"Jack the Ripper" (tạm dịch: Jack - kẻ sát nhân đồ tể) là một trong những cái tên được biết đến nhiều nhất trong những kẻ sát nhân nổi tiếng nhất trên thế giới. Trong khoảng 3 năm từ năm 1888, hắn là nỗi khiếp đảm với người dân Luân Đôn và sự xấu hổ của cảnh sát nước Anh khi lần lượt 11 nạn nhân, trong đó đa phần là phụ nữ, bị sát hại một cách tàn bạo và bệnh hoạn. Tuy nhiên, danh tính đích thực của kẻ giết người cho đến nay vẫn nằm sau bức màn đen bí ẩn.
Hình ảnh mô tả một vụ giết người của “Jack the Ripper”. |
Vào cuối thế kỷ 19, thủ đô Luân Đôn dưới sự cai trị của Nữ hoàng Victoria phát triển vô cùng hưng thịnh, trở thành một thỏi nam châm thu hút dân nhập cư khắp thế giới đổ về. Phần đông trong đó là người Ailen, người Do Thái đến từ Đông Âu và người Nga. Họ sống chen chúc trong các khu ổ chuột bẩn thỉu và nhếch nhác ở khu East End, trái ngược với khu West End là nơi sinh sống của giới nhà giàu. East End tập trung những ngành nghề vất vả và ô nhiễm nhất của thành phố: Thuộc da, chưng cất bia rượu, xưởng đúc kim loại, lò thủy tinh, lò mổ…
Mô tả Whitechapel trong giai đoạn 1883-1884, diễn viên nổi tiếng Jacob Adler viết: “Càng thâm nhập sâu vào Whitechapel, trái tim của chúng tôi càng nặng trĩu. Đây có phải là Luân Đôn hay không? Sự nghèo khổ ở Luân Đôn giữa thập niên 1880 là cái chúng ta chưa bao giờ từng chứng kiến như ở Nga hay những khu ổ chuột tồi tàn nhất ở New York”.
Một lá thư thách thức cảnh sát của “Jack the Ripper”. |
Năm 1902, nhà văn người Mỹ Jack London đã cải trang trong bộ quần áo rách rưới, lang thang nhiều ngày ở Whitechapel để tìm cảm hứng viết cuốn “Những người của đáy vực” (The People of the Abyss), trong đó ông mô tả những kiếp người cơ cực, sống dưới tận cùng của xã hội ngay giữa lòng Luân Đôn. Là người theo chủ nghĩa xã hội, Jack London cho rằng thế giới cần phải biết đến mặt trái của thành phố phồn hoa nhất của quốc gia đẻ ra chủ nghĩa tư bản hiện đại. Với những ngôi nhà xập xệ, xung quanh là cống rãnh và chất thải chảy ra từ các lò mổ, Whitechapel giống như một vết nhơ trên khuôn mặt nguy nga tráng lệ của thành phố Luân Đôn. Cuộc sống khó khăn luôn là mảnh đất màu mỡ cho bạo lực, cướp bóc, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác phát triển. Ước tính của cảnh sát Luân Đôn vào tháng 10/1988 cho biết có 62 nhà thổ với 1.200 gái mại dâm “mạt hạng nhất” hành nghề ở Whitechapel. Cách tốt nhất để họ quên lãng cuộc sống khó khăn là những chai rượu gin có giá vài xu.
Những nạn nhân xấu số
Cơn ác mộng “Jack the Ripper” bắt đầu vào thứ Sáu, ngày 31/8/1888, khi cơ thể của một phụ nữ tên là Mary Ann Nicholls, 42 tuổi, được tìm thấy ở phố Bucks Row (nay là phố Durwald Street). Mặt mũi nạn nhân bầm tím và cổ họng bị cứa hai vết sâu khiến đầu gần như lìa khỏi cổ. Bụng của Nicholls bị rạch toang. Nicholls sau đó đã được công nhận là nạn nhân đầu tiên của “Jack the Ripper".
Ngày 8/9/1888, nạn nhân thứ hai đã được phát hiện. Đó là Annie Chapman, 47 tuổi, một phụ nữ sống bằng nghề “ăn sương”. Thi thể của cô được tìm thấy trên một lối đi bộ phía sau phố Hanbury. Một số tài sản cá nhân vương vãi xung quanh. Cũng giống như Nicolls, hầu như không còn phần nội tạng nào của Chapman còn nguyên vẹn.
Một góc Whitechapel, “địa bàn hoạt động” của “Jack the Ripper”. |
Ngày 28/9, hãng Thông tấn Trung ương Anh nhận được một lá thư ký tên “Jack the Ripper” tự nhận là tác giả của hai vụ thảm sát nói trên và đe dọa sẽ còn nhiều nạn nhân nữa. Cái tên “Jack đồ tể” nhanh chóng hằn sâu vào nỗi sợ hãi của người dân sau khi nó xuất hiện trên nhiều tờ báo cùng lúc. Cả khu vực Whitechapel ở East End hoảng loạn. Một số kẻ quá khích thậm chí còn tấn công bất cứ ai mang theo túi màu đen sau khi có tin đồn lan truyền rằng “Jack the Ripper” luôn mang dao trong túi để sẵn sàng hành động.
