KỲ CUỐI: PHI VỤ THẾ KỶ
Nhóm lừa đảo của Alves dos Reis đã nhắm mục tiêu vào nhà in Waterlow and Sons ở Anh. Cơ sở này chuyên in tiền cho Ngân hàng Bồ Đào Nha. Reis cử Karel Marang tới London để gặp ông William Waterlow, Giám đốc điều hành của Waterlow and Sons. Marang tự giới thiệu mình là đại diện được ủy quyền của Ngân hàng Bồ Đào Nha với nhiệm vụ đàm phán cho một chiến dịch cho vay lớn tại Angola - vùng thuộc địa đang gặp khó khăn về kinh tế của Bồ Đào Nha.
Marang giải thích rằng vì lý do chính trị, hợp đồng in tiền trên cần giữ bí mật tối đa và hắn là người trung gian duy nhất giữa nhà in và Ngân hàng Bồ Đào Nha. Hắn cũng đề xuất bên xưởng in sử dụng lại các seri tiền trước đây.
Có phần nghi ngờ, Giám đốc Waterlow yêu cầu Marang phải xuất trình thư ủy quyền của Thống đốc Ngân hàng Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, ông đã mắc sai lầm lớn khi không liên hệ trực tiếp với ngân hàng mà lại yêu cầu những kẻ lừa đảo nộp giấy ủy quyền. Marang vui vẻ chấp nhận và đưa ra các tài liệu do Reis làm giả từ trước đó.
Mặc dù Marang nhấn mạnh tính bí mật của toàn bộ thỏa thuận nhưng ông Waterlow đã thông báo cho người đại diện của ông ở Lisbon, Henry Romer. Khi Romer biết được về thỏa thuận bất thường này, ông đã gửi nhiều lần cảnh báo ông Waterlow hãy cận trọng. Romer nhấn mạnh rằng chỉ ngân hàng hải ngoại Banco Nacional de Ultramar của Bồ Đào Nha đặt tại Macau mới có quyền phát hành tiền giấy ở Angola. Nhưng giám đốc William Waterlow đã phớt lờ mọi cảnh báo.
Đầu năm 1925, xưởng Waterlow and Sons đã in 200.000 tờ tiền mệnh giá 500 escudo có hình nhà thám hiểm Vasco da Gama, với tổng mệnh giá là 100 triệu escudo và giao chúng cho Reis. Các tờ tiền được gửi đến Bồ Đào Nha trong các kiện hàng ngoại giao từ Hà Lan mà không có bất kỳ sự kiểm soát nào.
Bước tiếp theo trong kế hoạch là đưa những tờ tiền này ra thị trường. Reis đã thuê người mở tài khoản tiền gửi ở nhiều chi nhánh vùng ngoại ô của các ngân hàng lớn trong nước bằng những đồng bạc in hình Vasco da Gama. Và sau đó, họ thực hiện rút tiền thật từ trụ sở chính của các ngân hàng này.
Sau khi rửa tiền thành công, Alves dos Reis và đồng bọn bắt đầu đầu tư mạnh vào bất động sản và kinh doanh, tạo ra sự bùng nổ tạm thời trong nền kinh tế Bồ Đào Nha.
Reis mua Cung điện Cậu bé Vàng, ngày nay là tòa nhà của Hội đồng Anh ở Lisbon, ba trang trại, một đội xe taxi và chi số tiền khổng lồ mua đồ trang sức và quần áo cho vợ mình. Jose Bandeira mua các cửa hàng bán lẻ và đầu tư vào mọi hình thức kinh doanh. Hắn cũng tìm cách mua tờ báo Diário de Notícias nhưng không thành công. Reis cũng mở một ngân hàng mới, đặt tên là Ngân hàng Angola và Metropole, để hỗ trợ lưu hành tiền giả của họ, đồng thời đầu tư vào các dự án ở cả Bồ Đào Nha và Angola.
Giai đoạn cuối cùng trong kế hoạch của Reis là giành quyền kiểm soát Ngân hàng Bồ Đào Nha. Điều đó sẽ cho phép hắn che giấu toàn bộ vụ việc. Để đạt mục tiêu, tên này bắt đầu mua cổ phiếu của Ngân hàng Bồ Đào Nha. Đến cuối năm 1925, Reis đã mua được 10.000 trong số 45.000 cổ phiếu cần thiết để kiểm soát lãi suất trong ngân hàng.
