết tới. Vai trò của Đức khi đó có thể lý giải phần nào vai trò của Đức hiện nay trong cuộc khủng hoảng hạt nhân với Iran.

 

Chiến dịch “Móng vuốt đại bàng”

 

Trước khi mặt trời như một quả cầu lửa xuất hiện trên vịnh Ôman, 8 chiếc máy bay trực thăng CH-53 của Mỹ đã cất cánh trên Hàng không mẫu hạm USS “Nimitz” và bay theo lộ trình về phía bắc. Mục tiêu của chúng là sa mạc muối Dascht-i-Kawir ở Iran cách đó 6 giờ bay, một trong những nơi hoang vắng nhất trên thế giới. Tại đó, một đội gồm vài chục binh sĩ tinh nhuệ Mỹ đang chờ đợi trong đêm tối như mực. Họ đã được máy bay vận tải đưa tới đây từ trước.

 

Một trong số 52 con tin Mỹ bị trói và bịt mắt được đưa ra gặp gỡ báo chí 4 ngày sau khi bị bắt giữ.


Đó là ngày 25/4/1980 và nếu như chiến dịch “Móng vuốt đại bàng” (Eagle Claw) hôm đó thành công thì giờ đây người Mỹ có thể huênh hoang nói về cuộc giải phóng con tin có lẽ đặc sắc nhất trong lịch sử thế giới. Bởi vì theo kế hoạch, đội biệt kích đó sẽ đột nhập vào Têhêran và giải cứu trên 50 nhà ngoại giao, nhân viên và lính thủy đánh bộ, những người mà từ nhiều tháng qua là con tin của những người theo Giáo chủ Ajatollah Khomeini, nhân vật có thế lực mới ở Iran sau khi Quốc vương Shah bị lật đổ tháng Giêng năm 1979 trong cuộc Cách mạng Hồi giáo. Những đệ tử của ông đã xông vào sứ quán Mỹ ở Têhêran ngày 4/11/1979 và bắt giữ các con tin, nhằm buộc Mỹ phải dẫn độ Quốc vương Shah đã chạy trốn sang Mỹ trở lại Iran.

 

Chiến dịch thảm bại khi chưa bắt đầu

 

Kế hoạch táo bạo được đề ra là các binh sĩ Mỹ bất ngờ đổ bộ xuống Têhêran, giành lại các con tin đang bị giam giữ trong Đại sứ quán và dùng máy bay trực thăng đưa các con tin này từ một sân bay ở ngoại ô Têhêran tới một nơi an toàn do Mỹ kiểm soát. Nhưng đội biệt kích đó đã không bao giờ tới được thủ đô Têhêran, vì bão cát đã buộc một trong những chiếc trực thăng đó quay về khi đang trên đường bay tới sa mạc muối, một chiếc khác phải hạ cánh khẩn cấp. Khi một chiếc máy bay trực thăng thứ ba phải bỏ cuộc do trục trặc trong hệ thống thủy lực thì Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã phải quyết định đình chỉ chiến dịch liều lĩnh này, vì giới quân sự cần tới ít nhất 6 máy bay cho kế hoạch giải cứu nói trên.

 

Riêng đó đã là một thảm bại. Nhưng chiến dịch đã trở thành một thảm họa, khi cất cánh quay về, một chiếc máy bay trực thăng và một trong những chiếc máy bay vận tải đã đâm vào nhau và cả hai cháy trụi. 8 binh sĩ tử nạn, 12 người khác bị thương. Ngày hôm sau, ảnh của xác những chiếc máy bay cháy đen trên sa mạc Pécxích được phát đi toàn thế giới, biểu tượng cho sự hạ nhục chưa từng có đối với siêu cường Mỹ của những người Hồi giáo cực đoan. Giờ đây, Carter phải điều đình với họ và mãi tới tháng 1/1981, các con tin mới được trả tự do.

 

Cho tới ngày nay, nhiều người Mỹ vẫn còn coi cuộc khủng hoảng con tin đó là biểu tượng cho cuộc chiến giữa các nền văn hóa. Nó đánh dấu bước khởi đầu của sự thù địch vẫn còn kéo dài giữa Oasinhtơn và chính quyền Hồi giáo Têhêran. Vụ bắt giữ con tin và việc giải cứu bất thành đã làm cho Jimmy Carter mất chức Tổng thống do không được bầu lại tháng 11/1980 và Ronald Reagan được thay vào vị trí của ông ta.



Văn Long (Theo tạp chí Der Spiegel)

Chiến dịch giải cứu con tin Mỹ tại Iran - Kỳ 2
Chiến dịch giải cứu con tin Mỹ tại Iran - Kỳ 2

Hầu như ít ai biết được những tình tiết về vai trò của người Đức trong việc giải quyết vụ con tin tại Sứ quán Mỹ ở Têhêran. Nhiều chàng trai trẻ xung quanh Giáo chủ Khomeini đã từng học đại học ở CHLB Đức nên có lòng tin nhất định đối với chính quyền Bon.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN