Nhận lời mời của Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Audrey Azoulay, Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 5-7/9.
Trước thềm chuyến thăm này, bà Audrey Azoulay đã có cuộc trao đổi riêng với phóng viên TTXVN tại Pháp. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
Năm 2022 đánh dấu 45 năm quan hệ đối tác Việt Nam - UNESCO, xin bà chia sẻ những đánh giá về nỗ lực của Việt Nam tại UNESCO trong những năm qua?
Việt Nam là một hình mẫu hợp tác hiệu quả với UNESCO. Quốc gia này gia nhập Tổ chức của chúng tôi vào năm 1976, ngay sau khi thống nhất đất nước và một năm trước khi gia nhập Liên hợp quốc. Từ đó đến nay, chúng tôi đã xây dựng được một mối quan hệ rất vững chắc. Chúng tôi đã cùng nhau phát triển nhiều dự án khoa học chung trong đó mới đây nhất là hai trung tâm đào tạo và nghiên cứu về toán học và vật lý đã được ra mắt vào năm 2021. Hai bên đều ủng hộ phát triển giáo dục, đặc biệt là giáo dục trẻ em gái. Về văn hóa, 8 địa danh của Việt Nam đã được đưa vào danh sách Di sản thế giới và 13 hạng mục khác trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể. Việt Nam cũng là thành viên tích cực của Ban chấp hành UNESCO, được bầu vào năm 2021 với nhiệm kỳ 4 năm.
Theo bà, đâu là những thuận lợi và cả thách thức trong việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác Việt Nam - UNESCO trong thời gian tới nhằm đạt được các Mục tiêu Thiên niên kỷ và phát triển bền vững trên toàn thế giới?
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, Việt Nam đã biết tạo dựng một mô hình phát triển dựa trên cơ sở đầu tư đáng kể cho giáo dục. Đất nước này cũng đã đưa ra những cam kết cụ thể để bảo vệ di sản, một trong những trụ cột tạo nên bản sắc và sự phát triển. Trong cả hai lĩnh vực, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ quan trọng, nhưng các nỗ lực này cũng cần được duy trì tốt để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc.
Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay mà chúng ta đang phải đối mặt, theo tôi, đó là biến đổi khí hậu. Đây là một thách thức mang tính toàn cầu, đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các quốc gia thành viên. UNESCO đã đề ra một số giải pháp, trong đó đặc biệt phải kể đến chương trình Con người và Sinh quyển, được khởi xướng năm 1975 và là tiền thân của khái niệm phát triển bền vững. Chương trình này nhằm mục đích tìm kiếm sự cân bằng và và đảm bảo sự hài hòa giữa các hoạt động của con người và môi trường. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã chú trọng đầu tư theo hướng này và ngày nay Việt Nam đã có 11 khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận. Một điểm tích cực khác đáng được ghi nhận, đó là nước này đã thông qua Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu vào tháng 7 năm ngoái và đặt lộ trình cho đến năm 2050.
Xin hãy chia sẻ kế hoạch cũng như kỳ vọng của bà trong chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 5-7/9!
Tôi sẽ rất hân hạnh được đến miền Bắc và miền Trung của đất nước để thăm và làm việc, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục và văn hóa. Tại Hà Nội, tôi sẽ gặp ngài Thủ tướng và thăm trường THPT Ngô Sĩ Liên, thuộc mạng lưới các trường liên kết của UNESCO. Tại Ninh Bình, chúng tôi sẽ cùng kỷ niệm 50 năm ra đời Công ước Di sản Thế giới của UNESCO và 35 năm Việt Nam phê chuẩn Công ước này. Tôi cũng sẽ đến thăm quần thể danh thắng Tràng An, được xếp vào danh sách Di sản Thế giới năm 2014, và là một hình mẫu tốt về bảo tồn môi trường và phát triển du lịch bền vững. Cuối cùng, tôi sẽ đến Huế, nơi có các di tích cũng được công nhận là Di sản Thế giới, nơi UNESCO đã đóng góp vào một số dự án trùng tu. Tôi cũng muốn đến miền Nam, có rất nhiều điều để khám phá ở Việt Nam và tôi sẽ phải quay lại. Mỗi chuyến thăm như vậy sẽ là cơ hội để chúng ta xem xét các dự án hợp tác và xác định các chương trình hành động cần thực hiện tiếp theo để cụ thể hóa Bản ghi nhớ hợp tác mà tôi đã ký với chính phủ Việt Nam vào tháng 11/2021, trong chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam đến trụ sở UNESCO tại Paris.