Thành công từ Ngân hàng Angola và Metropole của Reis cùng với con đường hắn vươn lên giàu có ngoạn mục đã thu hút sự chú ý của tờ báo Bồ Đào Nha O Seculo. Tờ báo đã đặt ra câu hỏi rằng làm thế nào mà ngân hàng non trẻ này lại phát triển mạnh mẽ đến vậy, cũng như tại sao ngân hàng này có thể cho vay với lãi suất thấp mà không cần thế chấp. Bài báo đặt ra nghi vấn về lai lịch sử và khả năng tài chính của các vị giám đốc chưa từng được biết đến và đặc biệt là Alves dos Reis. Nó cũng ngụ ý rằng Đức, thông qua cơ quan của Adolf Hennies, đang cố gắng xâm nhập và chiếm lấy Angola để bù đắp cho số thuộc địa mà nước này đã mất trong Chiến tranh thế giới.
Ngày 4/12/1925, một nhân viên giao dịch ngân hàng trong lúc làm việc với cho một người đổi tiền ở Porto - hắn cũng tham gia rửa tiền cho Reis - đã nhận thấy điểm đáng ngờ nên mang một vài tờ giấy bạc đó đến người quản lý cấp địa phương của Ngân hàng Bồ Đào Nha để cùng kiểm tra tiền giả. Các quan chức ngân hàng đã kiểm tra những tờ tiền nhưng không tìm thấy sự khác biệt nào so với tiền thật. Sau một cuộc điều tra toàn diện, cuối cùng họ nhận thấy rằng các tờ tiền có số seri trùng lặp, và kế hoạch tinh vi của Reis đã vỡ lở.
Alves dos Reis bị bắt và nhận án 20 năm tù. Hắn được thả sau 15 thi hành án và qua đời vì đau tim năm 1955. Bandeira nhận bản án 15 năm. Sau khi được thả, hắn bắt đầu kinh doanh hộp đêm trong một thời gian ngắn. Tên này qua đời năm 1960 tại Lisbon. Marang bị xét xử ở Hà Lan và bị kết án 11 tháng tù. Nhưng vì hắn bị giam ngần đó thời gian để chờ xét xử nên ngay lập tức được thả. Sau đó, Marang mua một nhà sản xuất điện nhỏ ở Pháp.
Hennies trốn sang Đức, nơi hắn mất gần hết tài sản vì đầu tư thua lỗ. Hắn qua đời trong cảnh nghèo khó vào năm 1936.
Ngân hàng Bồ Đào Nha đã kiện nhà in Waterlow & Sons vì làm việc tắc trách và đã thắng kiện. Hạ viện Anh yêu cầu Waterlow phải bồi thường cho ngân hàng này số tiền thiệt hại là 610.392 bảng Anh và thêm 95.000 bảng Anh để trang trải chi phí cho phiên điều trần. Waterlow & Sons không thể hồi phục sau thất bại tài chính trên và cuối cùng được một nhà in tiền giấy khác của Anh mua lại vào năm 1961.
Hành vi gian lận của Reis đã gây ra hậu quả to lớn đến nền kinh tế và chính trị của Bồ Đào Nha. Nó khiến giá trị của đồng escudo của Bồ Đào Nha sa sút và khiến công chúng mất niềm tin vào các tổ chức tài chính trong nước. Một số người thậm chí còn nói rằng cuộc khủng hoảng này có tác động mạnh mẽ đến cuộc đảo chính quân sự theo chủ nghĩa dân tộc chống lại chính phủ Cộng hòa thứ nhất Bồ Đào Nha vào năm 1926.
Mặc dù Ngân hàng Bồ Đào Nha đã rút toàn bộ tiền giấy mệnh giá 500 escudo khỏi lưu hành nhưng nhiều tờ tiền vẫn nằm trong tay các cá nhân. Sau này, những tờ tiền giả còn lại đã được đem bán đấu giá, thu về hàng ngàn USD.