Ngày 30/9/1888, tức chỉ hai ngày sau, đã cho thấy những lời đe dọa của “Rack the Ripper” không phải là đe dọa suông, khi mà có tới hai nạn nhân nữa bị sát hại trong khoảng thời gian cách nhau không lâu. Elizabeth Stride là một trong hai người phụ nữ không may mắn đó. Xác của cô gái điếm này được tìm thấy ở phố Berner vào lúc 1 giờ sáng, khi máu vẫn còn đang chảy ra từ cổ họng. Hiện trường xung quanh cho thấy dường như đã có một cuộc vật lộn dữ dội giữa nạn nhân và thủ phạm.
Nạn nhân tiếp theo được phát hiện chỉ 45 phút sau đó, trên một con hẻm chỉ cách phố Berner vài phút đi bộ. Chứng kiến thi thể của Crtherine Eddowes, 43 tuổi, không ai có thể kìm nén được lòng thương cảm. Lần theo dấu máu hiện trường, cảnh sát tìm đến một ô cửa gần đó, nơi một dòng chữ được viết bằng phấn: "Người Do Thái không phải là những người không bị buộc tội". Không hiểu vì lý do gì mà, Charles Warren, Giám đốc cảnh sát Luân Đôn khi đó đã ra lệnh xóa dòng chữ này. Vì vậy, một trong những manh mối có giá trị nhất đã bị phá hủy.
Sự kinh dị của hai vụ giết người xảy ra gần như đồng thời đã bóp nghẹt tinh thần người dân Luân Đôn. Người ta rỉ tai nhau những tin đồn kiểu như “Jack the Ripper” là một bác sĩ điên rồ, một người Ba Lan mất trí, một người Nga và thậm chí một nữ hộ sinh thần kinh. Sau đó, hãng Thông tấn Trung ương Anh nhận được một lá thư khác từ “Jack the Ripper" nói rằng hắn rất tiếc vì đã không thể gửi cho cảnh sát cái tai của nạn nhân như đã hứa.
Ngày 9/11, “Kẻ sát nhân đồ tể” tái xuất giang hồ. Nạn nhân mới nhất tên là Mary Jeanette Kelly, một cô gái 25 tuổi xinh xắn. Thi thể của cô được tìm thấy trong phòng trọ tại khu nhà Millers ở phố Dorset Street (ngày nay là phố Duval Street). Cảnh tượng trong phòng vô cùng kinh khủng. Người thu tiền nhà trọ phát hiện ra thi thể của Kelly, nói: "Tôi sẽ bị ám ảnh từ nay đến cuối đời".
Kelly được coi là nạn nhân chính thức cuối cùng của “Jack the Ripper”. Nhưng trên thực tế, ngoài 5 nạn nhân nói trên còn có 6 phụ nữ khác bị giết hại ở các địa điểm khác nhau và theo cách thức khác nhau, giữa các vụ có những điểm chung: Đó là xảy ra trong địa phận Whitechapel, nạn nhân thường là gái điếm và thi thể của họ không bao giờ còn nguyên vẹn. Vì vậy họ được gọi chung là nạn nhân của “các vụ giết người ở Whitechapel”. Sự hoảng sợ và giận dữ của công chúng trước kẻ sát nhân bệnh hoạn đã buộc Giám đốc Cảnh sát Luân Đôn khi đó là Charles Warren phải từ chức.
Thủ phạm là ai?
Các vụ giết người xảy ra liên tục được cho là vượt quá tầm xử lý của cảnh sát địa phương, buộc cảnh sát Anh phải cử nhiều thám tử tài ba nhất xuống để hỗ trợ. Trong suốt 100 năm sau, nhiều cái tên đã được nhắc đến như là nghi phạm của các vụ giết người rùng rợn. Có hai kẻ giết người còn tự nhận mình là “Jack the Ripper” để được… nổi tiếng, song đều được chứng minh không có mặt tại hiện trường vào thời điểm xảy ra vụ án. Ngay cả một thành viên của gia đình Hoàng gia Anh cũng bị đưa vào tầm ngắm. Đó là Công tước xứ Clarence, con trai cả của Hoàng tử xứ Wales và Alexandra.
Theo phán đoán của cảnh sát, chỉ còn 4 nhân vật có tình nghi lớn nhất là “Jack the Ripper”, bao gồm: Kosminski, một người Ba Lan gốc Do Thái sống trong khu ổ chuột của Whitechapel; Montague John Druitt, một luật sư kiêm giáo viên đã tự tử vào tháng 12/1888; Michael Ostrog, một kẻ chuyên sống bằng nghề trộm cắp và lừa gạt; và Francis J. Tumblety, 56 tuổi, một lang băm người Mỹ bị bắt vào tháng 11/1888 vì tội quấy rối tình dục và đã chuồn khỏi nước Anh sau khi được bảo lãnh tại ngoại. Tuy nhiên, để khoanh vùng bốn nghi phạm này cảnh sát chỉ dựa trên phân tích và phán đoán chứ không đưa ra được bằng chứng cụ thể nào. Vì vậy, kẻ “sát nhân đồ tể” chưa bao giờ bị mang ra xét xử.
Ngày nay, hồ sơ vụ án đã được khép lại nhưng đề tài “Jack the Ripper” vẫn luôn nóng hổi trong các tác phẩm văn học, báo chí, điện ảnh và nhiều loại hình dịch vụ ăn theo ở nước Anh. Sự bí hiểm của vụ sát nhân hàng loạt đã được đẩy lên tới mức toàn bộ sự thật đã được kịch tính hóa và nhào nặn để rồi trong đầu người dân ngày nay chỉ còn đọng lại các tình huống và hình ảnh hư cấu.
V.H (Tổng hợp)