Mỗi Đại sứ về văn hóa đọc sẽ có những câu chuyện của riêng mình, từ đó góp phần lan tỏa, truyền cảm hứng về văn hóa đọc, thông điệp về sách, lối sống đẹp trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ hiện nay. 10 gương mặt Đại sứ văn hóa đọc đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau, gồm: Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, 103 tuổi, tác giả của nhiều công trình nghiên cứu ý nghĩa như bộ sách Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử; bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh, tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng; bà Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Trẻ; tấm gương nghị lực Nguyễn Chánh Tín, tác giả cuốn sách “Tôi chọn sống”; doanh nhân Lê Đăng Khoa, Chủ tịch Quỹ Le Group Ventures; Á hậu quốc tế Thúy Vân, nhà sáng lập Quỹ Inspired By SHE, diễn giả của hàng loạt chương trình truyền cảm hứng cho giới trẻ; tác giả Trung Nghĩa, chủ nhân của nhiều đầu sách văn hóa, thể thao, du ký, travel Blogger truyền cảm hứng cho giới trẻ; em Bùi Lưu Bảo Khánh, học sinh lớp 9, giải Nhất Hội thi “Lớn lên cùng sách” lần 8; ca sĩ Hồ Trung Dũng, giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Biên tập viên, Nhà báo, MC Tấn Tài, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư là tấm gương sáng cho người dân, đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức và thanh thiếu niên noi theo. Ở tuổi 103, mỗi ngày, ông vẫn dành gần 10 giờ để làm việc. Để bắt nhịp với thời đại, Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư bắt đầu học đánh bàn phím máy tính từ năm 90 tuổi, viết xong cuốn này, lại bắt tay ngay vào viết cuốn khác. Riêng bộ sách “Sài Gòn - Gia Định - Dặm dài lịch sử”, tính từ ngày ông viết bản đề cương đầu tiên đến khi ra mắt sách hoàn chỉnh là 25 năm.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư chia sẻ, ngay từ khi còn nhỏ, ông đã rất say mê với việc đọc sách. Ông có niềm đam mê đặc biệt với môn Lịch sử, bởi theo ông càng đọc Sử càng thấy yêu nước, khâm phục những cống hiến, hy sinh của các thế hệ cha ông ta trong công cuộc dựng nước và giữ nước, càng thêm vinh dự, tự hào được là người dân của đất nước Việt Nam.
Việc đọc sách là rất cần thiết với mỗi người, chỉ có đọc sách mới có thể giúp ta hiểu được sâu, rộng các vấn đề, sự kiện xảy ra, tư tưởng tốt đẹp... Càng đọc ta càng thấy thích thú vì trí tuệ của mình được mở mang nhiều hơn, trình độ được nâng cao hơn. Tuy nhiên, không phải cuốn sách nào cũng đáng đọc, vì thế chúng ta cần biết chọn lọc những sách hay, sách phù hợp, cảnh giác, tránh bị sách “đầu độc”, Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư bày tỏ.
Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 2, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố phối hợp cùng đơn vị tổ chức chuỗi hoạt động chào mừng từ ngày 19 - 23/4, tại khu vực Công xã Paris và Đường Sách Thành phố Hồ Chí Minh. Chương trình có sự tham gia của gần 30 đơn vị là các nhà xuất bản, phát hành với gian hàng giới thiệu sách, gần 60 chương trình tọa đàm, giao lưu, hoạt động tương tác trải nghiệm cho thiếu nhi, hoạt động trao tặng sách…
Các quận, huyện, thành phố Thủ Đức đồng loạt tổ chức hoạt động hưởng ứng, góp phần lan tỏa văn hóa đọc trên địa bàn Thành phố.