10 năm đã trôi qua, hung thủ của vụ án vẫn là một ẩn số không có lời giải. Tháng 6/2006, khi trong lòng vẫn mang nặng nỗi đau mất con của 10 năm trước, bà Patsy đã trút hơi thở cuối cùng vì căn bệnh ung thư vú.
John Mark Karr bị bắt giữ tại Băngcốc năm 2006. |
Nhưng chỉ 2 tháng sau khi Patsy Ramsey qua đời, cảnh sát đã tóm được kẻ tình nghi số một của vụ án. Cảnh sát Boulder đã lần theo dấu vết nghi phạm này qua mạng Internet. Hắn đã dùng địa chỉ email december251996@yahoo.com (25/12/1996 là ngày mà cô bé JonBenet bị sát hại) để gửi thư điện tử cho Michael Tracey, giáo sư khoa báo chí Trường Đại học Colorado. Có lần, trong email gửi cho giáo sư Tracey, hắn gọi JonBenet là “tình yêu của tôi, lẽ sống của tôi”.
Với sự hợp tác tích cực của giáo sư Tracey, cảnh sát đã lần ra được tung tích của kẻ tình nghi. Đó là John Mark Karr, một giáo viên tiếng Anh sinh năm 1964, khi đó đang giảng dạy ở Thái Lan. Mark Karr từng sống gần nơi ở của gia đình JonBenet ở ngoại ô Colorado trước khi cô bé bị giết hại.
Mark bị nhà chức trách Thái Lan bắt giữ tại Băngcốc vào ngày 16/8/2006. Hắn được chuyển giao cho các mật vụ Mỹ và được đưa về Boulder để phục vụ cuộc điều tra JonBenet. Ngày 27/8/2006, Mark Karr được các nhân viên điều tra áp giải từ Thái Lan về Mỹ. Hắn được đối xử như một “ông Hoàng”: không bị còng tay, ngồi ở khoang hạng sang trên máy bay Airbus của Thai Airwayss, được ăn thực đơn tự chọn với tôm hùm nướng, uống rượu vang trắng Chardonnay của Pháp. Thậm chí, trên máy bay, Mark Karr còn trò chuyện rất vui vẻ với hành khách ngồi kế bên. Các nhà điều tra đã đối xử tử tế với Mark Karr như vậy là vì họ mong muốn hắn hợp tác tích cực cho cuộc điều tra JonBenet.
Paulette, chị cùng cha khác mẹ của JonBenet, dọn dẹp mộ em gái. |
Việc bắt giữ được kẻ tình nghi giết hại JonBenet Ramsey được coi là một bước đột phá trong một vụ án, đồng thời minh oan hoàn toàn cho ông bà John và Patsy Ramsey. Trong các cuộc thẩm vấn, Mark Karr đều nhận tội. Hắn khai đã đón JonBenet từ trường về nhà cô bé. Tại đây, hắn đánh thuốc mê, hãm hiếp cô bé và lỡ tay làm chết nạn nhân. Karr giải thích, hắn làm như vậy với JonBenet vì quá hâm mộ vẻ đẹp thánh thiện của cô bé.
Trong khi đó, vợ cũ của Karr là Lara lại khẳng định hắn đã ở cùng cô trong suốt dịp lễ Giáng sinh năm 1996, thời điểm bé JonBenet bị sát hại. Do đó, hắn không thể là hung thủ của vụ án. Theo Lara, Karr chỉ đơn giản là người bị ám ảnh bởi cuộc điều tra về cái chết của hoa hậu nhí nên bỏ ra nhiều thời gian để nghiền ngẫm về vụ án chứ không hề giết cô bé.
Cảnh sát cũng nhận thấy Mark Karr nhận tội quá “nhanh nhảu” và lời khai của hắn có nhiều điểm không chính xác. Chẳng hạn, Mark khai đón cô bé từ trường về nhà, trong khi thực tế vào thời điểm bị sát hại, JonBenet đang nghỉ lễ Giáng sinh… Ngoài ra, JonBenet không hề có chìa khóa nhà, vậy Mark Karr làm thế nào để vào nhà cùng cô bé trong khi căn nhà của gia đình Ramsey không có dấu vết bị cạy phá. Mark cũng khai đã đánh thuốc mê nạn nhân trong khi xét nghiệm pháp y thi thể của JonBenet không tìm thấy thuốc mê. Đặc biệt, kết quả so sánh mẫu ADN của Mark Karr với mẫu ADN tìm thấy trên người nạn nhân không trùng khớp. Người ta đi đến kết luận John Mark Karr không phải là thủ phạm của vụ án và có thể hắn nhận tội chỉ để được nổi tiếng.
Ngày 28/7, các công tố viên Mỹ tuyên bố không đưa ra cáo buộc nào đối với Mark Karr. Hắn bị giam ở Boulder đến ngày 12/9/1996 trước khi được chuyển tới hạt Sonoma, bang California, để đối mặt với các cáo buộc khiêu dâm trẻ em trong một vụ án khác. Những cáo buộc này sau đó cũng bị thẩm phán California bãi bỏ vào ngày 5/10 và John được trả tự do ngay lập tức. Năm 2010, John Mark Karr đã làm phẫu thuật chuyển đổi giới tính và “hắn” hiện là một phụ nữ có tên Alexis Valoran Reich.
Mới đây, tháng 7/2012, James Kolar, một cựu thanh tra hàng đầu của Mỹ đã một lần nữa khuấy động lại cuộc điều tra này sau khi công bố cuốn sách mới, bác bỏ giả thuyết về một kẻ xâm nhập ngôi nhà của gia đình Ramsey để giết hại hoa hậu nhí. Trong cuốn: "Who Really Kidnapped JonBenet?" (Ai đã thực sự bắt cóc JonBenet?”, ông Kolar đặt nghi vấn về giả thuyết “kẻ xâm nhập” - một giả thuyết đồng thời loại bỏ sự liên quan của bố mẹ nạn nhân.
Ông Kolar đã xem xét 60.000 trang tài liệu chứng cứ, gồm các tấm ảnh và video hiện trường, các cuộc phỏng vấn những người liên quan và các báo cáo pháp y. Kolar chỉ ra một chi tiết quan trọng là những mạng nhện vẫn còn chăng nguyên vẹn trên khung cửa sổ vỡ ở tầng hầm, nơi được cho rằng kẻ xâm nhập đã vào và thoát ra khỏi ngôi nhà. Ông cũng cho rằng, một món đồ chơi của JonBenet có thể là thứ đã gây ra những vết tổn thương hình tròn trên người cô bé, chứ không phải từ một khẩu súng điện như giả thiết của các nhà điều tra.
Tuy nhiên, những lý lẽ mới được James Kolar đưa ra lại có nguy cơ đẩy cuộc điều tra vụ sát hại JonBenet, một trong những vụ giết người gây náo động và bí ẩn nhất nước Mỹ, về… điểm xuất phát.
Bạch Đàn