Bí mật đồng xu rỗng-Kỳ cuối: Điệp viên bí ẩn mang mật danh “Mark”

Một cuộc điều tra rộng khắp được tiến hành nhằm tìm ra danh tính của “Quebec”. Người ta nhanh chóng thu được kết quả khi Phòng kỹ thuật của FBI phát hiện một đoạn vi phim rộng chưa đầy 2,54 cm2. Đoạn vi phim này chứa đựng một bức điện đánh máy xác định rõ “Quebec” tên thật là Trung sĩ Roy Rhodes. Các đặc vụ Liên Xô đã tuyển mộ anh này vào tháng 1/1952. Thông tin về việc Rhodes dính líu đến hoạt động gián điệp của Liên Xô được chuyển cho Lục quân; và sau một phiên xử của tòa án binh, anh bị kết án 5 năm lao động khổ sai.


 

Abel, người ngồi thứ hai từ trái sang, tại trụ sở KGB.

Hayhanen miêu tả “Mark” trạc 50 tuổi hoặc nhiều hơn một chút; cao khoảng 1,78m; có mái tóc lốm đốm bạc; và vóc người trung bình. Điệp viên bí ẩn này của Liên Xô là một nhiếp ảnh gia kinh nghiệm. Hayhanen nhớ lại một lần vào năm 1955, “Mark” đưa anh ta tới một phòng kho lưu giữ các tấm ảnh ở trên tầng bốn hay tầng năm của một tòa nhà gần phố Clark và Fulton ở quận Brooklyn.


Quá trình lùng sục phòng kho này đã dẫn các đặc vụ FBI đến một tòa nhà ở số 252 phố Fulton. Trong số các chủ căn hộ có Emil R. Goldfus, một nhiếp ảnh gia có studio trên tầng năm kể từ tháng 1/1954 – và người này trước đây đã từng thuê một gian phòng kho trên tầng năm.


 

Viên phi công lái chiếc máy bay U - 2 bị bắn rơi, Francis Gary Powers.

 

Tháng 4/1957, (cùng tháng đó Hayhanen lên tàu đi châu Âu theo lệnh triệu hồi về Mátxcơva), Goldfus nói với một số người người hàng xóm trong tòa nhà trên phố Fulton rằng anh chuẩn bị đi nghỉ bảy tuần ở phía Nam. “Đó là lời khuyên của bác sĩ”, anh giải thích. “Tôi bị bệnh xoang”.


Goldfus biến mất vào khoảng ngày 26/4/1957. Chưa đầy ba tuần sau, các đặc vụ FBI được triển khai bên ngoài tòa nhà số 252 phố Fulton. Vì diện mạo Goldfus trùng khớp với miêu tả của Hayhanen về chỉ huy mạng lưới phản gián “Mark” nên FBI đã bí mật tiến hành theo dõi studio chụp ảnh ở địa chỉ đó.


Ngày 28/5/1957, các đặc vụ quan sát thấy một người đàn ông giống “Mark” đang ngồi trên một ghế đá trong công viên mặt hướng về phía lối vào tòa nhà ở số 252 trên đường Fulton. Người đàn ông này thỉnh thoảng đi lại quanh công viên; anh có vẻ bồn chồn và dường như đang đợi ai đó – có thể anh đang cố gắng phát hiện ra có điều gì bất thường diễn ra ở khu vực xung quanh. Lúc 6 giờ 50 chiều, người đàn ông này rời khỏi vị trí. Các đặc vụ FBI đoán rằng hành động của họ vẫn chưa bị lộ nên chọn phương án chờ đợi, thay vì bám theo người đàn ông này. “Nếu đó là ‘Mark’, người này sẽ trở lại”, họ suy đoán.


Trong khi hoạt động theo dõi vẫn được tiếp tục duy trì ở địa chỉ số 252 phố Fulton, các đặc vụ FBI khác hàng ngày kiểm tra các “hòm thư chết” mà Hayhanen khai anh ta và “Mark” đã sử dụng. Sự kiên nhẫn của các đặc vụ FBI cuối cùng cũng có kết quả vào ngày 13/6/1957. Vào lúc 10 giờ, họ trông thấy các bóng đèn trong studio của Goldfus bật sáng, và một người đàn ông đang đi lại trong phòng.


Các bóng đèn vụt tắt lúc 11 giờ 52, và một người đàn ông rất giống với mô tả về “Mark” bước vào khoảng bóng tối bên ngoài tòa nhà. Anh ta đi dọc theo theo phố Fulton đến một ga tàu điện ngầm gần đó. Lát sau, các đặc vụ của FBI trông thấy anh bắt tàu đi đến phố 28 và vào trong khách sạn Latham trên đường 28 Đông.
Hôm 15/6, một tấm ảnh của Goldgus mà FBI đã chụp trộm được chuyển cho Hayhanen. “Các ông đã tìm thấy hắn rồi”, kẻ phản bội thốt lên. “Đó là ‘Mark’”.


Goldfus – đăng ký ở khách sạn Latham dưới cái tên Martin Collins – bị theo dõi liên tục từ đêm 13/6 cho đến tận sáng 21/6/1957. Trong thời gian này, các đặc vụ FBI thận trọng chắp nối các chứng cứ thu lượm được. Mọi vấn đề phải được giải quyết trước khi FBI quyết định bắt sĩ quan tình báo Liên Xô này.


Bị Cục nhập cảnh bắt giữ với tội danh xâm nhập trái phép vào nước Mỹ và không đăng ký là người nước ngoài, “Mark” tỏ thái độ thách thức. Anh từ chối hợp tác.
Sau khi tiến hành bắt giữ, lực lượng điều tra phát hiện thấy “Mark” sở hữu nhiều loại giấy tờ giả, bao gồm hai giấy khai sinh Mỹ. Tờ thứ nhất cho thấy, anh là Emil R. Goldfus, sinh ngày 8/2/1902 ở thành phố New York. Theo thông tin trên tờ thứ hai, anh tên là Martin Collins, sinh ngày 2/6/1897 cũng ở New York. Cuộc điều tra sau này cho thấy, Emil Goldfus, người trên giấy khai sinh “Mark” đang sử dụng, đã chết từ khi còn nhỏ. Giấy khai sinh dưới cái tên Collins là giấy tờ giả.


Trong suốt thời gian hoạt động tình báo, ngoài những cái tên kể trên, “Mark” cũng đã sử dụng nhiều tên khác. Chẳng hạn, mùa thu năm 1948, trên đường từ Liên Xô sang Mỹ, anh lấy tên là Andrew Kayotis. Andrew Kayotis thật, sinh ở Látvia vào ngày 10/10/1895, và đã chết trong một bệnh viện ở nước CH thuộc Liên Xô.


Ngày 15/7/1947, “Mark” dưới cái tên Andrew Kayotis, lúc đó đang sống ở thành phố Detroit, được cấp một hộ chiếu vì thế anh có thể thăm viếng họ hàng ở châu Âu. Khi tiến hành điều tra ở Detroit, một số người kể rằng lúc rời khỏi nước Mỹ, Kayotis đang trong tình trạng sức khỏe rất yếu. Các lá thư sau đó anh gửi về cho thấy anh đã phải vào nằm trong một bệnh viện ở Látvia. Khi bạn bè của Kayotis ở Michigan không còn nhận thêm được thông tin nào của anh, họ cho rằng anh đã qua đời.


“Mark” thú nhận rằng, anh là một công dân Liên Xô, tên là Rudolf Ivanovich Abel, sinh ngày 2/7/1902 ở Liên Xô. Mặc dù anh từ chối nói về các hoạt động tình báo của mình nhưng studio ảnh và căn phòng trong khách sạn mà anh ở hẳn nhiên là các bảo tàng về trang thiết bị hiện đại phục vụ cho hoạt động phản gián. Ở đó, lực lượng điều tra tìm thấy các máy thu sóng ngắn, các khóa mã, máy chụp ảnh và các cuộn phim dùng để sản xuất tài liệu mật thu nhỏ như dấu chấm, một bàn cạo râu rỗng ruột, các khuy và vô số các loại thiết bị chuyên dụng khác phục vụ cho hoạt động tình báo.


Bị cáo buộc tội danh hoạt động gián điệp, Đại tá Abel bị đưa ra xét xử tại tòa án liên bang ở thành phố New York vào tháng 10/1957. Trong số các nhân chứng được triệu tập đến phiên tòa có cấp dưới một thời được anh tin cậy, Trung tá Reino Hayhanen.


Ngày 25/10/1957, tòa tuyên án Abel phạm ba tội danh: âm mưu chuyển giao các thông tin liên quan đến quốc phòng cho Liên Xô, âm mưu thu thập tin tức quốc phòng và âm mưu hoạt động gián điệp bất hợp pháp. Tổng cộng Abel phải chịu mức án 45 năm tù giam và nộp phạt 3.000 đô la Mỹ.


Đại tá Abel gửi đơn kháng cáo vì cho rằng các quyền do hiến pháp và luật pháp nước Mỹ dành cho anh đã bị vi phạm. Với một quyết định được đưa ra ngày 28/3/1960, Tòa án tối cao nhất trí giữ nguyên bản án đã tuyên. Ngày 10/2/1962, Rudolf Invanovich Abel được mang ra trao đổi với Francis Gary Powers - viên phi công lái chiếc máy bay U - 2 do thám bị Liên Xô bắn rơi và đang giam giữ năm 1960.


Đình Vũ (tổng hợp)

Bí mật đồng xu rỗng: Kỳ 3: Truy tìm điệp viên “Mikhail”
Bí mật đồng xu rỗng: Kỳ 3: Truy tìm điệp viên “Mikhail”

Tại ngôi nhà bình dị của gia đình Hayhanen ở đường Dorislee, Peekskill, New York, các đặc vụ FBI tìm thấy những đồng xu giống như đồng 50 Markka của Phần Lan. Chúng được khoét rỗng bên trong và có một lỗ nhỏ trên chữ “a” đầu tiên của từ “Tasavalta” ở trên mặt sau của đồng xu này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN